Sống bên cạnh nhà máy điện nhưng lại "khát" ánh sáng

11/08/2022 - 05:33

PNO - Có đến ba nhà máy thủy điện hoạt động trên địa bàn, song hàng trăm hộ dân ở xã vùng cao Nghệ An vẫn chưa có điện lưới để sử dụng.

Phải bấm bụng mua tua bin phát điện 

Từ rẫy về, trời đã xế chiều, anh Moong Văn Dậu, 38 tuổi, trú bản Nhãn Lỳ, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vội ra suối sửa lại tua bin để có điện thắp sáng ban đêm. “Hên xui à. Bữa nào nước suối chảy mạnh thì điện sáng, còn không thì chập chờn, lúc được, lúc mất. Mấy hôm nay vợ con đau ốm mà điện chập chờn nên rất bất tiện” - anh Dậu nói. Chỉ một loáng, anh Dậu đã sửa xong chiếc tua bin. Dân vùng này rất quen thuộc với cái tua bin - thiết bị mang lại ánh sáng cho họ. “Điện lưới ư, biết khi nào mới có, chờ chán rồi, ta phải tự lo cho mình thôi” - anh Dậu nói.

Người dân xã Tà Cạ sửa lại tua bin để phát điện - ẢNH: PHAN NGỌC
Người dân xã Tà Cạ sửa lại tua bin để phát điện - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Hoa Văn Toàn - Trưởng bản Nhãn Lỳ - cho biết bản có 56 hộ dân thì có 53 cái tua bin lắp đặt ngoài suối. Mỗi tua bin có thể thắp sáng bóng đèn có giá từ 2,5 - 4 triệu đồng. Không ít lần, lũ đổ về, tua bin bị cuốn trôi. Dù đói nghèo, nhưng dân vẫn phải bấm bụng mua tua bin mới, bởi nó là phương án khả dĩ nhất đem lại ánh sáng cho người Nhãn Lỳ. “Trước chưa có thủy điện thì còn bắt con cá, con tôm cải thiện bữa ăn. Rồi thủy điện mọc lên, tôm cá chẳng còn. Không có việc làm, nhiều thanh niên trai tráng phải tha phương cầu thực. Chúng tôi cũng chẳng hiểu nổi tại sao lại có đến ba nhà máy thủy điện đặt bên cạnh nhau! Lũ lụt dân bản gánh chịu thiệt hại nhưng điện lưới thì đến nay vẫn chưa được dùng” - ông Toàn buồn bã.

Xã Tà Cạ có 1.154 hộ dân, 40% hộ nghèo, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, Thái, Mông. Riêng bản Nhãn Lỳ có 56 hộ dân, toàn bộ là người Khơ Mú, 100% hộ nghèo. Anh Moong Văn Phừ, dân bản Nhãn Lỳ, nói: “Ra đầu bản là nhìn thấy thủy điện, thế mà nhà mình bao năm rồi vẫn chẳng có điện dùng, phải thắp đèn mãi”. Tuy vậy, anh Phừ và bao người dân trong bản vẫn hy vọng một ngày điện sẽ được kéo về, họ sẽ được tiếp cận với “thế giới văn minh”. Nhưng rồi hy vọng vẫn chỉ là hy vọng. Trước mắt họ phải dùng tua bin hay bình ắc quy để thắp sáng. Cái nồi cơm điện, cái ti vi hay máy xay lúa… vẫn là niềm mơ ước xa xôi” - anh Phừ chia sẻ. 

Khó phát triển kinh tế vì không có điện

Dòng Nậm Mộ đoạn qua bản Cánh, xã Tà Cạ mùa này tĩnh lặng, không một gợn sóng. Cảnh thuyền bè đi lại, dân tung chài, giăng lưới không còn. Khúc sông chỉ dài hơn 1km, nhưng bị chặn dòng thành nhiều khúc để phục vụ cho ba nhà máy thủy điện Bản Cánh, Nậm Mộ và Nậm Cắn 2. Chủ tịch xã Tà Cạ - ông Vi Văn Mằn - cho hay Tà Cạ trước đây đông vui, trên bến dưới thuyền tấp nập người buôn bán, giao thương. Rồi thủy điện lần lượt chắn dòng, sông Nậm Mộ bị chia cắt, thủy sản hầu như không còn. Nếu tính mật độ và số lượng nhà máy thủy điện thì không nơi nào nhiều hơn Tà Cạ, vậy mà cả ba bản của xã vẫn chưa có điện. “Ánh sáng từ điện còn chưa có, nói gì đến phát triển kinh tế để sánh kịp với các địa phương khác” - ông Vi Văn Mằn than.

Bản Nhãn Lỳ hiện vẫn chưa có điện lưới dù cách thủy điện chỉ vài cây số - ẢNH: PHAN NGỌC
Bản Nhãn Lỳ hiện vẫn chưa có điện lưới dù cách thủy điện chỉ vài cây số - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Lô Văn Liệu - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý - cho hay xã có hơn 1.200 hộ dân thì quá nửa là hộ nghèo, đời sống người dân còn rất khó khăn; 6/9 bản của xã vẫn chưa có điện. 

Theo ông Vi Hòe - Bí thư huyện Kỳ Sơn, điện rất thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống và sự phát triển kinh tế của người dân địa phương. Do bao lâu nay, không có điện lưới, nhiều bản làng luôn trong cảnh nghèo đói, muốn vươn lên rất khó. “Không có điện thì cuộc sống sinh hoạt chắc chắn khó khăn rồi. Nhưng quan trọng hơn cả là người dân không thể phát triển kinh tế được. Có điện thì họ có thể làm ngày, làm đêm, nhưng đèn dầu thì mặt trời tắt là đi ngủ thôi. Đơn giản như cái máy xát lúa rất cần thiết hằng ngày nhưng làm sao dùng được khi không có điện. Muốn trồng trọt, chăn nuôi lớn một chút không có điện lưới cũng rất khó để áp dụng các kỹ thuật hay công nghệ hiện đại…”, ông Hòe nói.

Theo ông, hiện những bản làng chưa có điện lưới chịu rất nhiều thiệt thòi, địa phương nhiều lần có kế hoạch hỗ trợ về các mô hình kinh tế mới, kỹ thuật mới đều không thực hiện được. “Sống ở nơi núi đồi bao phủ, bao đời nay không có điện lưới nên khi thấy các dự án nhà máy thủy điện người dân rất mừng. Họ mong mỏi có điện để tiếp cận với “thế giới văn minh”. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện phần lớn chỉ hứa sẽ quan tâm đến vấn đề phúc lợi hằng năm, hỗ trợ phần nào đó cho người dân, chứ chưa hứa hẹn sẽ mang điện về cho người dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm việc với các nhà máy thủy điện nhưng họ không thể đáp ứng nhu cầu này được bởi chi phí để lắp một trạm điện rất tốn kém. Đến nay, mới chỉ có hai nhà máy thủy điện lắp hai trạm điện để hỗ trợ người dân mà thôi”, ông Hòe cho biết thêm. 

Người dân và chính quyền địa phương đều muốn dừng dự án thủy điện

Hai dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mộ 1 được nghiên cứu xây dựng trên thượng nguồn sông Lam, thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, từ năm 2011. Vào thời điểm trên, hàng trăm hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng đã nhận “lệnh” chuẩn bị di dời, các công trình phúc lợi cũng dừng lại. Nhưng từ bấy đến nay dự án thì vẫn nằm trên giấy.

Lãnh đạo xã Mỹ Lý cho biết, thủy điện Mỹ Lý từng được thiết kế với công suất 250MV. Khi bị phản đối, dự án này hạ độ cao tích nước, giảm công suất còn 150MV, song vẫn không nhận được sự đồng thuận của người dân. Ông Vi Hòe cho biết không chỉ người dân địa phương mà Huyện ủy huyện Kỳ Sơn, Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã đề xuất dừng hai dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mộ 1, bởi nó không chỉ tác động lớn đến phía hạ lưu mà khi đi vào hoạt động, tích nước ảnh hưởng rất nhiều đến kế sinh nhai của người dân.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI