Sóng gió tuổi xế chiều

12/06/2015 - 15:43

PNO - PN - Ông và bà thật đẹp đôi. Ngoài 50, trông bà vẫn trẻ với làn da trắng, thân hình gọn gàng. Ông yêu bà từ lúc còn là cô thôn nữ cho tới bây giờ. Bà hãnh diện với lối xóm vì cảnh nhà đầm ấm, con cái thành đạt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông có hơn 100 công ruộng ở vùng bưng. Tới mùa, ông dắt theo vợ chồng con trai út, vô ruộng coi việc cày xới, chăm bón. Bà ở nhà thảnh thơi xem phim bộ, cà phê với mấy bà bạn. Thỉnh thoảng bà đùm túm thức ăn khô mang vô ruộng cho mấy cha con.

Song gio tuoi xe chieu

Gần xóm ruộng của ông có cô Ba góa chồng, bán cà phê ở đầu làng. Sáng sáng, đàn ông trong xóm đến uống cà phê khá đông. Cô Ba hai mắt lúng liếng, miệng cười tươi. Nghe đâu cô Ba “ra giá” cao lắm. Cô nói “cỡ như ông Út làm gì bén được tới gót chân của tui”. Ông Út - chính là ông - nghe được, chỉ cười, không nói…

Bỗng dưng ông lại bắt đầu mơ màng đến cô chủ quán. Ngày nào ông cũng ra quán cà phê. Cữ sáng rồi tới cữ chiều. Rốt cuộc cô Ba bị ông cưa đổ…

Chuyện xảy ra cả năm bà mới biết. Bà đùng đùng dắt theo con gái con rể, quyết bắt quả tang. Nửa đêm, bà đập vách ầm ầm, “ông Út, ông ra đây. Tui biết ông ở trong đó”. Ông Út và cô Ba giật thót như sét đánh bên tai. Vừa bật dậy thì bà đã phá vách xông vào. Không tin vào mắt mình, bà ú ớ, ngất xỉu.

Sốc nặng, bà lúc mê lúc tỉnh, gào khóc vật vã. Ông nhắn gọi các con về gấp. “Ba có lỗi với má tụi con, từng tuổi này còn làm chuyện xấu hổ. Tụi con khuyên má giùm ba”, ông cúi đầu nhỏ nhẹ. Lời của ông và các con, bà chẳng muốn nghe, mà cũng không kịp nghe, bởi ngay sau đó bà lên cơn hoảng loạn rồi tắt thở. Ông bàng hoàng đau đớn, lặng thinh suốt ba ngày đám tang, không ăn không ngủ, thậm chí ông còn không dám nhìn vào di ảnh bà…

Hai năm, ông giày vò bản thân. Thấy ông gầy rạc, tóc bạc trắng, đàn con thương xót, lỗi gì cũng cho qua, khuyên ông không nên tự trách mình.

Ông nguôi ngoai dần, lân la đi cà phê, thăm lối xóm. Một ngày, ông lại lên ruộng coi thằng Út quán xuyến ra sao. Cảnh đồng quê trăng thanh gió mát khiến ông ít nhiều nguôi ngoai. Và, ông quyết định ở lại nơi này.

Song gio tuoi xe chieu

Ở ruộng cả tháng nhưng ông không dám ra quán cà phê ở đầu làng. Mặt mũi nào nhìn người ta. Một bữa trưa, cô Ba đùng đùng tới trại ông ở. Nhìn ông gầy nhom xơ xác, hai mắt cô Ba rớm lệ, đầy thương xót, “sao ông ra nông nỗi này?”. Câu nói khiến tim ông mềm nhũn, phủi sạch hết nỗi cô đơn muộn phiền đeo chặt từ ngày vợ mất…

Đã lâu ông không về nhà. Con trai út lên thăm, tá hỏa khi thấy cô Ba đang nấu ăn trong bếp, liền gọi điện thoại anh em lên khuyên ông về. Ông về, lòng buồn hiu hắt. Các con có gia đình riêng. Lúc ông đau vai mỏi lưng, chẳng đứa nào rảnh rang đấm bóp giùm. Ông nói thèm cá rô kho tộ, tới bữa, con dâu quên mất tiêu…

Từng tuổi này rồi, phải sống cho bản thân thôi. Ông kêu các con về, thông báo quyết định cưới cô Ba, đứa nào phản đối cũng mặc kệ. Hầu hết đều cho rằng cô Ba chỉ thương… tiền bạc của ba. Cả tháng trời cha con bất hòa, tranh cãi liên miên. Thằng con lớn đưa ra điều kiện: “Ba làm di chúc chia hết tài sản cho tụi con. Phần của ba, mỗi tháng ba nhận 10 triệu sinh hoạt phí. Lúc ba qua đời, cô Ba không được chia chác gì”. Ở quê, mỗi tháng 10 triệu cũng dư dả, ông đồng ý cái rụp.

Không ngờ, họ sống với nhau mới vài tháng, ông xảy ra tai biến. Thời gian đầu, bà Út ra sức chăm sóc, cưng chiều ông. Mấy tháng sau, ông chỉ có thể lết từng bước ngắn khi có người dìu, miệng méo xệch một bên. Rồi, bà lơi dần việc chăm ông. Các con về thăm cha, thấy ông áo quần dơ bẩn, chỗ nằm bốc mùi, liền cật vấn bà. Bà Út nói ông đau ốm, mình bà lo không xuể. Bà đề nghị chu cấp thêm tiền, để lo thuốc thang và có thể thuê người phụ chăm ông. Đám con cứ khăng khăng, bà phải chăm ông no đủ, sạch sẽ, không được đòi hỏi gì thêm. Hai bên căng thẳng giằng co nhau, khi ông nằm liệt, sống nay chết mai…

Ông không nói được nhưng có lẽ hiểu hết mọi chuyện. Ông khóc như đứa trẻ. Tuổi già còn chịu thêm cơn sóng lưỡi búa này, hẳn ông đau lắm.

 THÙY GƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI