edf40wrjww2tblPage:Content
Cồn Hến nổi lên giữa dòng Hương Giang lặng lờ.
Theo GS -TS - KTS Hoàng Đạo Kính, do Huế là đô thị di sản, đô thị sinh thái lịch sử chứ không phải theo xu hướng hiện đại nên yếu tố văn hóa, tư duy văn hóa và thước đo văn hóa phải được đặt làm ưu tiên trong mọi chủ định và mọi kế hoạch. Quy hoạch 2 bờ sông Hương trước tiên cần tuân thủ yêu cầu tối thượng là duy trì vị trí và vai trò của dòng sông trong cấu trúc đô thị - di sản và đô thị sinh thái, khẳng định và bộc lộ rõ các quan điểm và các giá trị kiến trúc cảnh quan, nhân văn của nó.
"Làm cho Huế đồ sộ, tân tiến và giàu có, hẳn là việc hết sức khó. Song làm cho Huế có ngần ấy thứ mà lại bảo lưu cho được, mở mang từ chính cái tài nguyên lịch sử, không vô hình mà hiện hữu xác thịt, mới chính là việc khó bội phần. Dòng sông Hương kết nối 2 phần của thành phố Huế thời phong kiến, thời cận đại, sau này. Do sự ngẫu nhiên nào đó hoặc đúng hơn do chú trọng mang tính kế thừa mà dòng sông Hương và 2 triền sông cho đến nay vẫn đóng vai trò là một cái trục chính nối thẳng núi Ngự Bình và kinh thành, cái trục kiến trúc ấy không bị kiến trúc hóa, đô thị hóa. Ở Việt Nam ta không có con sông nào được ứng xử văn hóa đến mức tự nhiên như với sông Hương ở Huế". GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. |
Việc vận dụng yêu cầu này cho 2 bờ sông Hương có thể là: duy trì bằng được các khoảng cách ấn định giới hạn không gian mà lịch sử đã dành cho con sông này, tuyệt đối tránh mọi sự chất tải mới, giải tỏa những công trình xây dựng và những vật cản xé vụn sự thông thoáng của không gian 2 bờ. Giữ cho được tính tự nhiên và độ xanh tươi của dòng sông cùng 2 triền sông ở giữa thành phố hiện đại mà yên lành.
GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính chỉ rõ: quy hoạch ở đây nên hiểu là để bảo tồn, để phát huy bằng các biện pháp điều tiết chỉnh trang, cải tạo để hoàn hiện. Tuyệt đối không để xây cất thêm những công trình đồ sộ như khách sạn Century hoặc chợ Đông Ba mới.
Ở bờ phía Bắc, nên tính tới việc giải tỏa bãi xe, dãy phố đến cửa Thượng Tứ nhằm tạo nên sự nối kết kinh thành với bờ sông Hương. Ở bờ phía Nam, nên duy trì các kiến trúc Pháp, không nên xây cất thêm công trình mới.
Huế - thành phố di sản đang trong quá trình mở rộng địa giới và chuyển đổi cấu trúc không gian đô thị. Từ một thành phố được quy hoạch theo trật tự nghiêm ngặt trên diện tích lớn kéo từ kinh thành cho đến tận các làng quê, chuyển dần sang cấu trúc đô thị không qui tắc và hỗn loạn.
Chính vì vậy mà những xáo trộn trong tổ chức không gian đô thị đang gây ra những lo ngại cho người dân, khách du lịch và ngay cả các chuyên gia nghiên cứu về đô thị.
Theo thạc sĩ - kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, giảng viên khoa Qui hoạch đô thị, Trường Đại học Kiến trúc TP.HHCM, can thiệp cảnh quan đôi bờ sông Hương phải bảo tồn được hình thể và tinh thần, nơi chốn của lịch sử tại thời điểm nó được sinh ra.
Mọi sự can thiệp trong quá trình phát triển đều được cân nhắc cẩn thận để không làm tổn hại đến di tích cho dù đó là không gian trống hay địa hình cảnh quan.
Yêu cầu chính yếu đầu tiên là cấu trúc đô thị phát triển phải nhận dòng sông Hương làm trục bố cục và tôn trọng vai trò trung tâm của Kinh thành Huế trong sự phát triển hài hoà với thiên nhiên.
Yêu cầu chính yếu thứ hai là khái niệm thích ứng di sản cần phải đặt trong bối cảnh của môi trường đô thị mới, đó là sự tiếp nối giữa quá khứ và tương lai. Mỗi một sự can thiệp phải được sáng tạo dựa trên tinh thần duy nhất của thành phố di sản. Kiến tạo nơi chốn phải xứng tầm với thời đại, tránh xa cái lề thói sao chép và áp đặt hình mẫu kiến trúc mà thiếu sự chọn lọc.
Sông Hương nhìn lên phía thượng nguồn.
Sông Hương chia hai bờ Nam Bắc, yên bình giữa lòng thành phố.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho Trung tâm xây dựng kế hoạch quản lý khu di sản Huế và nghiên cứu phương án để tái đề cử cho di sản Huế trong đó sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông Hương là một nội dung rất quan trọng.
Việc bổ sung sông Hương cùng cảnh quan đôi bờ vào danh mục di sản thế giới không chỉ nhằm tôn vinh một di sản độc đáo của nhân loại mà còn nhằm bảo vệ và giữ gìn tài sản trước những nguy cơ thách thức. Sông Hương có trở thành di sản thế giới hay không, điều đó không phải do giá trị tự thân của nó mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của chúng ta. Dự kiến hồ sơ tái đề cử sẽ được trình lên ủy ban di sản thế giới vào năm 2017.
Rõ ràng sông Hương không phải là một dòng sông bình thường mà là một dòng sông có ý nghĩa quan trọng đối với đô thị Huế, với văn hóa và di sản xứ Huế.
“Sông Hương là dòng chảy văn hóa, là biểu tượng của văn hóa Huế đã từ lâu, rất lâu rồi. Và trong tương lai, những ý nghĩa này chắc chắn cũng không thay đổi”. Ông Hải nói.
THUẬN HÓA