edf40wrjww2tblPage:Content
Đàn hát, đan len là những niềm vui khiến Hà cảm thấy cuộc sống của mình trọn vẹn
Tai ương
Sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ, ngày lên ba, Ngọc Hà bắt đầu bị hành hạ bởi những cơn sốt liên miên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, chị Nguyễn Thị Kim Hoa, mẹ Hà, yên tâm cho con uống thuốc cảm sốt thông thường. Một ngày, Hà bất ngờ sốt cao, cơ thể tím tái, tay chân co rút. Nằm ở bệnh viện huyện Trảng Bom, cơ thể Hà ngày một co quắp lại, bác sĩ bỏ cuộc, quyết định đưa Hà vào… nhà xác khi Hà vẫn còn thoi thóp. Vừa bất lực, vừa bất bình, người mẹ trẻ chạy theo chiếc băng ca, gào thét, đòi con. Cuối cùng, vợ chồng chị Hoa cũng đưa được con lên Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai. Ngọc Hà được cứu khỏi cơn nguy kịch, nhưng đôi chân vĩnh viễn không thể bước đi được nữa.
“Nhớ lại, thời cấp I của mình toàn mùi thuốc sát trùng và trắng toát hình ảnh y bác sĩ”, Hà kể. Hồi ấy, không chấp nhận đứa con gái đang lành lặn thành ra tàn tật, cứ hết năm học, chị Hoa lại đưa con vào “nghỉ hè” trong bệnh viện. Trong 5 năm, Hà trải qua năm lần mổ và những ngày luyện tập mệt mỏi, đớn đau. Cơ thể cô gần như gập đôi, đầu đụng vào chân. Mỗi lần tập luyện, hai mẹ con phải vật lộn với nhau, mẹ thì kiên quyết đấu tranh với bệnh tật, con thì đau đớn chống trả. Lúc ấy, Hà chỉ nói được mấy tiếng “đau đau” không tròn chữ, rồi giàn giụa nước mắt. Để dỗ con, chị Hoa hứa hẹn: “Hết hè này con sẽ hết bệnh, không phải tập nữa, cố gắng lên con...”.
Thế nhưng, mỗi mùa hè qua đi, bệnh tình Hà càng nặng, hai chân cứ teo dần. Lời hẹn “hết hè hết bệnh” phải “khất” lại. Mỗi sáng, Hà được bố đưa đến trường, rồi bế vào lớp, tiếp diễn những ngày khóc lóc vì biệt danh “con què” mà đám học trò con nít gán cho.
Nhắc lại mười năm tranh đấu với bệnh tật, Hà thú nhận, cô đã một lần muốn buông xuôi. Năm 12 tuổi, theo sắp xếp của mẹ, cô tạm gác chuyện học hành để đến bệnh viện tập luyện “toàn thời gian”. Suốt ngày ở bệnh viện, trong khi các bạn vẫn đều đặn đến trường, giai đoạn ấy, lần đầu tiên cô bé nhận ra “mình chẳng có gì giống với bạn bè”: thân hình co quắp, kỳ dị, không đi học, không đi chơi, cũng không thể tự đứng dậy, bước đi; ngày nào cũng phải tập luyện đau đớn mà… chẳng biết để làm gì. Hà muốn tìm đến cái chết để “kết thúc bất hạnh”. Mới 11 tuổi, nhưng suy nghĩ ấy giày vò cô bé từng đêm. Chỉ đến khi ngồi lặng trên giường bệnh, bắt gặp hình ảnh mẹ vội vã chạy đến chạy đi theo dọc hành lang bệnh viện, mua cho mình phích nước sôi, tô cháo trắng, cô mới dẹp bỏ ý định dại dột.
Sau lần ấy, bên cạnh ý nghĩ “phải sống”, Hà quyết tâm phải “sống cho ra sống”. Mỗi ngày, cô ngoan ngoãn chịu đựng để người ta đặt một bao cát 10kg lên chân, giúp đầu gối thẳng ra. Đôi giày sắt mọi khi là “kẻ thù”, bấy giờ, Hà lại năng mang vào. Tập với giày cho đến khi bầm tím hai bàn chân, Hà lại chuyển sang đi nạng sắt: “Đau đớn không còn là vấn đề, mình kiên nhẫn hợp tác với mẹ, tập luyện đến hết ngày mới ngừng lại. Những đêm đau quá không ngủ được, mình cũng lặng lẽ khóc cho đến khi ngủ thiếp đi”.
Hà còn nhớ, một buổi sáng, sau khi nói chuyện với bác sĩ, mẹ về phòng bệnh, lẳng lặng thu dọn đồ đạc rồi thông báo gọn hơ: “Con được đi học rồi”. Những ngày tập luyện tại bệnh viện kết thúc từ đó.
Ngọc Hà phụ mọi người nấu nướng trong một “bữa tiệc” của bạn bè
Không bỏ phí từng giờ
“Vậy mà mình được đi học thật!”, Hà cười. Lúc ấy, các bạn cùng lớp ngày xưa đã học lớp 10, còn mình chưa biết làm toán lớp 6, Hà bắt đầu lại bằng một lớp học bổ túc. Những ngày đưa rước, bế con vào lớp học lại tiếp diễn với vợ chồng chị Hoa. Sáng học ở trường, chiều, Hà lại đòi mẹ đăng ký cho học tiếng Anh, vi tính. 18 tuổi, Hà kiên quyết không để bố phải đón đưa, bồng ẵm nữa, cô bắt đầu tập đi xe lăn đến trường. Luôn có ý nghĩ đã mất 5 năm trời trong bệnh viện, Hà không cho phép mình bỏ qua bất kỳ cơ hội học hành nào. Những hôm trời mưa, mặc bố mẹ ngăn cản, Hà lén lăn xe đến trường. Nhưng, “không phải chuyện gì mình cũng tự làm được”, Hà nói. Những hôm cãi bố mẹ, hì hục đẩy bánh xe qua đoạn đường ngập nước, thể nào cô cũng ướt sũng rồi sốt li bì mấy ngày. Có hôm, cô ngã sõng soài dưới vũng nước, phải gọi mẹ ra bế về. Cô tâm sự: “Mỗi khi việc học trắc trở, mình lại cố nhớ những ngày trong bệnh viện mà vực dậy, bước tiếp”. Không để mình phải âu sầu, buồn bã, Hà điền kín lịch bằng những buổi học ghi-ta, hoặc học đan móc len theo video trên mạng. Cũng nhờ xem việc học như một cách để hòa nhập xã hội, chứ không phải học để có bằng cấp hay để vào đại học, nên đường học phía trước, dù mờ mịt, vẫn không khiến cô chùn bước. Là học sinh khuyết tật duy nhất của hệ trung học, Đại học Lâm nghiệp (Đồng Nai), nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, cô là một trong hai học sinh đạt kết quả cao nhất, với 32 điểm/bốn môn.
Nghe tiếng xe mẹ về, Hà bỏ dở cuộc trò chuyện với tôi, nhanh tay lái chiếc xe lăn ra, mở cổng. Chị Hoa tâm sự, từ bỏ bệnh viện khi bác sĩ khẳng định Hà “không có khả năng phục hồi”, chị quyết định đưa con gái về, tập cho con sống một cuộc sống bình thường trong cơ thể tàn tật. Ban đầu, chị chỉnh trang lại căn nhà, xây bếp thấp xuống, hạ ổ điện, giá đựng chén bát xuống, rồi bắt đầu tập cho con từng chút một. Bây giờ, rửa bát, sơ chế thức ăn đã là… chuyện nhỏ với Hà.
Mới đây, việc phải hoãn thi đại học vì không có khả năng sống xa gia đình làm Hà buồn bã một thời gian. Nhưng, những trắc trở ấy không khiến cô ngừng lạc quan. “Đợi hai năm nữa, em mình đi thi đại học, mình sẽ thi với em, mình muốn trở thành một chuyên viên tâm lý - một công việc mình có thể làm tốt mà không cần đến đôi chân”, Hà nói.
Minh Trâm
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn