Một người mẹ kể cho con gái nghe câu chuyện thời niên thiếu của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam . Từ năm 1969 đến 1975, Linh - nay là đạo diễn (đạo diễn Việt Linh - PV) - đã trải qua 7 năm sống cùng người cách mạng cộng sản, những người đã bước đầu hướng dẫn cô vào kháng chiến cũng như hướng dẫn cô đến với điện ảnh.
- Hải Anh sinh năm 1993, lớn lên ở Paris trong một gia đình gắn bó nguồn gốc Việt Nam. 10 tuổi, Hải Anh gặp Pauline, từ đó luôn xem bạn mình vẽ. Sau bằng thạc sĩ kinh tế học về văn hóa, bằng tốt nghiệp điện ảnh, Sống là tác phẩm đầu tay của cô với tư cách biên kịch. Năm 2020, Hải Anh chuyển đến TPHCM, hiện làm việc trong lĩnh vực nghe nhìn và xuất bản.
- Pauline sinh năm 1993 tại Paris. Sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật Caen, cô sang Việt Nam 1 năm. Thời điểm đó, ý tưởng lập dự án chung với Hải Anh nảy ra. Trở về Pháp, Pauline vào trường Gobelins, ngành điện ảnh hoạt hình và tốt nghiệp năm 2021. Hiện cô làm việc với tư cách họa hình kịch bản phân cảnh (story board) và họa sĩ hoạt hình. Sống là truyện tranh đầu tay của cô.
|
Những ký ức đạo diễn Việt Linh kể là chất liệu để Hải Anh cùng họa sĩ Pauline Guitton cho ra đời tiểu thuyết hình họa Sống. Sống lột tả bức chân dung về mối quan hệ giữa tác giả và mẹ, cũng như về cội nguồn của 2 thế hệ. |
Đôi khi, chúng ta biết rất ít về những người ta thân thiết. Mối quan hệ giữa Hải Anh và mẹ Linh luôn phức tạp. Vào tuổi trưởng thành, trong khi băn khoăn về nguồn gốc cũng như bản sắc mắc kẹt giữa 2 quốc gia và 2 nền văn hóa, cô đặt câu hỏi về các ký ức và hành trình của mẹ.
Hải Anh khám phá lại mẹ qua những cuộc bàn cãi kéo dài nhiều năm, đưa cô dịch chuyển giữa Paris và TPHCM. Từ các khoảnh khắc tâm sự quý giá đan xen 2 thế giới điện ảnh và kháng chiến đã toát ra những ký ức thời chiến hòa quyện với mùi hương của các món ăn ngon, tô điểm những òa vỡ lý thú dù e lệ.
Ở nửa chừng câu chuyện riêng tư và tài liệu lịch sử, Sống chuyển qua hàng loạt trao đổi cảm động giữa mẹ con mà sự hiếu thảo chưa bao giờ là quan hệ đương nhiên. Rộng hơn hành trình của một phụ nữ tham gia chiến cuộc, tác phẩm phản ánh sâu sắc mối quan hệ gia đình gắn kết.
Linh; Tiếng nói thứ ba Việt Linh - sinh năm 1952 tại Sài Gòn, là đạo diễn, biên kịch thành danh của Việt Nam. Sau 7 năm ở bưng biền thời chiến tranh chống Mỹ, bà sang Mat-xcơ-va học trường điện ảnh VGIK. Trở về nước, bà đạo diễn 6 phim truyện, trong đó một số phim được phát hành và trao giải ở nước ngoài. Hiện tại, ở tuổi ngoài 70 và bất chấp sức khỏe suy giảm, bà vẫn tiếp tục làm việc và có một sân khấu kịch tại TPHCM. |
Phóng viên: Chào Pauline. Chào Hải Anh. Dường như phụ nữ giữ vị trí quan trọng trong Sống. Từ đầu 2 bạn đã muốn làm ra tác phẩm cổ vũ nữ quyền hay hướng đi này chỉ xác định dần khi viết?
Hải Anh: Tính từ "feministe" dịch sang tiếng Việt không dễ. Phụ nữ đất nước mẹ tôi giống như mẹ tôi. Họ là thế, không cần nói. Những câu chuyện và trải nghiệm của phụ nữ khiến tôi xúc động, đơn giản tôi là phụ nữ và lớn lên cạnh những phụ nữ nhiều cảm hứng. Đề án của chúng tôi mang tính nữ quyền một cách tự nhiên, khi các chân dung đều khẳng định nữ quyền qua cuộc sống và sự nghiệp trong một thế giới rất nam tính. Rõ ràng tác phẩm phản ánh quan điểm nữ quyền, song đó không hề là lý do chúng tôi viết hay vẽ.
Pauline: Khi ý tưởng, chủ đề tiểu thuyết nảy mầm, câu hỏi về nữ quyền không hề xuất hiện trong tôi. Đúng là phụ nữ giữ vị trí trung tâm trong tiểu thuyết này vì đó là cuộc trao đổi giữa người mẹ và con gái. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi bạn ủng hộ nữ quyền, mong muốn đó nhất thiết sẽ phản ánh trong những gì bạn kể. Và với tư cách phụ nữ, việc nói thay những phụ nữ khác cũng dễ dàng hơn. Vì vậy, càng tốt nếu Sống xuất hiện như tác phẩm cổ vũ nữ quyền.
* Hải Anh, bạn chỉ ghi lại câu chuyện do mẹ Linh kể hay cho phép mình hư cấu một phần trong tác phẩm tự truyện này?
Hải Anh: Mẹ tôi bẩm sinh là một người kể chuyện. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ sức mạnh những câu chuyện của mẹ. Là đạo diễn, bà có cách mô tả các sự kiện rất điện ảnh và thói quen luôn rút ra kết luận. Tôi chắc chắn bà cho phép mình hư cấu đôi chút. Với tôi, điều quan tâm nhất là cách kể và cá nhân bà khi chia sẻ nó, dù bà thêm hay bỏ bớt phần nào. Tôi có thể chép lại nguyên văn ngôn từ của mẹ và tôi tin nó có hiệu ứng, nhưng trong quá trình viết, thêm rào cản ngôn ngữ, tôi đã ý thức và cả vô thức điều chỉnh câu chuyện theo cảm xúc của mình. Sau đó, Pauline cũng tự nhiên diễn giải lại qua hình. Trong mắt tôi, đây là điều làm cho Sống trở nên lý thú, khiến nó không chỉ là tác phẩm tự truyện mà là câu chuyện được kể bởi 3 người.
|
Tác giả Sống giao lưu với độc giả tại lễ hội Truyện tranh Quốc tế Angoulême, Pháp |
* Các bạn hiểu lịch sử Việt Nam “mức nào” trước khi bắt đầu Sống?
Hải Anh: Tôi lớn lên trong một gia đình gắn bó với Việt Nam. Cha tôi dạy đại học và từ khi tôi còn rất nhỏ, ông đã kể tôi nghe rất nhiều về Việt Nam như một bài học lịch sử. Cuối cùng, ngay cả khi tôi không học được nhiều về quê hương tại trường lớp thì vẫn còn nhiều kiến thức do cha truyền đạt. Tôi không thích xem phim chiến tranh và trong thời gian rất dài tôi không xem các phim Mỹ về Việt Nam. Vấn đề khác hẳn khi tôi nghe mẹ kể chuyện ở bàn ăn. Cách mẹ kể không làm tôi sợ hãi, thậm chí thấy an ủi khi được mẹ tâm sự.
Pauline: Những gì tôi biết về lịch sử Việt Nam thật mơ hồ - tàn dư các tiếp cận bề mặt ở trường lớp và tầm nhìn chiến tranh qua phim Mỹ. Sống ở ngoài Việt Nam, chúng tôi không có chứng từ của phía bên kia cuộc chiến. Đó là lý do tôi thích dự án này. Tôi đã học được rất nhiều và hy vọng độc giả cũng sẽ quan tâm đến quan điểm này.
* Bất chấp mối quan hệ gia đình giữa Hải Anh và Linh, độc giả tưởng như chứng kiến sự gặp gỡ của 2 nỗi cô đơn, 2 kẻ lưu vong (tái) khám phá nhau thông qua văn hóa họ chia sẻ (lịch sử dân tộc, điện ảnh và cả ẩm thực đều giữ vị trí quan trọng), phong thái kể chuyện của sách - rất văn học. 2 bạn có thể nói rõ cách 2 bạn chọn hình thức kể chuyện?
Hải Anh: Như bạn đọc trong Sống, cha mẹ tôi gặp nhau tại một liên hoan phim khi họ đã ngoài 40. Như thế, tôi sinh ra nhờ điện ảnh. Và hóa ra gia đình tôi, bên nội lẫn bên ngoại đều có người trong ngành nghe nhìn. Tôi thích nghĩ rằng điện ảnh chảy trong máu chúng tôi và tin chắc sở thích kể chuyện, sáng tạo có di truyền.
Trong Sống, tôi chưa hề dùng từ “cô đơn” hay “lưu vong” để nói về mình nhưng tôi thấy thú vị khi bạn diễn giải theo cách đó. Tôi nghĩ điều hiển nhiên gắn kết tôi với mẹ, bất chấp những khác biệt văn hóa, thế hệ... là các câu chuyện và mong muốn tâm tình. Khi viết Sống, hình thức kể chuyện tự nhiên đến, vừa là diễn tiến tâm sự giữa 2 chủ thể, vừa là cảm xúc của 2 chúng tôi.
Pauline: Hình thức kể chuyện xuất hiện rất nhanh. Ngay đầu dự án, Hải Anh đã trình bày câu chuyện với tôi theo từng chương: Những giai thoại của Linh được cấu trúc theo chủ đề cụ thể. Văn hóa, nghệ thuật rõ ràng chiếm vị trí trung tâm trong cuộc sống chúng tôi: Hải Anh tốt nghiệp điện ảnh, tôi hoạt hình. Vậy nên, thật thú vị khi biết cô Việt Linh học điện ảnh và được chuyển tải câu chuyện của bà với cảm nghiệm của chúng tôi. Tôi như người trung gian giữa văn bản của Hải Anh và công chúng. Lời nói vẫn của bạn ấy, câu chuyện vẫn của gia đình bạn ấy. Tất nhiên, việc chúng tôi quá hiểu nhau và cùng chia sẻ cảm xúc đã giúp tôi rất nhiều. Hải Anh tin tưởng tôi, tôi hy vọng làm rạng danh câu chuyện của bạn ấy.
Louise Rossignol (thực hiện)
Hải Linh (chuyển ngữ từ hồ sơ báo chí của Nhà xuất bản Ankama)
Ảnh: Nhân vật cung cấp