Sống chung - Ở riêng: Chung hay riêng cũng vì thương!

25/06/2023 - 06:24

PNO - Sẽ không có công thức chung cho việc sống chung hay ở riêng. Việc này tùy thuộc vào quyết định, sự lựa chọn của chính những thành viên trong gia đình.

Nếu bạn sống cùng cha mẹ đã lớn tuổi, vừa thấy yêu thương xót xa khi cha mẹ như chuối chín cây hay đèn treo trước gió, vừa nhiều lúc chỉ biết kêu trời vì sự trái tính trái nết của ông bà, bạn sẽ hiểu có nhiều cách để đáp đền, báo hiếu. Việc tìm cách dung hòa, lựa chọn giải pháp sống chung hay ở riêng của các thế hệ trong gia đình dù khó nhưng không phải không làm được, chỉ là bạn có đủ yêu thương hay không. 

Ở riêng vì thương  

Nếu ai đó nói rằng ở riêng chỉ là mong muốn của thế hệ trẻ khao khát “thoát ly” hoặc cha mẹ muốn con cái tách ra riêng ngay khi kết hôn là xu hướng sống ích kỷ, chỉ tôn trọng hạnh phúc cá nhân, cũng tương tự sống chung là nỗi ám ảnh của những cô con dâu yếu bóng vía, các cô con gái cá tính, các cậu con trai độc thân không thích bị gò ép và thường được chăm sóc thái quá, e rằng đó chỉ là quan điểm 1 chiều. 

Khi ở riêng, các cặp đôi trẻ trung cảm thấy thoải mái, không cần chỉn chu nền nếp, tối cày deadline cho công việc, 10g đêm mới từ văn phòng về nhà, sáng mấy giờ dậy tùy thích… trong khi giờ giấc sinh hoạt của cha mẹ hoàn toàn khác. 9g tối cha mẹ đã tắt đèn, khóa cổng, lên giường ngủ để 5g sáng dậy tưới cây. Chưa nói đến đám cháu “cày game”, “cày phim”, xem bóng đá… thỉnh thoảng la hét xuyên tường còn nghe, chỉ cần vài buổi trong tuần về trễ của con trai, con dâu đã đủ để cha mẹ mất ngủ, mà giấc ngủ với người già quan trọng ra sao, cứ… Google là biết!

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Tốc độ sống khác biệt cũng là điều dễ nhận ra trong một gia đình nhiều thế hệ. Ở cha mẹ độ tuổi 50-55, các con độ tuổi 20-25 sẽ không có sự chênh lệch quá nhiều về tốc độ trong cuộc sống. Nhưng 10 năm sau, câu chuyện sẽ khác. Rồi 10 năm tiếp theo lại khác nữa… 

Khi 65-75 tuổi, cha mẹ cần hoạt động chậm lại, canxi hụt đi không phải cứ uống sữa là bổ sung đủ. Cơ, xương, khớp dù luyện tập đều cũng sẽ yếu hơn nên vòng quay khi đạp xe cần nhẹ hơn, hạn chế đi xe máy, đi bộ từ từ và quãng đường đi dần ngắn lại. 

“Khi ở riêng, cha mẹ sẽ thoải mái hơn vì vẫn có thể tự đi lại nhưng có thời gian, không cảm thấy mình bắt buộc phải nhanh lên, gấp lên cho bằng bọn trẻ, cho kịp giờ. Ở riêng, người lớn tuổi có thể tự do điều chỉnh tốc độ sống của chính mình cho phù hợp. Vì vậy, dù nhà rộng, thừa phòng cho từng thành viên, chúng tôi vẫn tách ra ở riêng nhưng gần cha mẹ để có thể ngó nghiêng mà không phiền ông bà. Cha mẹ cứ thong thả, con cháu cứ vội vã, không ai cản trở hay mệt mỏi vì ai.

Nếu chưa đủ tiền mua nhà thì đi thuê, chứ ở chung chưa chắc đã chăm sóc cho cha mẹ tốt nếu con cái cũng bận rộn suốt ngày” - chị Quyên - có nhà riêng cách nhà của cha mẹ vài căn trong cùng một con hẻm - chia sẻ. Cũng theo chị Quyên, quan điểm cần sống chung với người trẻ hơn để quá trình lão hóa của người lớn tuổi chậm lại là không sai nhưng cần lưu ý độ tuổi cụ thể và tần suất sống chung. 1 ngày mỗi tuần hoặc 1 giờ mỗi ngày là khoảng thời gian hợp lý cho cả 2. Đây cũng chính là khoảng thời gian được các viện dưỡng lão khuyến khích các cụ tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài cùng những người trẻ hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. 

Còn một chuyện không nhỏ dù tưởng chừng vặt vãnh. Ở riêng, mua gì hay cho ai cũng không bị cha mẹ phàn nàn. Dù rằng tiền là của các con làm ra, việc cha mẹ ca cẩm khi thấy shipper giao hàng ùn ùn, đồ đạc chưa hỏng mà con cái đã mang về cái mới là chuyện nhà nào cũng có. 

Trái lại, các bà mẹ chồng, mẹ vợ nếu ở riêng sẽ không phải trình bày với trai gái dâu rể về việc gửi tiền cho người họ hàng xa có gia cảnh khó khăn; tặng cô hàng xóm chiếc xe đạp điện vì cô ấy cần hơn, mình không đi thì để đó cũng hỏng; thậm chí mang trái cây, thức ăn cho hàng xóm; tặng món này, món kia cho cô giúp việc theo giờ… Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt này nếu không xử lý khéo léo có thể là điểm gây mâu thuẫn rất lớn giữa cha mẹ và các con. Ở riêng, cha mẹ và các con đều được tự do chi tiêu trong khả năng tài chính của mình, sẽ thấy mình không bị kiểm soát hay phụ thuộc - tâm lý gây khó chịu vô cùng khi sống chung. 

Người già lại quay về y như đứa trẻ, nghĩa là cần được quan tâm, chăm sóc, dỗ dành, để mắt tới. Trẻ con có đứa bướng bỉnh, có đứa nhu thuần thì người già cũng vậy.

Có những người già mong con cháu ở bên, nhắc nhớ những ngày tháng son trẻ rộn rã đã qua thì cũng có những người muốn một mình yên tĩnh, lặng lẽ trong ký ức, không muốn phiền đến ai, kiểu… “Để chúng tôi được yên”. Nếu cha mẹ bạn ở trong nhóm các cụ này thì việc sống tách riêng (nhưng cha mẹ vẫn trong tầm mắt các con) không thể được xem là “đi lùi” về mặt đạo đức. Do vậy, ở riêng cũng là vì thương!

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Mà sống chung cũng vì thương 

Ăn gì cũng là yếu tố khá quan trọng dù sống chung hay ở riêng. Trong khi người trẻ muốn ăn sao cho nhanh gọn, khi mệt thì đi ăn ở ngoài thay vì nấu; người già cần chế độ ăn uống kỹ lưỡng, thực đơn tùy thuộc vào sức khỏe thì ăn gì cho đúng ý từng thành viên trong gia đình quả là vấn đề nan giải nếu sống chung, mà “cân” được hết thì nội tướng quả là siêu. “Bữa cơm của gia đình tôi 5 người 5 món. Ông tiểu đường kiêng tinh bột, thích mướp đắng; các cháu thích sườn nướng; bà thích các loại hạt; ba thích tôm cua, hải sản; mẹ muốn ức gà, cá bỏ da… Gạo cũng 2 loại nấu 2 nồi khác nhau. Ông bà ăn nhạt, ba ăn cay, các con thích béo ngậy…

Mỗi người đều cố gắng tự lập trong khả năng của mình, muốn ăn món gì đúng khẩu vị đa phần tự làm chứ không ép những người còn lại phải theo mình, cũng không ngồi chờ cô giúp việc vì nếu thế chắc không ai làm nổi. Ngày nào cũng ăn mà bữa ăn nào cũng hài lòng, ngon miệng quả là phải rất thương nhau, thương mình. Hôm nào chúng tôi đi công tác hay cả nhà đi làm, đi học buổi trưa, ông bà tự ăn uống là phải nhắc, có khi phải gọi điện dỗ dành, gọi video kiểm tra… vì người già có khi ngại ăn, vắng con cháu càng lười. Nếu ở riêng thì không thể yên tâm rằng ông bà ăn đủ bữa hay uống đủ thuốc đúng giờ” - chị Nga - sống chung với cha mẹ và 2 con trai tuổi teen - vui vẻ cho biết. 

Những người con hiếu thảo biết rằng kinh nghiệm và trải nghiệm của người khác chỉ để tham khảo, bản thân sẽ luôn phải tự học nên sống riêng là cách tự lập nhanh nhất. Tuy nhiên, cha mẹ già đã đến tuổi cần mình nên vì thương mà cần sống chung. 

Khi sẵn lòng ở chung với các con, sẵn sàng đồng hành với những người trẻ, để có thể theo kịp tốc độ sống nhanh ở các đô thị 4.0 cũng có nghĩa cha mẹ đã rất cố gắng, vì thương con mà phải cập nhật thông tin, phong cách sống hiện đại nhằm sống chung hòa hợp và không cảm thấy mình bị bỏ lại bên lề. 

Sẽ không có công thức chung cho việc sống chung hay ở riêng. Việc này tùy thuộc vào quyết định, sự lựa chọn của chính những thành viên trong gia đình sau khi cân nhắc về hoàn cảnh, tính cách từng người. 

Rất nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn sống chung và đã tìm được cách không chỉ vui vẻ chấp nhận mà còn gắn bó thân thiết. Cách ấy là: ngoài tình yêu thương thật lòng còn cần đủ chân thành và thẳng thắn, tôn trọng nhau. Những gia đình ấy khiến người ngoài không phân biệt được kia là mẹ ruột hay mẹ chồng, mẹ vợ; đâu là con dâu hay con gái, con rể hay con trai. Chắc chắn điều này không dễ dàng nhưng khó không có nghĩa là bạn không làm được.

Lê Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI