Gần mười năm trước, trong mưa phùn, tôi ngồi xích lô đi dọc sông Hương, thấm thía một “nỗi mưa Huế”, buồn đến cô liêu, như lòng người năm ấy. Giờ trở lại, không nỡ chối từ lời mời của người phu xe già, tôi lại lên xe buổi đêm qua cầu Trường Tiền, ngang chợ Đông Ba. Dạo những cung đường đêm im lặng, cũng trong cơn mưa lất phất mà thấy Huế bình an êm đềm quá…
“Trở lại Huế thương”
Trước chuyến đi, dự báo thời tiết trong ba ngày tôi lưu lại Huế đều có “mưa vừa đến mưa rất to”. Đã chuẩn bị tinh thần với những cơn mưa Huế, vậy nhưng khi máy bay hạ cánh, nhiệt độ bên ngoài là 320C và nắng chang chang. Tự nhiên, tôi hụt hẫng.
Bạn ở Sài Gòn nhắn: “Đã thấy đặc sản của Huế chưa?”. Đặc sản đó là mưa Huế. Ngày thứ hai có mưa lắc rắc, thật nhanh rồi ngưng. Buổi tối, tình cờ bắt gặp bức ảnh đồng nghiệp đăng lên facebook, chụp trên đường đến phá Tam Giang, tôi mừng như gặp một giấc mộng. Qua màn mưa nhòa trên kính xe, phố Huế trong bức ảnh của bạn đẹp như một bức tranh sơn mài. Suốt mấy ngày chờ, cuối cùng Huế cũng đã mưa đúng vào lúc tôi ngồi xích lô ngắm phố đêm. Vậy là chuyến đi cũng “có chút gì gọi là” để được nhớ nhung.
Lần đầu tiên đến Huế gần 10 năm trước, tôi được cố đô đón bằng màn mưa trắng xóa từ sân bay. Những ngày tham quan Đại Nội, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, đàn Nam giao, chùa Từ Hiếu… đều đi trong mưa phùn. Tôi nhớ mình từng dành cả buổi chiều loay hoay trên những con đường nhỏ, chụp ảnh với cây và rêu. Mười năm sau, những hàng cây vẫn xanh mướt, bình yên bên Đại Nội. Như thể bầy chim câu của ngày xưa vẫn còn đó, trên những tán sứ trắng tròn xoe mắt nhìn tôi.
Ngày trở lại, tôi đi cùng đoàn, không còn đếm bước chân mình qua từng ô cửa, từng bậc thang, nhìn ngắm những thềm rêu hay có thể ngồi rất lâu nhìn dòng Hương chìm thẫm trong màn mưa giăng. Những bước chân bây giờ cũng nhanh hơn, chỉ có đôi mắt vẫn chú tâm tìm lại dấu rêu ngày cũ. Xuôi về kỷ niệm, càng thấm thía rằng trong cuộc đời này, mọi thứ đều trôi nhanh như nước chảy, thời gian cũng không bao giờ trở lại. Chỉ có ký ức là mãi mãi ở lại cùng mình.
|
Qua một mùa rêu Huế |
Huế mười năm sau không có mưa nhưng thời tiết vô cùng mát mẻ. Đoàn người đi bộ cùng nhau ba giờ đồng hồ tham quan, chụp ảnh, ăn uống… ước tính khoảng 6km mà không thấy mệt. Chiều thả xuống sông Hương bóng hoàng hôn mỹ miều như tranh vẽ, tôi nhẩn nha ven bờ nhìn ngắm khúc quanh của dòng sông.
Cũng khúc quanh này, vào một ngày mưa cũ, tôi đã ở đây cùng một chiếc lá vàng, hòa tiếng cười nói xôn xao cùng các em nữ sinh Huế, nhìn ngắm người đến thăm chùa Thiên Mụ, xuống thuyền xuôi sông Hương. Cảm giác một mình với Huế trong mưa đúng nghĩa phiêu linh, diệu vợi.
Suốt mười năm sau đó, tôi đã đi rất nhiều nơi, đến những vùng đất mới, niềm vui đầy lên theo những quen biết và sẻ chia. Vậy mà tôi vẫn nhớ sông Hương như một kỷ niệm nặng nghĩa tình. Dòng nước mặc khải, sông chẳng nói với tôi điều gì mà đầy sự xoa dịu, nhẹ nhàng, tan loãng mọi ưu phiền của một cô gái tuổi đôi mươi lần đầu biết va vấp với đời. Để bây giờ, khoảnh khắc tựa cửa thuyền rồng ngắm nhìn cầu Trường Tiền đổi màu lấp lánh trong đêm, lại thấy nhớ sao là nhớ “mình hồi còn trẻ” ấy.
Nhớ lắm mình của ngày hết đạp xe thong dong qua cồn Hến, vòng quanh kinh thành Huế, đến hồ Tịnh Tâm rồi lại thuê xe máy ra cầu ngói Thanh Toàn, tạt vào túp lều ven đường của hai người già lưới cá, ngắm nhìn những cái cây lẻ bạn bên đường, thương từng chiếc lá rơi xuống, im lìm không lời từ tạ.
|
Đại Nội - Ảnh: Cao Hoài An |
Heraclitus đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Nước sông Hương vẫn chảy. Dòng nước miên man trôi trong hoàng hôn giờ đây cũng không phải là dòng chảy của mười năm về trước. Như tôi và chúng ta, đã không còn là “mình” của những ngày xưa nữa…
Bước chầm chậm thôi...
Buổi sáng cuối cùng ở Huế, tôi đi bộ từ khách sạn trên đường Ngô Quyền ra công viên Tứ Tượng trên đường Lê Lợi - đoạn đường nếu đi taxi cũng chưa đến 20.000 đồng. Công viên cũng là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật thường kỳ: lễ hội diều Huế, Festival Nghề truyền thống Huế… Ngày tôi đến, một góc công viên diễn ra hội Sách và bạn trẻ. Bên cạnh là Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (số 17 Lê Lợi), nơi trưng bày gần 400 tác phẩm nghệ thuật nhiều thể loại, chất liệu độc đáo của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tặng cho nhân dân thành phố Huế.
Từ cuối năm 2018, cầu gỗ lim đi bộ trên sông Hương (đoạn nối giữa cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền) được khánh thành. Lần này tôi ra, được thong dong thơ mộng trên chiếc cầu đi bộ ấy. Chiếc cầu gỗ lim dài 400m này cũng là nơi “check-in” yêu thích của bạn trẻ, khách thập phương. Gió từ sông thanh mát làm cho lòng người càng thêm thư thái.
Dễ chịu là cảm giác thường trực của tôi những ngày ở Huế. Có thể do thời tiết mát mẻ, cảnh đẹp, thức ăn ngon, giọng người xứ Huế êm dịu hoặc đơn giản là bởi lòng mình đã tự biết thanh lọc, cân bằng được nhiều trạng thái khác của đời sống. Sông Hương có nói chi mô, vậy mà lần nào đến Huế, như thể dòng nước biết cách gieo hạt mát lành để người cứ vui, cứ phơi phới mà tận hưởng.
|
Hoàng hôn trên sông Hương - Ảnh: Lan Huê |
Có lúc, anh taxi mời đi xe, tôi lắc đầu. Anh trêu: “Sao vậy?”. Biết nói thế nào với người lạ về cảm giác thích được tản bộ dưới những hàng cây hoặc đơn giản là nghe tiếng bước chân mình qua những vỉa hè, có thể “tạt ngang tạt dọc” nghiêng ngó mọi cảnh đẹp. “Bước chầm chậm thôi để đường dài mãi em ơi” - câu hát luôn nhắc tôi nhớ để biết có những lúc mình cần sống chậm lại, nhẹ nhàng thôi. Người Huế trấn an: “Cứ tự do quay phim chụp ảnh ngoài đường, không phải lo sợ giật dọc gì cả”. Tôi vẫn luôn tin là như vậy. Nơi nào có sự tin cậy, nơi ấy sẽ cho mình sự tự do và bình tâm.
Đi, ngắm và... ăn Phố đi bộ xập xình nhạc, nhưng không quá đông đúc ồn ã như phố Bùi Viện ở Sài Gòn. Có lẽ Huế là thế, ngay cả nơi “hứa hẹn” sẽ sôi động nhất cũng theo nhịp của nó. Đầu đường nhạc sàn ập vào tai, giữa đường là những giai điệu vui tươi, trẻ trung, du khách cùng nhau hòa bước chân vào những điệu nhảy khỏe khoắn. Cuối đường có nhiều quán cà phê, bar. Thu hút tôi là những shop bán trang sức bắt mắt. | Quán chè bột lọc bọc heo quay thu hút thực khách | Hoa tai, vòng cổ, vòng đeo tay kiểu dáng đa dạng, đủ mọi phong cách. Giá bán chỉ khoảng 50.000 - 100.000 đồng. Bạn gái trẻ có thể “mê mệt” ở những gian hàng xinh xinh này. Mua về làm quà cũng rất ý nghĩa. Nếu muốn thư giãn, bạn cũng có thể ghé các tiệm massage chân, giá từ 100.000 đồng (suất 30 phút). Ngày trước lơ ngơ, đến Huế tự tìm đặc sản ẩm thực địa phương: bánh bèo chén, bánh nậm, bánh bột lọc, cơm hến, bún bò, chè cung đình… Bây giờ đến Huế, lại được thưởng thức nhiều món ngon khó quên khác: vả trộn, gà xáo bánh ướt… Kể cả những món quen thuộc như gỏi tôm chua, cháo trắng ăn với cá bống kho tiêu, bánh khoái, cá kình, sữa chua nếp cẩm… cũng ngon kỳ lạ. Có cả món chè bột lọc bọc heo quay thơm lừng một góc phố khuya. Khi ngồi viết những dòng này, vị giác cứ như đang “đấu tranh” để được thêm một lần hồi tưởng, nhớ mà thèm, để rồi biết ơn một vùng đất, những người nơi ấy đã cho mình những ngày quá nhiều ân tình, kỷ niệm. Buổi phải lên xe rời đi, bạn tôi mua một ổ bánh mì heo quay, chia đôi, tôi ăn hết nửa ổ, từ tạ Huế mà tự hỏi: “Sao bánh mì Huế cũng ngon đến vậy?”. |
Bài và ảnh: Bùi Tiểu Quyên