Sông dài: Chuyện không cũ

19/01/2014 - 19:36

PNO - PNO - Câu chuyện tình cảm động giữa chàng Niễng xấu xí, tật nguyền và cô Lượm xinh đẹp nhưng mù lòa trong vở Sông dài (tác giả Hà Triều - Hoa Phượng) từng làm rơi nước mắt nhiều thế hệ khán giả vào thập niên 1960 của thế kỷ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vở vừa được dàn dựng lại qua bàn tay của NSƯT Thành Hội và một ê kíp diễn viên mới: Quang Thảo, Hồng Ánh, Quý Bình..., tiếp tục “lấy nước mắt” khán giả.

Vẫn câu chuyện tình đầy nước mắt, vẫn những tình tiết tưởng chừng rất xưa cũ, nhưng Sông dài trên SK Hoàng Thái Thanh đã mang hơi thở mới từ cách đẩy nhanh tiết tấu, để dù là bi kịch nhưng không bị rề rà, dàn trải, đến việc tô đậm sự đối lập trong tính cách các nhân vật nhằm tạo nên những tình huống kịch không gượng ép. Sự hồn nhiên, trong sáng của Lượm trước mọi biến cố của cuộc sống bên cạnh nỗi mặc cảm vì bị rẻ khinh của Niễng và sự cô độc của ông Hai Tất... đều được khắc họa rõ nét qua diễn xuất của mỗi diễn viên.

Song dai: Chuyen khong cu

Hồng Ánh (vai Lượm) và Quý Bình (vai Niễng) - hai trong số những yếu tố mang lại sức sống mới cho Sông dài (ảnh H.N)

Với lợi thế từng thể hiện vai Niễng trên màn ảnh nhỏ, Quý Bình nhập vai đầy đặn, sâu sắc hơn. Không chỉ lối diễn xuất tinh tế trên khuôn mặt, ánh mắt mà cả bằng thế mạnh trong giọng nói, và khai thác tối đa hành động SK từ tướng đi nhấp nhô; chiếc đầu không chỉ niểng mà luôn cúi gằm vì mặc cảm mình là kẻ xấu xí, ấn tượng Quý Bình tạo ra rất thuyết phục. Những tiếng sụt sịt, những bàn tay khán giả chùi vội nước mắt trước gương mặt bàng hoàng,chết lặng, miệng há hốc nhưng không thể kêu, không thể khóc của Niễng..., chứng tỏ anh đã diễn rất thành công. Lượm của Hồng Ánh cũng là một vai diễn rất khác với chính chị. Đảm nhận một nhân vật trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình, nhưng Hồng Ánh vẫn đem đến khán giả một cô bé Lượm hồn nhiên trong sáng không hề cảm thấy mình đang xem diễn viên “cưa sừng làm nghé”.

Không thể không nhắc đến ông Hai Tất của Quang Thảo. Là diễn viên “có duyên” với những vai từng được thế hệ diễn viên đi trước thể hiện rất thành công, một lần nữa ông Hai Tất đã làm khán giả hài lòng về sự chăm chút cho nhân vật và thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc của một “diễn viên tay ngang”. Có thể chưa thật xuất sắc như những ông Hai Tất trước đây, nhưng ông Hai Tất ở phiên bản mới này đã có dấu ấn mang tên Quang Thảo: không giỏi về kỹ thuật nhưng đầy đặn trong cảm xúc, cảm thụ nhân vật.

Bên cạnh khả năng diễn xuất của diễn viên, âm nhạc của vở có cũng là một trong những yếu tố tạo cảm xúc của người xem. Cách xử lý bài hát Sổ xố kiến thiết (nhạc sĩ Trần Văn Thạch) là một sáng tạo khá “đắt” của ĐD. Bài ca lúc cất lên theo lối ca “cũ mèm” trên sóng phát thanh của thập niên 60 ở thế kỷ trước; lúc được Lượm ca chệch choạc, đâm hơi... khiến người xem bật cười thích thú. Nhưng, ở cảnh diễn khác lại, nhạc lại như tiếng lòng của Lượm và Niễng - người khắc khoải nhớ thương, đợi chờ; người đớn đau vì phải hy sinh tình yêu với mong muốn người mình yêu thương sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quyết tâm của SK Hoàng Thái Thanh và ê kíp thực hiện trong việc đưa Sông dài vào lịch diễn mùa kịch Tết đã thắp lên hy vọng về sự quay trở lại của dòng chính kịch, đang là “của hiếm” trên SK TP hiện nay. Vở diễn còn có mặt các diễn viên Ái Như, Ngọc Tưởng, Nguyễn Long, Như Yến, Lương Duyên...

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI