|
Sự chủ quan, ý thức kém luôn là khởi nguyên của nhiều thảm họa (ảnh minh họa) |
Khi đến thăm gia đình người bạn ở một chung cư khang trang, anh bạn tôi rùng mình khi thấy viên đá chặn cánh cửa ngăn cháy ở lối thoát hiểm chung cư. Anh liền bê viên đá đi chỗ khác, đồng thời dán lên cánh cửa thông báo “Phòng hỏa hoạn, cấm chặn cửa”.
Anh bạn tôi là cư dân chung cư Carina - nơi xảy ra vụ cháy vào rạng sáng 23/3/2018 khiến 13 người thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương. Ở đó, người ta cũng từng dùng đá bít cửa thoát hiểm.
Thiệt hại về người và của từ các vụ hỏa hoạn luôn khiến ta bàng hoàng. Mới đây nhất, rạng sáng 13/8, đã xảy ra vụ cháy ở tỉnh Ninh Thuận khiến 3 mẹ con tử vong. Trước đó, ngày 1/8, khi làm nhiệm vụ chữa cháy quán karaoke ở TP. Hà Nội, 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thuộc Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh.
Tuy nhiên, xúc cảm của chúng ta có lẽ sẽ ý nghĩa, giá trị hơn nếu được chuyển hóa thành ý thức trong phòng chống hỏa hoạn. Theo Công an TPHCM, 5 năm qua, thành phố xảy ra hơn 3.400 vụ cháy, nổ.
Có nhiều nguyên nhân khiến hỏa hoạn xảy ra, như thời tiết, chập điện, đốt vàng mã, thắp nhang... Nhưng sự chủ quan, ý thức kém luôn là khởi nguyên của nhiều thảm họa. Tình trạng lấy đá chặn cửa thoát hiểm ở chung cư để tận hưởng gió mát, vứt bừa tàn thuốc, quên tắt bếp ga, không thay hệ thống dây điện cũ trong nhà, đốt vàng mã tùy tiện, thắp đèn dầu trên bàn thờ suốt ngày đêm… vẫn diễn ra phổ biến.
Trong hành trình sống của mình, chỉ khi mỗi người có ý thức, trách nhiệm với từng hành vi của mình, tôn trọng các quy tắc cộng đồng, mới mong phòng ngừa được thảm họa.
Tuyết Dân