PNO - PNO - Ngay từ lúc yêu nhau, chồng tôi đã làm “công tác tư tưởng” trước nhưng đến khi về làm dâu, tôi không khỏi bỡ ngỡ trước cách sống quần tụ của gia đình chồng.
edf40wrjww2tblPage:Content
Nhà chồng tôi có bốn anh chị em, chồng tôi là con thứ ba và cũng là con trai duy nhất. Đất đai của ba mẹ chồng khá rộng nên ông bà chia cho mỗi người một nền để làm nhà cạnh nhau. Hai chị gái lấy chồng rồi xây nhà ở hai bên, vợ chồng tôi sống cùng ông bà ở giữa. Bởi vậy, tôi rất ngỡ ngàng khi mỗi bữa ăn luôn có mặt cả gia đình chị Hai và chị Ba. Hồi trước, tôi chỉ nghĩ đơn giản, nhà cạnh nhau nhưng gia đình nào cũng có cuộc sống riêng nên chắc sẽ ít va chạm. Nhưng dần dần, tôi nhận ra, nhà của hai chị chỉ để về ngủ còn ăn uống, sinh hoạt chủ yếu ở nhà ông bà.
Thời gian đầu, tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi đi làm về phải nấu nướng và giặt giũ cho cả đại gia đình, nhà cửa luôn luộm thuộm vì trẻ con đông. Buổi trưa và những ngày lễ, hiếm khi tôi được nghỉ ngơi bởi cháu chắt đùa nghịch ồn ào, cả nhà tổ chức liên hoan ăn uống. Tôi sống trong trạng thái mệt mỏi, chán nản, không biết thoát ra bằng cách nào vì ra riêng là chuyện không thể mà có ý kiến phản đối lại không dám bởi theo chồng tôi, từ xưa đến giờ, gia đình anh thích sống như vậy, ông bà muốn con cháu quây quần để đỡ đần cho nhau.
Có lẽ, biết được ý nghĩ của tôi nên có lần mẹ chồng tôi bảo: “Chắc con không thấy thoải mái khi nhà đông người nhưng vì con của hai chị còn nhỏ nên chịu khó vậy, lúc nào có con, con sẽ biết vất vả như thế nào nếu không có người giúp”. Tôi không hiểu hết ý của lời nói nhưng cũng yên lòng hơn vì mẹ hiểu được suy nghĩ của mình.
Sau một thời gian, khi đã quen dần với nếp sinh hoạt của gia đình, tôi thấy trong nhà dù không phân công cụ thể nhưng ai rảnh thì đều tìm việc mà làm, không phân biệt gái, trai, dâu, rể. Có ngày, tôi đi làm về muộn thì cơm nước đã xong xuôi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ dù lúc đó ba mẹ chồng tôi đưa cháu đi chơi chưa về. Thì ra, anh rể được về sớm nên tranh thủ làm việc nhà. Có lúc, vào ngày nghỉ, mới sáng sớm đã nghe tiếng bằm chặt ở dưới bếp, tôi lật đật chạy xuống thì thấy vợ chồng chị ba và bé Út đang nấu ăn sáng, anh rể tươi cười: “Mợ cứ lên ngủ tiếp đi, hôm nay vợ chồng tui ‘đạo diễn’ cho”.
Ngẫm nghĩ lại, ngày mới về làm dâu, tôi tự mình ôm đồm hết công việc nhà nên mọi người không có việc để làm như mọi khi trong lúc tôi thấy rất vất vả. Dần dần, tôi học cách chia sẻ công việc với các thành viên, nếu tôi rảnh tôi sẽ làm, còn không thì để đó, sẽ có người khác phụ giúp. Người này bận việc thì công việc sẽ được người kia tự giác làm thay. Mỗi tháng, mỗi gia đình nhỏ sẽ đóng một khoản sinh hoạt phí như nhau cho mẹ chồng nên không hề phát sinh mâu thuẫn về chuyện tiền bạc.
Đến khi mang bầu và sinh con, tôi mới thấy hết được giá trị của việc sống chung. Anh chị em nhà chồng đỡ đần tôi rất nhiều việc để tôi yên tâm nghỉ ngơi dưỡng thai. Khi con ra đời, tôi không thấy vất vả nhiều vì có mẹ chồng và hai chị luôn giúp đỡ tư vấn. Tôi không phải đau đầu nghĩ đến chuyện thuê người giữ con để đi làm, không phải hốt hoảng vì ai sẽ cho con ăn, tắm cho con khi bận việc đột xuất về muộn. Con tôi được sống trong bầu không khí yêu thương của đại gia đình và có anh chị em họ để chơi cùng nên luôn vui tươi, hoạt bát.
Sắp tới, bé Út sẽ lấy chồng và dự định ở cùng nhà với vợ chồng tôi và ba mẹ một thời gian trước khi ra riêng. Nếu ngày trước, tôi sẽ suy nghĩ rất nhiều nhưng giờ đây, tôi thấy mọi chuyện thật nhẹ nhàng. Càng ngày, tôi càng khâm phục ba mẹ chồng mình vì tổ chức được một cuộc sống gia đình đầm ấm quây quần như vậy- điều rất hiếm thấy trong xã hội hiện đại ngày nay. Tôi nghĩ, sống chung không khó và mang lại nhiều lợi ích nếu biết cách tổ chức, san sẻ công việc trên cơ sở tình thương - tình thân…
TỪ NHÂN
Gần đây, câu chuyện thương tâm của một thai phụ ôm con trai hơn 2 tuổi nhảy xuống sông Lô đã tạo ra nỗi xót xa trong cộng đồng. Giữa những bàn tán của giới nữ, một lần nữa, đề tài “làm dâu” lại được các bà, các chị quan tâm: Giá như, chị ấy được nhà chồng cảm thông, giá như chị ấy biết cách bảo vệ mình…
“Chat với Hạnh Dung” cũng nhận được không ít tâm sự của những nàng dâu mới. Có người bỡ ngỡ trước “văn hóa” lạ lùng của nhà chồng: bắt các con dâu ăn riêng dưới bếp. Có người “choáng” trước phát biểu của mẹ chồng: “Chồng đánh vợ là chuyện bình thường”; “Đàn ông có vợ bồ bịch đâu có sao”…
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những phụ nữ thành công trong việc “hòa hợp” với nhà chồng, vừa “nhập gia, tùy tục”, vừa giữ được bản sắc riêng của mình.
PNO mở chuyên đề “Làm dâu” mong tạo được sự kết nối giữa các bà vợ, để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm ứng xử đối với nhà chồng, nhằm có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
Kính mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:
-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang -Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com -Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề