PNO - Sau khi đã cho các dự án lấn sông triển khai rầm rộ, UBND TP.Đà Nẵng mới trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, từ đó hợp thức hóa tất cả dự án được triển khai không đúng quy hoạch từ đầu.
Sáng 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện hai dự án bất động sản và bến du thuyền là Marina Complex và Olalani (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) - tâm điểm dư luận trong thời gian qua. Các ý kiến tại hội nghị đã chỉ ra: trong quy hoạch năm 2003, không có dự án nào được lấn ra mặt sông cả, nhưng đến năm 2013, sau khi đã cho các dự án lấn sông triển khai rầm rộ, UBND TP.Đà Nẵng mới trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, từ đó hợp thức hóa tất cả dự án được triển khai không đúng quy hoạch từ đầu.
Kẻ nâng, người hạ
Có thể chia 13 ý kiến tham luận, phát biểu tại hội nghị làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm chủ đầu tư, các giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đại học Thủy lợi, Bách khoa Đà Nẵng và Bách khoa TP.HCM, vốn có chân trong hội đồng đánh giá tác động môi trường của các dự án trên, với các thông số, quy định pháp lý khẳng định việc lấn sông Hàn không ảnh hưởng xấu đến dòng chảy, không gây ngập lụt. Bà Nguyễn Thị Như Loan - đại diện chủ dự án Marina Complex - cho rằng, áp lực của dư luận thời gian qua khiến công ty bất ngờ, bối rối, bao tâm huyết như bị đổ biển. “Muốn dừng dự án, chúng tôi đề nghị phải xem xét trong tổng quan các dự án trên sông Hàn, đồng thời đánh giá thiệt hại tiền mà doanh nghiệp (DN) đã bỏ ra. Dự án đã qua hai lần đánh giá tác động môi trường, bảy lần điều chỉnh. Sự việc này khiến DN lo lắng và DN thấy bất bình đẳng khi đầu tư vào Đà Nẵng” - bà Loan nói.
Tương tự, đại diện chủ đầu tư dự án Olalani cũng khẳng định, họ không có gì sai khi xây dựng vì đã có đánh giá tác động môi trường và được phép triển khai dự án. Giáo sư Phạm Thị Hương Lan đến từ Trường đại học Thủy lợi cho rằng, tốc độ dòng chảy lũ tháng 9/2009 và 11/2010 (trước và sau khi dự án được triển khai) chỉ tăng 0,06m/s, không có gì đáng kể và nằm trong mức cho phép. Đồng quan điểm này, tiến sĩ Lê Hùng và tiến sĩ Lê Song Giang đến từ hai trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và Bách khoa TP.HCM khẳng định, hai dự án lấn sông Hàn này không ảnh hưởng đến thoát lũ, không gây ngập lụt, không tạo ra đột biến xấu về môi trường.
Nhóm ý kiến thứ hai phản ứng gay gắt việc lấp sông làm biệt thự, du thuyền. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng - cho rằng, không nên tiếp tục triển khai dự án, bởi nó làm mất mỹ quan đô thị; hai dự án này sai từ tầm nhìn, dòng chảy đến mỹ quan. Theo ông Tiếng, không riêng hai dự án này mà các dự án khác trên sông Hàn cũng phải dừng lại, nhưng đây là việc không dễ dàng, bởi lỗi không phải hoàn toàn do nhà đầu tư. “Nếu dừng lại thì lấy gì đền bù cho DN, nếu phá kè thì ai chịu chi phí? Tôi đề xuất dừng xây dựng để làm công viên, nhưng phương án ấy vẫn chưa giải quyết được vấn đề dòng chảy” - ông Tiếng nói.
Còn theo kiến trúc sư Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng - chuyện xây nhà mấy chục tầng bên sông Hàn như hiện nay là phân khúc kiểu manh mún, theo quy trình quy hoạch ngược, bởi “người ta làm nhà ven sông là từ thấp lùi cao dần vào trong, còn ở đây là cao mới đến thấp”. Ông cũng đưa ra con số khảo sát: từ năm 2002, cửa sông Hàn rộng 600 - 700m, việc xây dựng các khu dân cư, làm đường hai bên sông, làm cầu Thuận Phước đã khiến đến năm 2009, cửa sông chỉ còn 500m. “Việc làm bến du thuyền, bất động sản trên sông Hàn làm thu hẹp dòng sông, gây ức chế thị giác. Nếu nói nó không tác động đến việc thoát lũ là không thuyết phục. Tôi đề nghị giám định lại các đánh giá tác động môi trường của các dự án”. Ông cũng nói thêm: “Lấn sông là đánh cắp không gian tương lai của con cháu. Nếu đất này bị tư hữu hóa thì rõ ràng nó đã bị quyền lực đồng tiền chi phối, còn nếu biến thành công viên thì người dân sẽ thấy mình không bị lãng quên”.
Ông Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam - cho rằng, việc một số người nói “thời Pháp thuộc đã xây kè ở đây, giờ làm tại khu vực này không sao” là nhầm lẫn. “Họ xây kè mềm để điều chỉnh dòng chảy chứ không phải lấn sông. Nhà chồ trước đây là ở chỗ này, nay ở đâu? Họ đã lùi vào, và rõ ràng các dự án đã lấn ra 300m. Đây cũng là hiểm họa cho cảng Tiên Sa, bởi cửa sông bị lấn, phù sa không có chỗ bồi, bùn cát sẽ đẩy xuống cảng Tiên Sa vốn là cảng duy nhất tại Việt Nam không cần nạo vét” - ông Diệm nêu quan điểm.
“Sinh con rồi mới sinh cha”
Năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức thi thiết kế cảnh quan sông Hàn, mời các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự. Kết quả, không có giải nhất, hai dự án nêu trên đoạt giải nhì. Đây cũng là một trong những cái “phao” mà chủ đầu tư bám vào để khẳng định, họ làm đúng theo thiết kế, và đã vì thành phố mà thay đổi theo hướng gần gũi với cộng đồng hơn. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: hội thảo diễn ra khi dự án đã làm, vậy hội thảo để làm gì? Cái gọi là lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng, các chuyên gia, chỉ là cách nói cho xong.
Ông Trần Văn Thiết - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng - nói: “Mặt trận không được tham gia góp ý kiến ngay từ đầu. Khi dư luận phản đối thì chính quyền nói đúng quy trình, đã đánh giá, nhưng thực tế không phải vậy. Bài học về lấp sông Đồng Nai, dự án Đa Phước tại Đà Nẵng, các dự án tại đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ cho thấy cái gọi là “ý kiến cộng đồng” thực ra là không có”. Ở đây, dứt khoát là lỗi của chính quyền trước tiên. Ông Hồ Duy Diệm nói: “Luật Môi trường khẳng định, lấn sông, lấp sông là vi phạm pháp luật. Với các dự án trên sông Hàn, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã vi phạm pháp luật. Điều này là quá rõ ràng, không thể khác”.
Truy xuất nguồn cơn của những tranh luận, phản ứng dữ dội từ cộng đồng, có ý kiến vạch rõ rằng, chính quyền TP.Đà Nẵng đã vận dụng bài cũ là “cứ làm vô tư, sai thì bổ sung quy hoạch”, cho nên hội thảo này cũng là tiếp nối cách làm theo kiểu “chuyện đã rồi”, “sinh con rồi mới sinh cha”.
Kiến trúc sư Hoàng Sừ - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Nam - gay gắt: “Sông Hàn rất ngắn, chưa đến 10km là ra biển, khu vực cửa biển khoảng 700m thì lụt 5% không tác động đến thành phố. Nếu lấy số liệu lũ lụt năm 1999 thì đã quá lỗi thời. Tôi đã tổng kết trên bản đồ vệ tinh thì dọc sông Hàn, ngoài ba dự án là đường Như Nguyệt, dự án Marina Complex, Olalani thì phía thượng nguồn có 10 dự án nữa đã lấp sạch toàn bộ khu vực Hòa Xuân, diện tích áng chừng khoảng 2.000ha. 2.000ha đó, trong các mùa lũ là một hồ điều tiết chứa nước rất lớn; nếu chỉ tính độ cao từ đường đến mặt ruộng khoảng 3m thì 2.000ha đó có sức chứa 60 triệu m3 nước. Đến giờ, toàn bộ khu vực 2.000ha đó đã bị lấp sạch, vậy nếu có một cơn lũ như năm 1999, toàn bộ lượng nước tống thẳng xuống sông thì các bạn có dám khẳng định không có thảm họa không? Thứ hai, về mặt pháp lý, các nhận xét đều cho rằng các dự án hoàn toàn đúng theo quy hoạch, nhưng tôi nghĩ hình như nó có vấn đề. Bởi vì quy hoạch chung của TP.Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt năm 2003 là quy hoạch từ năm 2000 đến năm 2020. Trong quy hoạch năm 2003, hoàn toàn không có dự án nào được lòi ra mặt sông cả. Tất cả dự án đa phần đều thực hiện rầm rộ từ năm 2005-2012. Đến năm 2013, UBND TP.Đà Nẵng trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, và sự điều chỉnh này đã hợp thức hóa tất cả dự án được triển khai một cách không đúng quy hoạch từ đầu”.
Nói thẳng ra, chuyện bây giờ là “gạo đã thành cơm”, vấn đề còn lại là các dự án này phải nằm trong chuỗi tư duy vì lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Ông Bùi Văn Tiếng nói: “Làm tiếp thì dễ, dừng lại mới khó. Mong lãnh đạo thành phố không ngại gian khó, bởi dù có khó xử với các vị tiền nhiệm nhưng cũng không vì lẽ đó mà bất chấp dư luận, lẽ phải”.
Truy xuất nguồn cơn của những tranh luận, phản ứng dữ dội từ cộng đồng, có ý kiến vạch rõ rằng, chính quyền TP.Đà Nẵng đã vận dụng bài cũ là “cứ làm vô tư, sai thì bổ sung quy hoạch”, cho nên hội thảo này cũng là tiếp nối cách làm theo kiểu “chuyện đã rồi”, “sinh con rồi mới sinh cha”.
Làm nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích.