Sống chung với rác vẫn nhập thêm phế liệu

07/06/2019 - 06:30

PNO - Do nước ta chỉ tái chế được 10% rác thải, số còn lại phải đem chôn, nên dù ngành nhựa tăng trưởng 15-20%/năm, ta phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất.

Theo Quỹ tái chế chất thải TP.HCM, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng cao trong lượng rác thải đô thị. Mỗi ngày, tại TP.HCM, phát sinh 9.000 tấn rác, nhưng chỉ lấy được tối đa 10% lượng nhựa thải (khoảng 900 tấn nhựa), còn lại đều đem chôn lấp, bị phát tán vào môi trường. Triển vọng của các sản phẩm nhựa tái chế là rất lớn, đặc biệt là bao bì thực phẩm và chai nhựa PET.

Song chung voi rac van nhap them phe lieu
Rác thải nhựa trên biển Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Thế nhưng hiện tại, chúng ta không tận dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế trong nước, phải nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về để làm cho nhanh, cho dễ. Kết quả là nước ta đang trở thành vùng trũng phế liệu, đặc biệt là trong bối cảnh cả Trung Quốc lẫn Malaysia đều đưa ra lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa.

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM) bức xúc: "Năm 2017, Việt Nam đứng vị trí thứ tư về nhập khẩu phế liệu, sau Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia. Trước việc Trung Quốc và Malaysia siết nhập khẩu phế liệu, chúng tôi đã cảnh báo về việc phế liệu sẽ có nguy cơ dịch chuyển mạnh vào Việt Nam, thậm chí xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ".

Dự đoán đã thành hiện thực khi chỉ sáu tháng đầu năm 2018, nước ta đã nhập khẩu đến 274.700 tấn phế liệu nhựa, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017, “vươn” lên vị trí thứ hai thế giới về nhập phế liệu nhựa, chỉ sau Malaysia. Trong khi đó, phế liệu nhựa nhập vào Trung Quốc và Hồng Kông giảm đến 90% so với năm 2017.

Hệ quả là nước ta hiện tồn đọng hơn 20.000 container phế liệu tại các cảng biển. Riêng ở TP.HCM tồn hơn 5.000 container. “Con số trên có thể tăng lên 30.000, thậm chí 100.000 container nếu ta không có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn”, ông Lê Huy Bá nói.

Một số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, nguồn nguyên liệu nhựa tái chế trong nước chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu sản xuất, nếu cấm nhập, sẽ làm khó cho doanh nghiệp, bởi giá nguyên liệu nhựa nguyên sinh có thể đắt gấp 2-3 lần giá nhựa phế liệu.

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá phản biện, không thể lấy lý do chúng ta còn nghèo để dùng phế liệu. Mỗi người nhịn một chút, giá nhỉnh hơn một chút, tiến đến sử dụng nguyên liệu sạch, vẫn tốt hơn dùng phế liệu.

Chưa kể, ông Bá khẳng định, không phải ta thiếu nguồn nguyên liệu tái chế mà là đang bỏ mặc, chọn cách nhập phế liệu về làm cho nhanh, cho tiện, cho dễ. Trung Quốc có kinh nghiệm gần 40 năm phát triển ồ ạt ngành công nghiệp tái chế và đã làm giàu từ rác. Nhưng họ cũng đã trả giá đắt bằng sức khỏe người dân, tai tiếng trên thị trường thế giới. Họ đã “ngộ ra” và đã ra lệnh cấm nhập.

Để hoạt động tái chế nhựa Việt Nam phát triển, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - đề xuất, cần phải hoàn thiện quy định về quản lý, kiểm soát chất thải nhựa khó phân hủy. Chính phủ cần tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm tái chế cũng như có sự hỗ trợ kinh tế, để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển trong một thời gian nhất định.

Để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, chúng ta có thể học theo Nhật Bản - khuyến khích bằng các sắc thuế, các chính sách ưu đãi về tài chính hoặc có thể khuyến khích doanh nghiệp sản xuất loại nhựa thân thiện với môi trường hay các sản phẩm thay thế khác.

Quan trọng hơn hết là phải nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của sản phẩm nhựa đối với môi trường, đồng thời tạo ra thói quen sử dụng và phân loại rác thải tại nguồn, để tận dụng hiệu quả nguồn phế liệu trong nước. Chẳng hạn, có thể học theo Thụy Điển, bố trí 6-7 thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn.

Thậm chí, nhiều nước trên thế giới, mà điển hình Na Uy, còn nghĩ ra cách sản xuất chai nhựa bằng vật liệu chất lượng cao, có thể tiếp tục dùng để sản xuất chai uống nước đến hơn 50 lần. Người tiêu dùng sẽ nhận được tiền khi trả lại chai nhựa tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố.

Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi cũng có chương trình tặng tiền hoặc điểm thưởng khi khách hàng trả lại chai nhựa đã dùng. Song song đó, chính phủ còn đánh thuế môi trường lên các doanh nghiệp sản xuất nhựa hoặc sẽ miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp đạt tỷ lệ tái chế cao. Mô hình sau được thực hiện tại nhiều quốc gia như Scotland, Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Lithuania…

Trách nhiệm bảo vệ môi trường còn phải xuất phát từ doanh nghiệp, cụ thể là việc thu gom và tái chế lượng chai, túi, bao bì… đã đưa ra thị trường, thay vì để người tiêu dùng vô tư ném ra môi trường.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI