Sống chung 14 năm, nhưng vợ chồng vẫn có cảm giác "khách sáo", xa lạ

28/03/2022 - 19:00

PNO - Hôn nhân của bạn ít có dấu hiệu tan vỡ, nhưng vấn đề là bạn có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực về cách hai bạn đến với nhau trong quá khứ

Thân gửi chị Hạnh Dung,

Chúng tôi đã kết hôn được 14 năm và có ba cháu, hai trai, một cô gái út 7 tuổi. Thực ra cuộc hôn nhân này từ đầu đã có vô số những điều không như ý.

Tôi có thai ngoài ý muốn trước khi cưới, và anh ấy đã làm một hành động có trách nhiệm, chứ không hẳn xuất phát từ tình yêu.

Về phía tôi, bố mẹ tôi không thích anh ấy vì tính tình nóng nảy, ngang bướng. Thời gian mới sống chung, anh thường né tránh gia đình vợ. Chỉ những dịp lễ Tết mới miễn cưỡng xuất hiện, nhưng cũng chỉ một thoáng là ra về.

Nhưng trong ngần ấy năm chung sống, dường như cả hai chúng tôi vẫn cứ giữ ý, giữ tứ với nhau thế nào ấy, không có được sự tự nhiên như những đôi vợ chồng khác.

Tôi cứ nghĩ tình trạng “khách sáo” sẽ được cải thiện khi các cháu ra đời, nhưng càng ngày bản thân tôi càng cảm thấy nặng nề vì sự xa cách này.

Xa cách đến nỗi cả anh lẫn tôi dần dần chẳng còn biết ghen tuông là gì! Công việc anh thường xuyên đi tiếp khách và nói thẳng với tôi có những pha phải tăng hai, tăng ba cùng các “chân dài”. Tôi thấy bình thường.

Ngược lại, anh cũng để tôi thoải mái gặp gỡ bạn bè, đi chơi đây đó. Chẳng bao giờ người này hỏi người kia “đang ở đâu, làm gì, với ai” cả?

Cuộc sống thấm thoát thế mà đã mười mấy năm. Chồng tôi vẫn cái kiểu “trách nhiệm” như ngày nào. Thế nhưng, chính điều đó lại khiến tôi đau đớn, bởi tôi chả bao giờ dám hỏi anh có yêu tôi không?

Và cứ mỗi lần anh về muộn trong cơn say, tôi lại co ro một mình tự hỏi, tôi có yêu người mình cưới làm chồng không? Chị Hạnh Dung ơi, có phải chúng tôi đang tích tụ những dấu hiệu cho một cuộc ly hôn sắp xảy ra, đúng không?

Trần Hoàng Lan Phương (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn Lan Phương thân mến,

Trong công tác tư vấn hôn nhân trực tiếp, các chuyên gia thường yêu cầu các cặp vợ chồng kể về tình huống, cách thức mà họ đã đến với nhau. Và người ta sẽ quan sát cách người này kể lại câu chuyện đó, và phản ứng của người kia. Quan điểm của vợ chồng về “lịch sử” cuộc hôn nhân có thể cho biết ít nhiều về tương lai của họ.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu cả hai cùng nhìn về "cái thuở ban đầu xao xuyến ấy" một cách trìu mến, thì đây là một dấu hiệu tốt cho việc hàn gắn. Nhưng nếu một trong hai người suy nghĩ tiêu cực về cái cách họ đã đến với nhau, điều này cảnh báo một vấn đề lớn luôn âm ỉ trong mối quan hệ của cả hai.

Nói cách khác, những người trải nghiệm tiêu cực về việc thành hôn - trong trường hợp này, chồng bạn cưới bạn chỉ vì trách nhiệm, chứ không xuất phát từ tình yêu - sẽ có khả năng ly hôn cao hơn những người suy nghĩ tích cực về khởi đầu cuộc hôn nhân.

Tất nhiên, mọi thứ còn tùy thuộc vào cảm xúc qua năm tháng chung sống. Nếu đang có mâu thuẫn, nhưng vợ hoặc chồng vẫn có thể kể về thuở mới bắt đầu cuộc hôn nhân một cách vui vẻ - dù nó tốt hay xấu, chứng tỏ họ đã xem đó là quá khứ, và chỉ kể lại như một kỷ niệm đẹp. Mối quan hệ như thế chưa gọi là “tổn thương” quá nhiều.

Theo Hạnh Dung, bạn cần được hỗ trợ để tự giải đáp cho câu chuyện của mình bằng cách phân tích ba vấn đề.

Thứ nhất, sau nhiều năm kéo dài sự lấn cấn trong hôn nhân, các bạn có trở nên thành kiến ​​với nhau không? Có "ghét nhau" đến mức "bồ hòn cũng méo" hay không?

Điều này không hoàn toàn đúng trong trường hợp của bạn. Bởi bạn vẫn thấy chồng mình có nhiều ưu điểm, đặc biệt là trách nhiệm của anh với gia đình, vợ con. Bạn nên tiếp tục ghi nhận những điều tốt mà anh làm cho gia đình nhỏ của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy thường xuyên khen ngợi, cảm kích, biết ơn anh, đồng thời hỏi xem anh cũng muốn gì nơi vợ mình? Phương cách tốt nhất để cải thiện quan hệ vợ chồng là thiết lập lại những gì cả hai mong đợi ở nhau, và cần thể hiện các nhu cầu về nhau rõ ràng hơn.

Thứ hai, việc bạn kể về lý do kết hôn thể hiện rõ ràng sự thất vọng của bạn trong quan hệ vợ chồng, nhưng Hạnh Dung lại nghĩ đó chỉ là cảm giác một chiều từ bạn. Chuyện anh ấy “cưới vì trách nhiệm” có thể chỉ là một suy đoán? Sao bạn không nghĩ đến trước đó, bạn và anh ấy đã có thời gian yêu thương nhau thế nào?

Thứ ba, nếu đã mang sẵn tâm lý thất vọng về cuộc hôn nhân, người ta thường rơi vào trạng thái “tức nước vỡ bờ” bởi bất cứ hành động lớn nhỏ nào từ chồng hoặc vợ. Hạnh Dung lại không thấy hai bạn vướng vào tình huống này.

Chuyện càng ngày càng không biết đến ghen tuông… có khi chỉ là vì các bạn đã quá hiểu nhau. Tất cả đã được xây dựng trên giá trị niềm tin một cách tự nhiên đến nỗi cả hai không có lý do gì để phải ghen tuông nữa.

Hãy bảo đảm rằng tâm hồn bạn đang sẵn sàng cởi bỏ quá khứ “hôn nhân vì trách nhiệm” để nhường chỗ cho những điều tốt đẹp. Tất cả những gì bạn đã đón nhận nơi cuộc hôn nhân này, như con cái, như người chồng vẫn một mực lo toan cho gia đình, hẳn phải được đánh giá cao hơn mọi thứ khác chứ?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuối cùng, quan trọng hơn hết là tình yêu. Bạn nói mình không bao giờ dám hỏi chồng rằng anh ấy có yêu bạn không? Bạn cũng đang tự hỏi mình có yêu người đã lấy làm chồng không?

Câu trả lời sẽ là, nếu bạn thực sự không thấy nơi chồng bất cứ điều gì tốt đẹp, không có gì để đánh giá cao về những gì anh ấy đã làm cho gia đình… thì hãy dành thời gian xem xét có tiếp tục mối quan hệ này nữa không? Bằng không, chính những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn đã trả lời rồi đó: các bạn yêu nhau và rất tôn trọng nhau!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI