Sống chung với COVID-19, làm sao cho khỏi stress?

29/05/2021 - 05:31

PNO - Khẳng định cuộc chiến chống COVID-19 còn kéo dài, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi thói quen, thích ứng với điều kiện mới để có thể giữ sức khỏe tâm thần khỏe mạnh, tâm lý ổn định qua những mùa dịch.

Mất ngủ, nói nhảm… sau khi cách ly

Đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản được gần một năm thì dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chị N.T.K.A. (Hà Nội) nghỉ làm, về nước cách ly tập trung theo đúng quy định. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày ở khu cách ly, chị bắt đầu mất ngủ rồi nói nhảm, đôi mắt vô hồn… Trước những triệu chứng này, chị được chuyển tới Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để cách ly và điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Quang Bính - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - cho biết, chị A. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần được đưa vào đơn vị này cách ly tập trung từ năm 2020 tới nay. Đây là những bệnh nhân được chẩn đoán tâm thần, đã ổn định nhưng tái phát khi cách ly; những người có biểu hiện bất thường như khó ngủ, cáu gắt; người tâm thần đi lang thang qua vùng dịch…

Việc bị tách khỏi môi trường học tập,  sinh hoạt tập thể quen thuộc có thể  khiến trẻ gặp vấn đề về tâm lý
Việc bị tách khỏi môi trường học tập, sinh hoạt tập thể quen thuộc có thể khiến trẻ gặp vấn đề về tâm lý

Bệnh viện từng điều trị cho một bệnh nhân người Ả-rập Xê-út có dấu hiệu bệnh trầm trọng hơn. Nam bệnh nhân này trước khi tới Việt Nam từng bị cách ly lâu ngày, ở trong phòng suốt 3-4 tháng. Khi ở khu cách ly tại Việt Nam, anh này còn có biểu hiện muốn tự sát. Tuy nhiên, sau khi được chăm sóc và điều trị, người bệnh đã ổn định và trở về với cuộc sống.

Các chuyên gia cho biết, đến nay, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học để nói COVID-19 gây ra bệnh lý tâm thần nhưng có thể nói đây là một trong những yếu tố gây áp lực tâm lý nặng nề cho nhiều thành phần trong xã hội. Trong đó, nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất là những bệnh nhân COVID-19.

“Một số trường hợp có yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng. Nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc COVID-19 vô cùng lo lắng, không biết mình có được điều trị không, sẽ được điều trị như thế nào, có qua khỏi hay không… Có những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mất ngủ trắng đêm. Các triệu chứng COVID-19 có thể xuất hiện như chán ăn, đau họng, mất vị giác… càng trở thành tác động tâm lý lớn.

Thêm vào đó là nỗi lo lắng không rõ người thân, đồng nghiệp của mình có bị lây nhiễm, gia đình mình có bị hàng xóm kỳ thị… Thậm chí họ còn mang nỗi lo không rõ khi trở về cuộc sống, bản thân có bị mọi người sợ hãi, xa lánh…”, bác sĩ Nguyễn Quang Bính phân tích. 

Nhóm thứ hai dễ bị tác động là người ở trong khu vực cách ly, người ở vùng cách ly y tế, nhân viên y tế và người vận chuyển bệnh nhân. Người già và trẻ em cũng là những đối tượng nhạy cảm, dễ bị tác động bởi dịch bệnh. 

Bác sĩ Trần Đức Cường - người trực tiếp điều trị tại khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - phân tích, có nhiều người dù chưa mắc bệnh lý về tâm thần nhưng có nhiều biểu hiện rối loạn tâm thần (mất ngủ, đau đầu, lo âu, căng thẳng…) kéo dài. Điều này tác động lớn tới cuộc sống, sinh hoạt và giao tiếp xã hội của họ. Nếu không kiểm tra, thăm khám và điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể dẫn tới bệnh lý tâm thần. 

Thay đổi để vượt qua 

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới: “Nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc cách ly xã hội từ hai tuần trở đi có thể khiến trẻ em bị mất phương hướng, rối loạn giấc ngủ, xuất hiện các dấu hiệu lo âu”. 

Thực tế, Việt Nam đã trải qua một thời gian giãn cách xã hội. PGS-TS Trần Thành Nam đã nhận được chia sẻ của nhiều sinh viên, học sinh. Một số học sinh trở nên căng thẳng hơn vì bị “cắt khỏi các hoạt động có ý nghĩa hằng ngày” như giao lưu với bạn bè; chơi đùa trong không gian rộng; tiếp xúc với cỏ cây, động vật…

Một số học sinh sau khi ở nhà quá lâu xuất hiện tình trạng cáu gắt, tù túng… Một số sinh viên không có việc làm thêm, dẫn tới gặp áp lực về tài chính… “Thậm chí, nhiều học sinh còn chia sẻ nỗi sợ có thể mắc COVID-19”, PGS-TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Để chủ động vượt qua những tác động từ COVID-19, học sinh, sinh viên nên bình thường hóa cảm xúc lo lắng bằng cách tăng cường chuyện trò với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình
Để chủ động vượt qua những tác động từ COVID-19, học sinh, sinh viên nên chuyện trò với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình

Theo ông, việc chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp đến trường sang trực tuyến khiến học sinh gặp áp lực bài tập, yêu cầu về ý thức cao khiến không ít em cảm thấy chưa quen, lo lắng, mất tập trung. “Tuần đầu tiên nghỉ học, có thể ai cũng vui nhưng đến tuần thứ hai trở đi, không gặp bạn bè, thầy cô… các em sẽ bồn chồn, khó chịu, dễ cáu gắt…”, PGS-TS Trần Thành Nam phân tích những nguy cơ tác động lên sức khỏe, tâm lý của học sinh trong mùa dịch COVID-19.

Để chủ động vượt qua những tác động từ COVID-19, học sinh, sinh viên nên bình thường hóa cảm xúc lo lắng bằng cách tăng cường chuyện trò với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình.

“Văn hóa phương Tây luôn khuyến khích mỗi người nói ra vấn đề của mình để chia sẻ với người khác. Văn hóa phương Đông thì ngược lại. Ngay từ nhỏ, trẻ đã bị “nhồi” vào suy nghĩ không nên nói những gì làm người khác phiền lòng. Tuy nhiên, điều này không tốt cho sức khỏe tinh thần”, PGS-TS Trần Thành Nam khuyên mỗi người cần nói ra tâm sự của mình để được chia sẻ và càng nói được với nhiều người thì càng giải tỏa được lo lắng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần lắng nghe, động viên con cái vượt qua những khủng hoảng riêng. Bên cạnh đó, trong thời gian học ở nhà, hạn chế ra ngoài để phòng COVID-19, học sinh nên dành thời gian rảnh cho các sở thích khác như hội họa, âm nhạc và đừng quên tập thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể.

“Hiện nay, có nhiều nhóm, nhà tâm lý cung cấp dịch vụ trực tuyến miễn phí; nhiều trường cũng có bộ phận tư vấn cho học sinh. Khi bản thân chưa giải quyết được vấn đề, các em hoàn toàn có thể liên hệ với các chuyên gia này. Tránh “thảm họa hóa” các vấn đề mà cần bình tĩnh phân tích thấu đáo suy nghĩ của mình”, PGS-TS Trần Thành Nam nói thêm. 

Phát hiện sớm các bất ổn để không bỏ qua cơ hội vàng điều trị

Bác sĩ Nguyễn Quang Bính cho hay, liệu pháp hóa dược và thuốc bắt buộc và cần thiết trong hầu hết các bệnh lý tâm thần; ngoài ra còn có tâm lý liệu pháp được phối hợp với thuốc. Một số liệu pháp đơn giản được chỉ ra là: thư giãn, luyện tập, nghỉ ngơi, thay đổi lối sống. “Khi có các dấu hiệu bất ổn về tâm lý, phải đến gặp chuyên gia để được tư vấn, thăm khám, điều trị, theo dõi; tránh bỏ qua “cơ hội vàng” để có thể hồi phục”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Bính khẳng định, kịch bản của COVID-19 đã được các chuyên gia dự báo, diễn biến dịch có thể không rầm rộ nhưng không thoái lui mà lúc lên, lúc xuống khi điều kiện tiêm vắc-xin chưa thể phủ rộng trong cộng đồng. Do đó, người dân cần chấp nhận tình thế để sống chung với dịch bệnh. Cụ thể, cần chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch, phát hiện sớm người có dấu hiệu sức khỏe tâm thần. Tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, chia sẻ trong cộng đồng, cơ quan để có nguồn động viên, nâng cao sức khỏe tâm thần…

Thu Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI