Sống ảo mệt thiệt!

26/08/2018 - 09:00

PNO - Mới đây, báo nước ngoài đăng tin nhiều youtuber, facebooker (người chơi YouTube và Facebook) phải đi điều trị tâm lý vì quá căng thẳng trong việc tư duy, thực hiện nội dung cho các "post" của mình, tôi buồn cười nghĩ tới đám bạn mình.

Facebooker hoặc youtuber chuyên nghiệp gặp khó khăn, áp lực, thôi thì cũng tạm xếp vào nhóm bệnh nghề nghiệp, bởi vì nghề nào kiếm ra tiền mà không có áp lực. Chứ nhìn bạn bè, tôi thấy áp lực đến mức stress vì sống ảo, rồi gia đình lao đao mà chẳng thu được đồng nào thì tào lao quá. Nhiều người sống ảo một thời gian, được một nhóm người tung hô, thậm chí còn hoang tưởng về mình. 

Song ao met thiet!
VÌ "cho Phây ăn" mỗi ngày, mà tinh thần lẫn thân xác bạn bè tôi tiều tụy

Anh Q. là tác giả có vài cuốn sách đã xuất bản. Anh xem mạng xã hội như văn phòng thường trực, là nơi thể hiện tài năng và sự sâu sắc của bản thân. Mỗi ngày, anh viết cả chục status, được nhiều người tán thưởng. Anh xem đó như tác phẩm của đời mình. Hồi đầu năm, anh còn bỏ luôn công việc cơ quan vì cho rằng “chẳng có ý nghĩa gì cho cộng đồng”. 

Vì mục tiêu “phục vụ cộng đồng phây”, cả ngày anh ngồi quán cà phê lướt thông tin mạng, chiêm nghiệm sự đời và “chém gió” phần phật. Cuối ngày về nhà, câu đầu tiên khi anh bước qua cánh cửa là: "Mỏi mệt quá, đừng đứa nào bu vào làm phiền ba nha!".

Vợ anh biết tỏng áp lực của anh chính là Facebook chứ có việc vủng gì đâu. Chị bực bội vô cùng khi chồng thường xuyên đăng hình ảnh gia đình viên mãn không quên kèm theo những dòng trạng thái mỏi mệt do phải "cày bừa" khiến ai cũng nghĩ anh là người sống có trách nhiệm. Nào có ai biết khi về nhà anh lười biếng, không buồn nhìn mặt con, tiền không đưa vợ một xu, mặc kệ mọi việc lớn nhỏ.

Anh Q. cũng như hàng trăm người bạn tôi, rất thích tỏ ra nguy hiểm, hiện đại nên ra sức đua theo "trend". Cứ có vấn đề nào đang nóng là họ tức tốc đăng "status" rõ dài thể hiện quan điểm, thậm chí “chém gió” cả ở những lĩnh vực chuyên sâu mà họ không hề có chút kiến thức. Chậm có status một tí là họ vò đầu bứt tai như thể nợ nần gì ai.

Song ao met thiet!
Mẹ ơi bỏ điện thoại chơi với con một chút được không? Hình minh họa

Số phụ nữ khoe kiến thức không nhiều bằng nam giới. Các chị “sòn sòn” ngày sản xuất mấy “tút” thường ám ảnh mình là người phụ nữ hoàn hảo, đẹp đẽ, thơm tho, da láng mịn, sống lạc quan, hạnh phúc, biết dạy con khoa học, biết chăm sóc gia đình… Sáng ra mở Facebook tôi lại thấy một số gương mặt nhàm tới phát ngấy. 

Bữa nọ chúng tôi gặp chồng một phụ nữ “hoàn hảo” kiểu ấy trong cuộc họp lớp. Anh lắc đầu ngao ngán: “Vợ mình hả, cô ấy lên mạng đẹp đẽ, thơm tho là thế, nhưng nhà cửa lúc nào cũng lộn xộn. Chén ăn bao giờ không còn cái nào mới vác đi rửa; cơm niêu nước lọ qua loa, tối chỉ con học hành vài phút mà quăng quật và mắng chửi con ầm hết nhà…”.

Ở đời, lỡ sắm vai hoàn hảo, tuyệt mỹ thì khó mà thể đặt vai diễn xuống mà sống thật. Xét nguyên nhân sâu xa thì bệnh sống ảo do lỗi ai nhỉ? Mấy ông YouTube, Zalo, Facebook, Instagram hay sao? Một xã hội với nhà nhà “ăn cơm với phây”, các thành viên ngồi đó mà tay không thể rời chiếc điện thoại, vừa gắp thức ăn vừa trả lời bình luận, vừa cười tủm tỉm, có khi còn sặc. Chưa lúc nào trong các gia đình câu khẩn nài này của bọn trẻ quen thuộc hơn: "Mẹ, mẹ có thể bỏ điện thoại xuống nghe con nói một tí không?".

 Cảnh Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI