Theo bản đồ trực tuyến quản lý sạt lở của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện toàn bộ 13 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long đều có vị trí sạt lở bờ sông, phần lớn ở mức độ nghiêm trọng và báo động đặc biệt nguy hiểm, với tổng cộng 226 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 422km.Từ Nhân
Những ngày này, trong khi những sà lan, tàu tải trọng hàng trăm tấn liên tục nhận cát từ gàu cạp, ống hút ở đoạn sông Cổ Chiên qua tỉnh Bến Tre, Trà Vinh thì trên thượng nguồn sông Tiền (tỉnh Đồng Tháp, An Giang), từng cụm sà lan khai thác cát với cẩu cạp khổng lồ không ngừng nhả khói ngày đêm.
Từ đoạn sông Tiền ở thượng nguồn xuống đoạn nhánh Cổ Chiên, trên bản đồ trực tuyến quản lý sạt lở của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chi chít điểm đỏ liên tục nhấp nháy. Đó là điểm sạt lở mức độ báo động đặc biệt nguy hiểm.
“Chịu lở quen rồi”
Chiều, ông Nguyễn Văn Tuyến kéo ghế ra trước căn chòi xập xệ che tạm phía trong chân đê cồn Ông vừa sạt lở, ngó ra sông, hướng về chiếc cầu Cao Lãnh phía xa xa. Chiếc sà lan to đùng đang lừ lừ phả khói như cố che dãy cáp treo của chiếc cầu vừa bắc qua sông hôm nào. Trên sà lan, chiếc cẩu treo đều đặn quăng từng gàu cạp nặng trịch xuống mặt sông, tóe nước.
|
Các điểm sạt lở nghiêm trọng tại cồn Ông |
Cồn Ông là nơi sinh sống của khoảng 500 hộ dân ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đoạn bờ sông mà ông Tuyến đang ở đã bị sụt lún, xuất hiện vết nứt từ rất lâu. Trong tháng 6 và 7/2019, đã liên tục xảy ra sạt lở, với chiều dài gần 400m, trong đó có hai điểm sạt lở nghiêm trọng dài hơn 60m. Tính đến ngày 10/9, cồn Ông chưa có mặt trên bản đồ trực tuyến quản lý sạt lở đã nêu ở trên.
Ông Tuyến đếm nhẩm được 1 phút, là thời gian trung bình để gàu cạp hoàn thành quy trình múc cát từ đáy sông rồi nhả cát lên chiếc sà lan chuyên chở cát đậu sát bên cạnh. Mỗi gàu cát là một mét khối. “Hướng đó là mỏ cát Tân Mỹ, cát vàng óng. Múc lên là dùng để xây dựng nhà được ngay” - ông Tuyến nói. “Không như phía dưới này cát pha bùn, chỉ dành để san lấp mặt bằng mà thôi” - ông chỉ hạ nguồn hướng về Sa Đéc.
Chỗ cát pha bùn mà ông Tuyến vừa nói chỉ cách chỗ ông ngồi non cây số. Ba sà lan khai thác cát đang neo đậu theo một hàng dài. Những chiếc sà lan này chỉ chịu tạm dừng hoạt động khi bữa cơm chiều ban nãy của ông Tuyến vừa xong. “Lúc trước, nó hoạt động ngày đêm liên tục ở ngay chỗ này” - ông Tuyến chỉ tay thẳng ra bờ sông, nơi căn nhà sàn trống hoác, chỉ còn trơ khung cột của ông vừa phải tháo dỡ vội để dời đồ đạc vào trong đê.
Cạnh nhà ông Tuyến là hai đoạn sạt lở kéo dài 60m. Chiếc khung nhà sàn bằng bê tông dang dở mà gia đình ông định gia cố để ở cũng buộc phải ngừng lại vì sợ “nó cũng trôi sông thôi”. “Đi vô trong đi, đứng đó là lọt xuống dưới này, sâu dữ lắm, không ai cứu kịp đâu” - một thanh niên bơi xuồng lưới cá cảnh báo khi tôi mon men ra sát bờ sông quan sát. Đi qua được một đoạn, thanh niên này phải quay ngang xuồng để vượt từng đợt sóng đánh tới từ chiếc sà lan chở khẳm cát lưu thông ngược dòng về hướng TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang.
“Thằng đó là Chín Út, dân bơi chính hiệu mà còn không dám lặn đoạn này” - ông Tuyến nói về thanh niên ban nãy. “Bờ dựng đứng như vách vực. Mấy hôm nay, nước lũ về, sóng nhiều, đêm nào cũng nghe tiếng lở đất” - ông nói thêm.
“Tự ăn thịt mình”
Trong vụ sạt lở tại cồn Ông, có lẽ gia đình bà Ba Kim (78 tuổi) lo lắng nhất. Nhà bà Ba sát bên cái chòi tạm của ông Tuyến, mới cất lên tá túc đỡ trong mùa mưa. Mép lở lớn nhất cách trang thờ “ông Thiên” của nhà bà Ba khoảng 1m.
|
Dùng bao cát xử lý vụ sạt lở tại Quốc lộ 91 (tỉnh An Giang) |
“Khai thác vô tội vạ, khai thác ngày đêm thì đất nào chịu nổi” - bà bức xúc. Lo lắng cho chỗ an cư bao đời của gia đình, lúc mới có dấu hiệu sụt lún, bà Ba thường xuyên chạy lên báo chính quyền. Khi vụ sạt lở đợt đầu xảy ra, bà Ba Kim phản ứng với những người trên sà lan. “Mỗi lần như vậy là họ thách thức chúng tôi đi kiện. Mấy rày, có lẽ thấy chính quyền đến khảo sát nhiều quá, họ tạm dời đi khoảng 500m để khai thác cát ở đầu trên và đầu dưới kia rồi” - bà Ba Kim chỉ tay về hướng ông Tuyến đang nhìn.
“Thời ông bà tui, chỗ sông này là bãi đất bồi. Cát bồi dữ lắm, thả tay lưới còn không được thẳng chì” - anh Năm Dũng, hàng xóm của ông Tuyến nói. Nói chuyện về xóm lở cồn Ông, có lẽ anh Năm Dũng may mắn hơn ông Tuyến và bà Ba Kim. Nhà anh lúc trước ở gần sông, từ nhà bếp ra đến sàn nước ở bờ sông là hai chục bước chân. Đất cứ bị xén từ từ, anh Năm Dũng dọn luôn nhà vào sâu giữa cồn được hơn một năm nay.
Ngay trong thời gian xảy ra sạt lở, chính quyền H.Lấp Vò nhiều lần cho gia cố bờ sông, bao gồm cả việc tăng cường hàng cừ chắn sóng từ xa bờ nhưng do khu vực này sâu nên hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực sạt lở là nơi tiếp giáp với mỏ cát liên xã Tân Mỹ - Tân Khánh Trung, đã được UBND tỉnh Đồng Tháp nhiều lần cấp phép khai thác, thời hạn mỗi lần là hai năm, với trữ lượng khai thác trung bình 150.000m3/năm. Đầu tháng 7/2019, vụ sạt lở kéo đoạn đê và mặt nền bê tông xuống sông Tiền, đến cuối tháng 7/2019, chính quyền tỉnh này lại cấp giấy phép mới cho một doanh nghiệp khai thác cát có thời hạn một năm.
Người dân cồn Ông đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị cho dừng cấp phép khai thác cát và cũng đã có khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại vì cho rằng việc khai thác cát là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở như hiện nay.
Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng ở địa phương khảo sát thực tế tại cồn Ông. Theo đó, từ vị trí sạt lở ra phía lòng sông khoảng 50m, độ sâu lên đến 14-16m. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị UBND tỉnh cho tạm dừng việc khai thác cát ở mỏ cát này, đồng thời kiến nghị kiểm tra, đánh giá lại việc khai thác cát đối với khu vực này trước khi gia hạn, nhằm tránh các trường hợp sạt lở nghiêm trọng trong thời gian tới.
Chiều 9/9, các sà lan vẫn tiếp tục khai thác cát quanh khu vực cồn Ông.
Dùng cát “cứu” bờ sông Có thể nói, tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, vụ sạt lở Quốc lộ 91 là nghiêm trọng nhất, khiến UBND tỉnh An Giang phải hai lần ban tình trạng khẩn cấp. Đoạn đường dài hàng trăm mét trên tuyến giao thông huyết mạch này đã bị trôi xuống sông Hậu, có điểm nuốt trọn con đường, lở vào cách nhà dân chỉ 1m. Ngay sau sự cố sạt lở quốc lộ, chính quyền địa phương đã chỉ định thầu cho một doanh nghiệp xây dựng dùng bao cát thả xuống sông để ổn định đường bờ và tạo mái dốc. Tổng lượng cát cần để xử lý ước tính 34.000m3, kinh phí phải bỏ ra là 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau đó, toàn bộ bao cát được thả đã trượt hẳn xuống giữa lòng sông và việc xử lý phải dừng lại. Một nghiên cứu khoa học được công bố gần đây cho biết, trong 15 năm qua, việc khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu đã làm mất hơn 200 triệu tấn cát, đáy sông hạ thấp trung bình 1,3m. |
Từ Nhân