Sơn móng tay: Lạ, đẹp và… độc hại

10/12/2013 - 11:00

PNO - PN - Giới trẻ đang phát sốt với kiểu sơn móng tay phát quang, đắp bột nhung… vì vừa lạ, vừa đẹp, nhưng cần quan tâm đến sức khỏe.

edf40wrjww2tblPage:Content

Rẻ, lạ

Mốt sơn móng dạ quang đang rất phổ biến ở các bạn nữ tuổi teen, loại sơn này chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… không chỉ được bán nhiều trong các cửa hàng mỹ phẩm mà còn có mặt tại một số chợ.

Shop D. trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, trưng bày khá nhiều sản phẩm sơn dạ quang với đủ tông màu (xanh tím than, xanh đọt chuối, xanh lá cây, đỏ, cam, vàng…), đủ kiểu dáng (hình chữ nhật, hình trái tim, hình chú gấu…). Sơn được đựng trong chai thủy tinh với dung tích 15ml, có giá 30.000đ/lọ. Khi sơn chỉ cần phủ lên bề mặt móng, không khác gì so với sơn móng tay bình thường, do trong sơn có chất lân quang nên phát sáng. Một nhân viên tại đây hướng dẫn, khi sơn xong thì dùng đèn pin chiếu vào hoặc để móng tay hấp thụ ánh sáng ngoài trời khoảng một giờ đồng hồ thì ban đêm sẽ phát quang đến bốn giờ. Muốn móng phát sáng được lâu thì nên sơn nhiều lớp. Đặc biệt, loại này đến 10 năm mới bong tróc (?).

Ngoài ra, còn có cả bột dạ quang. Giá của loại bột này khá rẻ: 7.000đ/2g, 19.000đ/6g, 40.000đ/16g, 100.000đ/50g. Chỉ cần trộn bột này với nước sơn bình thường, khi sơn sẽ phát ra ánh sáng lung linh. Bên cạnh đó, loại sơn móng phủ bột nhung mới lạ và đẹp đang bán chạy. Sau khi phủ sơn lên móng, rắc một lớp bông nhung mịn hoặc nhúng móng tay vào lọ bột nhung. Theo quảng cáo, khả năng bám dính của loại bột này rất bền, bảo đảm cả tháng không rơi. Chỉ một lọ 20.000đ có thể phủ từ 10-15 lần.

Son mong tay: La, dep va… doc hai

Nhiều hóa chất độc hại

TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, sơn móng tay có chứa chất màu, chất tạo màng sơn (nitrocellulose), dung môi hữu cơ (butyl acetate hoặt ethyl acetate). Ngoài ra, có thể có chất hóa dẻo, chất làm đặc, chất kết dính, chất ổn định màu trước tác dụng của tia tử ngoại… Nếu thành phần có nguồn gốc từ formaldehyde (nhựa, chất kết dính), benzene (dung môi), dibuyl phthalate (chất hóa dẻo) thì nguy cơ gây ung thư rất cao, hoặc gây rối loạn nội tiết, sẩy thai, quái thai. Các chất ít độc hại hơn như camphor, dùng kết hợp với nitrocellulose để tạo ra màng sơn cứng, linh động và trong suốt cũng có thể gây kích ứng niêm mạc mắt, mũi, miệng.

Với loại sơn móng tay có khả năng phát sáng, ngoài các thành phần trên, người ta còn sử dụng thêm các hóa chất có khả năng phát lân quang hoặc huỳnh quang (thí dụ như kẽm sulfide, strontium aluminate, calcium sulfide). Ở trạng thái tinh khiết, chúng không gây nguy cơ về sức khỏe. Tuy nhiên nếu còn lẫn tạp chất là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… khi đi vào cơ thể sẽ gây tổn thương gan, thận, não, phổi, gây loãng xương, các bệnh về xương, ung thư hoặc kích ứng da khi tiếp xúc.

Với strontium aluminate, do có chứa nhôm nên vẫn có nguy cơ gây dị ứng ở một số người nhạy cảm. Ngoài ra, việc hít phải các bụi bong tróc ra từ màng sơn móng tay trong trường hợp có chứa các kim loại nặng độc hại làm tăng nguy cơ các bệnh về phổi (viêm phổi, ung thư phổi).

Riêng với bột nhung, các sợi nhung là các xơ, sợi có màu với kích thước rất nhỏ. Về bản chất, các xơ sợi này có thể được tạo ra từ các vật liệu dệt sử dụng trong may mặc nên chúng luôn chứa các hóa chất độc hại với các nguy cơ về sức khỏe như ung thư, dị ứng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa. Nếu các xơ sợi này được nhuộm từ thuốc nhuộm azo, được xử lý bằng các loại nhựa hoặc có nguồn gốc từ các loại nhựa gốc formaldehyde thì nguy cơ ung thư cho người sử dụng, tiếp xúc với chúng càng lớn. Do có kích thước khá nhỏ, các xơ sợi này có thể đi vào đường hô hấp hay qua đường tiêu hóa, gây ra các nguy cơ về sức khỏe.

 Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI