Sống cùng một “cai ngục” dễ thương

20/11/2020 - 09:46

PNO - Nhiều người nghĩ về hưu là kết thúc hành trình công việc, nhưng với thầy Nguyễn Văn Anh - nguyên đại tá công an - Trưởng phòng Xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM, thì đây là quãng thời gian để bắt đầu nhiều điều mới mẻ.

Thầy Nguyễn Văn Anh cho rằng nghỉ hưu là quãng thời gian đẹp nhất để vợ chồng thầy có thể du lịch cùng nhau, cùng làm việc nhà, cùng ăn cùng nghỉ… - những điều mà trước kia vợ chồng muốn làm cho nhau mà chưa kịp, bởi trách nhiệm con cái, công việc, thời gian và điều kiện kinh tế không cho phép. 

Thầy kể, hồi trẻ ngồi với nhau, bạn bè ngành công an hay nói vui: “Trai lấy vợ giống như bị ngồi tù. Trên đời, con người có ba quyền cơ bản là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng khi lập gia đình, đàn ông chỉ còn mỗi quyền được sống, còn các quyền khác đã bị tước đoạt…“. 

Vợ chồng thầy Nguyễn Văn Anh
Vợ chồng thầy Nguyễn Văn Anh

Tuy nhiên, thầy lại nghĩ khác. Qua 31 năm trải nghiệm hôn nhân, thầy nhận ra chẳng có nhà tù nào tốt hơn, nhân văn hơn “nhà tù hôn nhân” này. Ở đây, “phạm nhân” được cùng ăn, cùng ngủ, cùng vui chơi với “cai ngục”. Thầy vô cùng cảm ơn số phận đã cho mình gặp được một “cai ngục” dễ thương, tốt bụng. 

Nghỉ hưu đã có nhiều thời gian, lại thêm dịch COVID-19, thầy cô càng có thêm nhiều tháng ngày sống chậm bên nhau. Nếu trước đây, thầy xem việc ăn uống như một nhu cầu tự nhiên, một thói quen để duy trì sự sống, thì nay thầy ăn thật chậm, bằng tất cả giác quan để cảm nhận hết hương vị món ngon vợ nấu.

Thỉnh thoảng vợ chồng thầy còn dừng đũa, ngẩng đầu nhìn nhau, kể chuyện ngày mới quen, hay những bí mật nho nhỏ mà bây giờ mới chịu tiết lộ… Thầy bảo điều may mắn nhất của thầy là luôn có người vợ hiền bên cạnh. Một tay cô chu toàn mọi việc để chồng yên tâm công tác. Hai con trai của thầy cô đều là những người thành công trong cuộc sống. 

Gia đình thầy Nguyễn Văn Anh
Gia đình thầy Nguyễn Văn Anh

Bây giờ, thầy vẫn đều đặn đến giảng đường đại học để truyền lại cho lớp trẻ những kiến thức về an ninh du lịch, an toàn cho du khách nước ngoài, quy trình quản lý thủ tục xuất nhập cảnh… Thầy cảm thấy vui khi những kiến thức và kinh nghiệm của mình vẫn còn có ích.

Thầy vừa nói vừa cười, giọng dí dỏm: “Hồi trẻ, vào cơ quan thấy mấy cụ U60 sao mà đạo mạo, chững chạc, mình cứ tự hỏi bao giờ sẽ đến lượt mình. Vậy mà thoáng cái, mình đã chính thức bước sang tuổi 63 rồi, thấy vẫn như chưa đủ lớn. Vẫn cứ vui đùa, tếu táo và đầy… cám dỗ. Mình hay nói đùa với vợ, chúng ta đã trở thành tỷ phú… thời gian, ngoài 60 rồi thì cứ thuận theo số mệnh mà sống, vì lúc này mọi thứ đã an bài. Hãy tận hưởng và trân trọng cuộc sống theo cách của mình. Ngoài 70, không ai có thể biết trước điều gì xảy ra”.

Người ta hay ví tuổi già giống như hoàng hôn, với thầy, hoàng hôn hay bình minh đều có giá trị riêng của nó. 

Đoàn Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI