Đầu thế kỉ 20, sau phong trào đấu tranh ôn hòa đòi quyền bầu cử của phụ nữ phương Tây, màu son đỏ bắt đầu mang giá trị đại diện sâu sắc hơn. Khi phái đẹp đồng lòng tranh đấu vì vai trò xã hội, son đỏ tạo ấn tượng nổi bật về liên minh ấy. Sắc son vừa nữ tính, quyến rũ, vừa táo bạo, mạnh mẽ - đã trở thành một biểu tượng nữ quyền đúng nghĩa.
“Để thu hút thêm sự chú ý của công chúng, tại sự kiện diễu hành đòi quyền bầu cử, một số phụ nữ thường thoa son đỏ. Lâu dần, son môi đỏ gắn liền với hình tượng phụ nữ độc lập, khao khát tìm kiếm tự do nữ quyền, vốn thời bấy giờ vẫn là một ý niệm khá tai tiếng”, Gabriela Hernandez, nhà sáng lập nhãn hiệu mỹ phẩm Bésame (Mỹ), nhận định.
Nữ nghệ sĩ Madeleine Marsh, tác giả của Compacts and Cosmetics – quyển sách nghiên cứu quy mô về lịch sử mỹ phẩm, chia sẻ cùng quan điểm: “Son môi đỏ, hơn bất kỳ phụ kiện trang điểm nào khác bạn có thể nghĩ đến, là biểu trưng hoàn hảo nhất nói lên sức mạnh nội tâm ở người phụ nữ”.
|
Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh tại lễ đăng quang năm 1953. Loại son màu đỏ tươi bà sử dụng là sản phẩm được đặt làm riêng cho sự kiện trang trọng này. (Ảnh: Getty) |
Sắc đỏ của tinh thần giải phóng phụ nữ
Vào buổi đầu hình thành văn minh nhân loại, phái đẹp đã có thói quen điểm trang cơ thể. Trong quá trình nghiên cứu hoàn thành tựa sách, Marsh thu thập hàng loạt bằng chứng cho thấy sự hiện diện của son môi khởi nguồn từ thời Ai Cập cổ. Thế nhưng son đỏ, trong nhiều môi trường xã hội, thường không được chấp nhận rộng rãi. Đến tận đầu thế kỉ 20, nó vẫn bị xem là màu son dành riêng cho phụ nữ bán hoa.
Sau Thế chiến thứ Nhất – khi ngành công nghiệp mỹ phẩm hiện đại được “kích cầu”, tại Mỹ, mặt hàng son môi càng trở nên phổ biến hơn. “Riêng tone màu son đỏ, tôi nghĩ, đã tạo dấu ấn đầu tiên nổi tiếng trong sự kiện diễu hành vì quyền tự do bầu cử của phụ nữ New York, những năm đầu thập niên 1900”.
“Đông đảo chị em phụ nữ cùng xuống đường, đi bên nhau, tự tin tiến về trước với chung mục tiêu đấu tranh đòi quyền lợi. Và tất cả họ đều thoa son đỏ”. Marsh cho biết.
|
Vào Thế chiến thứ hai, hãng mỹ phẩm Elizabeth Arden danh tiếng tại Mỹ ra mắt dòng son môi đỏ có tên gọi “Victory Red” (“Màu đỏ chiến thắng”). Arden, nữ doanh nhân và nhà hoạt động xã hội tiên phong cho phong trào đấu tranh vì nữ quyền thời bấy giờ, khuyến khích phụ nữ vừa tự tin làm đẹp vừa tiếp tục đảm đương trách nhiệm công dân trong thời chiến. (Ảnh: Fashionista) |
Tương tự, trong giai đoạn Thế chiến thứ Hai, nhằm kết nối tinh thần cộng đồng, không ít thương hiệu son đỏ được trao cho những cái tên đậm chất nữ quyền mạnh mẽ như “Sắc đỏ yêu nước” hay “Đỏ bùng nổ”. Marsh lý giải: “Thời chiến, phụ nữ vốn phải gánh vác nhiều nghĩa vụ nơi hậu phương thay nam giới, được khuyến khích thoa son đỏ, như một cách giúp họ củng cố sức mạnh ý chí để vượt qua khó khăn”.
“Đến nay, hãy còn một số kỳ thị về giới liên quan đến sắc môi đỏ. Nhưng đồng thời, chúng ta không thể phủ nhận giá trị biểu trưng rõ rệt ở những thỏi son đỏ đối với hình ảnh người phụ nữ giữa xã hội đương đại”.
Lan tỏa sự tự tin
Dẫu vẫn còn tiềm ẩn định kiến giới tính, sắc môi đỏ không ngừng biểu thị cho sự tự tin, dạn dĩ ở phái đẹp.
Văn sĩ Rachel Felder, người dày công biên soạn “Red Lipstick: an Ode to a Beauty Icon” – dự án sách nghệ thuật đặc sắc giải mã vị thế của son môi đỏ trong lịch sử mỹ phẩm thế giới, đưa ra nhìn nhận thú vị về gam sắc này: “Màu đỏ, như bạn có thể hình dung, luôn có tính chủ định”.
|
Màu son đỏ cam gợi cảm giúp hoàn thiện tạo hình của Julia Roberts trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Pretty Woman (năm 1990). (Ảnh: Getty) |
“Chọn màu son đỏ để điểm tô đôi môi, khiến gương mặt trở nên tươi trẻ, cuốn hút hơn, chính là cách một phụ nữ thể hiện sự tự tin trong họ. Chỉ thông qua việc đơn giản như thế, phái đẹp đang phản ánh nhận thức về hình ảnh cá nhân, lẫn ý chí, quyền năng của riêng họ. Và khi bạn tìm thấy màu đỏ lý tưởng nhất cho đôi môi, bạn càng thêm tự tin vào diện mạo mình tạo dựng”. Felder chia sẻ.
Son đỏ với đa dạng tone nền quyến rũ, mặc dù có thể được ưa chuộng nhiều hay ít tùy theo xu hướng trang điểm từng mùa, vẫn giữ nguyên nét đẹp biểu tượng lâu bền.
|
“Biểu tượng Hollywood” Marilyn Monroe với trang phục đơn giản nhưng vẫn cuốn hút tại nhà riêng. Tone son đỏ thẫm luôn được người đẹp tóc vàng đặc biệt yêu thích. (Ảnh: Getty) |
Một “tuyên ngôn” đa sắc thái
Tác gia Madeleine Marsh nhận xét: “Một số người có thể cho rằng mỹ phẩm nói chung, cũng như son môi nói riêng, chỉ là những thứ phụ kiện đơn giản giúp làm đẹp gương mặt. Nhưng tôi nghĩ chúng vốn dĩ luôn ẩn chứa ‘thông điệp’ đặc biệt, với lịch sử hình thành lý thú”.
“Màu son đỏ, chẳng hạn, góp phần phản ánh tầm nhìn lẫn tư duy đại chúng về hình mẫu người phụ nữ qua từng thời đại, ở từng môi trường xã hội khác nhau”.
Nữ doanh nhân Sharon Chuter, nhà sáng lập UOMA Beauty – thương hiệu mỹ phẩm chuyên dành cho phụ nữ đa sắc tộc có trụ sở tại California, Mỹ - hoàn toàn đồng tình về điều này: “Tôi nghĩ, với phụ nữ da màu, son môi đỏ biểu đạt dấu ấn nữ quyền thậm chí còn mạnh mẽ hơn, nhất là trong giai đoạn quá khứ khi tiếng nói của chúng tôi chưa thật sự được lắng nghe”.
|
Sắc môi đỏ giúp nữ ca sĩ Rihanna thêm phần quyến rũ và sang trọng (năm 2017). (Ảnh: Getty) |
Giờ đây, bất luận rào cản hay tư tưởng định kiến, phụ nữ khắp nơi trên thế giới đều có quyền tự tin thoa lên môi màu son rực sức sống. “Khi tôi ở tâm thế sẵn sàng ra ngoài làm việc, tôi sẽ dùng son đỏ. Khi tôi cảm thấy thoải mái, năng động hoặc để củng cố phong thái tự tin, tôi luôn nhớ đến thỏi son đỏ”, Chuter bày tỏ.
Vượt ra khỏi định nghĩa một sản phẩm trang điểm thông dụng, những thỏi son đỏ đã và đang chứng minh sức hút riêng biệt, truyền tải “thông điệp” nữ quyền trong đa dạng không gian văn hóa – xã hội. Như “mỹ nhân màn bạc” Audrey Hepburn từng nói: “Ngay cả vào những ngày không vui, chúng ta luôn có thể thoa son môi”.
Như Ý