PNO - Bạn ở Sài Gòn nhắn tin về nói, quê mình hễ đau là ra đa khoa (Bệnh viện Đà Nẵng). Ra đa khoa là bệnh nặng rồi, nhưng yên tâm. Chừ phong tỏa thì Bệnh viện Đà Nẵng như người khổng lồ bị bệnh.
Tôi chạy xe đến chỗ quẹo đường Ngô Gia Tự - Hải Phòng để ngó người khổng lồ cách đó 50m. Rào chắn với bốn dân phòng và cảnh sát. Một người đàn ông năn nỉ: “Cho tôi gửi chuối cho người ở căng-tin Bệnh viện C”. Ngõ đường này cũng vào Bệnh viện C. “Không được, bác không thấy cấm à?” - một cảnh sát giao thông lên tiếng. Ông này rút điện thoại bấm rồi năn nỉ: “Chút họ ra, anh cho mang vô dùm, căng-tin chứ không phải ai mô (đâu)?”.
Một bà mang khẩu trang từ phía đầu đường Hải Phòng đi tới, nói như hét: “Cho tôi lấy cam họ ship hàng”. “Bác ơi, không được đâu”. “Tôi bị cảm, phải uống cam chứ”. Hình như nghe cảm, anh cảnh sát hạ giọng: “Bác đứng đó, con lấy qua đưa cho, không ra sát đây”. Hai người nữa chạy xe đến, lại thở than, năn nỉ. Một chị thở ra: “Tôi chở cháo gói và hộp xốp cho bệnh viện, đứng chờ xe căng-tin ra, chờ sáng chừ (giờ) mà chưa được”.
Kẻ trong người ngoài. Năn nỉ và từ chối. Ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng, một bà giọng thất thơ nói với một cảnh sát: “Làm ơn đi anh, chồng tôi ra lấy đồ thôi”. Tôi hỏi: “Chồng chị ở đâu?”. “Nhà em ở đường Nguyễn Chí Thanh, chồng em làm bảo vệ quán cà phê ni (này). Biết là sáng ni (nay) cấm đường nhưng em quên dặn ảnh mất, chừ làm răng (sao) đây?”. “Thì chị khỏe và ổng cũng khỏe”. “Mô (đâu), tắm rửa, áo quần răng đây chứ?”. Một bà chạy xe máy tới: “Ủa cấm hả, Bệnh viện Đà Nẵng hẹn con tui sáng ni tới mổ tay, rứa (thế, vậy) làm răng hè (đây, nhỉ)?”. “Chờ hết phong tỏa”. “Có được không?’’. “Chị không nghe thông báo hả?”. “Có nghe mô”.
Rào chắn lạnh lùng. Bốn tuyến đường dẫn tới ba bệnh viện lớn nhất TP. Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Phục hồi chấn thương và Chỉnh hình) đã bị phong tỏa. Tôi vòng qua mấy ngõ bị đóng, ngó hàng rào như cái vạch vòng tròn của Tôn Ngộ Không dùng gậy Như Ý vẽ nhốt Bát Giới và Ngộ Tịnh phòng yêu tinh nhập vào khi sư huynh đi vắng.
Bốn mươi lăm năm rồi, lần đầu tiên, gã khổng lồ là Bệnh viện Đà Nẵng bị khóa chặt cổng. Ai ở Quảng Nam, Đà Nẵng từ trước đến giờ (rồi nhiều năm trở lại đây có thêm Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum), hễ người nhà bệnh nặng, đều đổ về đây. Bệnh viện Đà Nẵng là chỗ dựa sau cùng của họ, nếu như bị bệnh vượt khả năng chữa trị của bệnh viện quận, huyện, tỉnh. Uy tín, năng lực của y bác sĩ và quan trọng là niềm tin ở người dân vào chốn này khiến việc phong tỏa gây bàng hoàng cho bao người. Vậy chỉ còn chịu khó giãn cách… niềm tin vào nó đi, chờ ngày bình thường trở lại.
Thông tin từ ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: dân cư khu phong tỏa cùng người đang ở ba bệnh viện trên là hơn 10.000 người. Bây giờ là tâm dịch nên Đà Nẵng sẽ truy xét và chữa trị từ bên trong chứ không phải chỉ lập hàng rào bên ngoài. Cũng theo ông Thơ, trong cuộc họp với Chính phủ ngày 27/7, đã nói rằng, ngoài đường bây giờ chẳng biết ai đang bị nhiễm…
Hơn 10.000 dân bị phong tỏa. Ở đó có ba ổ dịch. Tôi ngó qua hàng rào, nhà dân đóng kín mít. Chỉ cần mở cửa, bước ra đường như mọi ngày, cuộc sống sẽ khác. Nhưng bây giờ, dẫu ai có cố nói bình thường đi nữa, đó vẫn là sự khác thường, bởi thói quen là thứ khó bỏ nhất, giờ còn đi kèm với nỗi sợ. Ráng chịu bình thường trong bức bối. Chưa ai thống kê được có bao nhiêu học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp đang ở đó. Ai chia sẻ được nỗi âu lo của chúng khi ngày thi đang cận kề?
Đưa hàng tiếp tế qua hàng rào chắn trên đường Hải Phòng, trước Bệnh viện C
Ra sức ngăn sóng dữ
Tôi đứng từ xa, ngó con đường hằng ngày ken cứng, ngó cổng hai bệnh viện kẻ ra người vào và tiếng xe cấp cứu không ngừng không ngớt, giờ lặng như tờ. 14 ngày cách ly hay hơn thế nữa, không ai biết được. Trước ngày cách ly bệnh viện, bao người chưa kịp đến và chưa kịp về? Ai biết họ đã đổ vỡ những hy vọng và bấu víu ra sao.
Từ chiều 27/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuyển những bệnh nhân nhiễm vi-rút nặng về Bệnh viện 119 và Bệnh viện Lao - Phổi để điều trị; những ai bị bệnh khác mà không nặng thì đưa về các trung tâm y tế để chữa trị. Một cách để giải tỏa bớt nguồn lây nhưng phải đảm bảo nó không chạy lung tung ra ngoài. Tôi hỏi một bác sĩ ở đây, vậy những người chạy thận định kỳ thì sao? Con số có đến hàng chục. Bà Nguyễn Thị Thương - quê xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - là một bệnh nhân như thế. Như bao người khác, bà lo thắt ruột. Câu trả lời từ bệnh viện là, ai chạy thận định kỳ vẫn được vào chữa trị và cách ly. Sáng sớm, xe bệnh viện đã chờ họ ở chốt chặn Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai để đưa vào.
Tôi đã có thâm niên nuôi người thân bị bệnh ở đây, giờ chỉ nghĩ đến ai đang chăm sóc thân nhân. Trực đêm là ám ảnh. Không có người thay thế, chỉ cần thức trắng ba đêm là suy sụp liền. Cú sốc với bệnh viện này cũng như hai bệnh viện kia đâu chỉ với y bác sĩ và người đang ở trong đó. Giờ mới thấy, bệnh viện, trường học bị tổn thương tạo ra những dư chấn kinh khủng. Tìm chỗ khác, đương nhiên. Nhưng có những ca bệnh, chỉ có tuyến đầu mới đủ giúp họ thoát tử thần. Chị Nguyễn Thị Chín - quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đang chăm sóc mẹ ở Khoa Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng - nói: “Lương thực cho bệnh nhân và người nhà đã có bệnh viện lo. Cực nhưng đành chịu, thà ở đây chứ về, coi chừng dính chùm”.
Đường phố vắng hơn. Những ngôi nhà cửa đóng xen mở. Điều đáng sợ nhất là vi-rút này như sát thủ giấu mặt. Nó không có biểu hiện ra ngoài như cảm, sốt, mà khi đủ công lực, nó quật mình liền. Tôi chạy xe mà như lạnh sau gáy. Nó đang có trên đường không, ở những người đi cạnh, dừng đèn đỏ? Liệu tôi và họ, ai đang bị đây? Ai đang là bệnh nhân đang ngồi ăn vô tư trong quán, cắm mắt vào điện thoại và rung đùi luận thiên hạ trong quán cà phê vỉa hè kia? Anh Lê Hùng - nhà ở đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng - nói: “Tôi cho rằng, nếu như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng bị như Đà Nẵng thì vỡ trận, bởi năng lực y tế để chi viện có hạn. Lần này không như trước đâu. Đừng ra đường nữa”.
Quảng Nam cũng có mấy người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 418, đang bị cách ly. Nhiều tin đồn dồn dập chỗ này chỗ kia. Sóng dữ đang ập đến Đà Nẵng. Chỉ thị 16 được kích hoạt là quyết định mạnh mẽ của lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Bây giờ mà chần chừ, năn nỉ, ỉ ôi, đứng núi này trông núi nọ là chết chắc.
Đêm trước ngày giãn cách toàn thành phố, nhiều người đổ đến các tiệm tạp hóa mua vét đồ dùng. Ông Phạm Tấn Châu - ở P.Bình Hiên, quận Hải Châu - bĩu môi: “Lại điên hả? Lần trước, giãn cách lâu lắc mà hàng ứ ra đó, chừ chưa chi làm mồi cho tạp hóa nâng giá. Mua một lần 11 triệu đồng giấy vệ sinh, bà ở cơ quan tau (tao) đó, chất đống ở nhà hồi tháng Hai tới chừ, cho cũng không hết. Thành phố đã khuyến cáo là đừng tích trữ mà cứ đâm đầu đi, thêm loạn”.
Những dòng tin bị mắc kẹt ở Đà Nẵng rồi không về được Đà Nẵng, nối nhau. Thôi, đâu cứ ở yên đó, cứ chuyển động là dồn thêm sóng, hãy kiên nhẫn chờ, đừng đặt cược tính mạng mình nữa.
Loa phóng thanh lưu động khắp phố phường. Cà phê, tụ tập, dẹp hết. Dân nhậu thì tự an ủi là “nhậu trực tuyến”. Bắt đầu chuỗi ngày sống khác đi, dù không lạ nữa. Khi chuyện tử sinh lơ lửng, khắc con người rúm lại. Đó là tôi và nhiều người nghĩ. Nhưng còn bao nhiêu không nghĩ thế, khi coi thường, chủ quan là căn bệnh cố hữu của chúng ta, đợi thần chết gọi tên mình mới la trời kêu cứu. Không còn là chuyện của người ta nữa rồi, mà nhà mình đang hiểm nguy.
Từ Đà Nẵng, còn bao nhiêu người nữa đã mang mầm bệnh về nhà sau một chuyến du lịch, một lần có việc đến đó?
Chuyên gia y tế đã cảnh báo sẽ có thêm nhiều người nữa, nhiều địa phương nữa sẽ phải dồn sức chặn dịch. Ông Võ Hữu Đang - nhà ở quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội - sau một ngày chen không mua được vé về, đành trở lại ở nhờ nhà người thân ở quận Cẩm Lệ. “Tôi chờ thôi. Giờ có vội vàng cũng chịu” - ông nói. Không thống kê được bao nhiêu người như ông, không kịp về nhà trước khi trời sáng. Tôi hỏi ông Huỳnh Đức Thơ rằng chính quyền thành phố tạo điều kiện cho họ ra sao khi họ chưa kịp về, ông chỉ nói “sẽ tạo điều kiện cho họ về chứ”…
Có người dạy tôi rằng, không có thì tương lai đâu, chỉ có quá khứ và hiện tại. Chỉ có hiện tại cho tận lực và đầy cảm xúc tích cực, nuôi giữ ước mơ, thì đó là tương lai. Tôi bán tín bán nghi, giờ đã hiểu. Ngày mai sẽ bớt chết chóc và hiểm nguy, nếu bây giờ ra sức mà ngăn sóng dữ.
Phát hiện tín hiệu giao thông “bất thường” đỏ, CSGT kiểm tra điều chỉnh đèn tín hiệu trở lại hoạt động tự động, và truy xét tìm được thanh niên điều chỉnh.