Portal (tạm dịch: đường dẫn) như Saeko lý giải là cánh cổng nhiều chiều kích, mở ra khu vườn tâm trí của mỗi người.
Tại triển lãm, có 23 bức tranh khổ nhỏ - kích cỡ quen thuộc của tranh Saeko thuộc loạt tranh Specimen (tạm dịch: tiêu bản, vật mẫu xét nghiệm) và 2 bức tranh khổ lớn là Osmosis và Photosynthesis. Tất cả đều là sơn mài trên mica. Bức tranh, nhờ đó có thể nhìn từ hai mặt, mỗi mặt là một tác phẩm độc đáo riêng, đòi hỏi sự dụng công kỹ càng của nghệ sĩ trong quá trình sáng tác.
|
Không gian triển lãm tràn ngập ánh sáng tự nhiên để người xem có thể quan sát mặt trước và sau bức tranh dưới tác động của ánh sáng |
Đây là cách tiếp cận đương đại và độc đáo nhất từ trước đến nay với sơn ta, bởi so với các nước trong khu vực, sơn tự nhiên của Việt Nam luôn xếp sau, và thường được nhận định là thua kém về chất lượng.
Mất 8 năm từ khi thử nghiệm thực hành sơn mài trên mica, Saeko cho biết đây là thời điểm cô cảm thấy sẵn sàng để giới thiệu chúng đến người yêu nghệ thuật. Và cô chọn Việt Nam là nơi tổ chức triển lãm ý nghĩa này để tri ân đất nước cô xem như “quê hương thứ hai”.
|
Không gian bày trí theo từng cánh cửa, gợi mở việc cởi bỏ những suy tư thường ngày để chạm đến những điều thẳm sâu trong tâm hồn |
8 năm với 25 tác phẩm, và đa phần đều là tranh khổ nhỏ, Saeko nói đó là lựa chọn có chủ ý. Mỗi tác phẩm với cô như một bài thơ Haiku, cho người xem khoảng trống để tưởng tượng và sáng tạo. Và khi khổ tranh nhỏ, người xem mới không bị choáng ngộp trước độ lớn của bức tranh mà tập trung quan sát vào chi tiết.
Tranh của Saeko là sự tỉ mỉ đến độ vi tế, với các chi tiết được cô lấy cảm hứng từ cây lá, côn trùng… nguồn cảm hứng bất tận của cô, khiến cô cảm thấy luôn tràn đầy năng lượng và sự lạc quan. Saeko vẽ hầu như rất ít, và rất chậm, bởi cô muốn truyền tải những cảm giác tích cực cô nhận được từ thiên nhiên đến người xem tranh.
Specimen đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của khoảng cách giữa người xem và vật được xem. Niềm đam mê của Saeko với chủ đề này có từ thời thơ ấu, và được củng cố sau mỗi lần cô chứng kiến những người khách bước qua cửa trước lớp kính an ninh. Khi khoảng cách được xóa nhòa, cũng là lúc người xem khám phá được nhiều thứ thú vị qua những chiếc lỗ be bé.
Không có tác phẩm nào trong loạt tranh này được đặt tên riêng. Chúng chỉ được đánh số như những tiêu bản được nhìn qua thấu kính.
Chúng ta thường xem các tác phẩm nghệ thuật và cố gắng hiểu ý nghĩa bằng cách giải thích tiêu đề của chúng. Saeko chọn không áp đặt bất kỳ diễn giải nào đối với người xem. Cô cố tình chừa ra những khoảng trống để người xem tham gia vào trải nghiệm sáng tạo này. Saeko hy vọng người xem sẽ khám phá những tầng sâu tâm trí mà người xem chưa từng đặt chân đến và tự gọi tên chúng.
“Bạn được giải phóng khỏi sự hiện diện của chính mình. Đây là điều khiến tôi tin rằng chúng ta sẽ thích thú những trải nghiệm khi nhìn mọi thứ qua một lỗ ngắm nhỏ” - nghệ sĩ sơn mài đương đại Saeko Ando chia sẻ.
|
Nghệ sĩ sơn mài đương đại Saeko Ando. Cô hiện sinh sống ở Hội An |
Saeko Ando đến Việt Nam từ năm 1995. Tình yêu sơn mài và nghề sơn truyền thống của Việt Nam đã giữ chân cô lại đất nước này suốt 28 năm qua. Nhận được sự hướng dẫn của nghệ sĩ Trịnh Tuấn, bậc thầy sơn mài Doãn Chí Trung và nghệ nhân sơn mài Lâm Hữu Chính, cô không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ thuật sử dụng sơn ta.
Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần ba thập kỷ, Saeko được biết đến khắp thế giới như là một nghệ sĩ đương đại sử dụng sơn ta. Cô kết hợp các kỹ thuật sơn mài Việt Nam, và kỹ thuật sử dụng sơn ta học được từ các thế hệ bậc thầy, tạo ra các phương pháp độc đáo mà cô đã phát triển qua nhiều thập kỷ thử nghiệm.
Loạt tranh sơn mài trên mica của Saeko đã gây ngạc nhiên cho nhiều đồng nghiệp của cô và các chuyên gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật khắp nơi trên thế giới, từ Triển lãm Nghệ thuật châu Á ở London, Munster (Bảo tàng sơn mài duy nhất tại châu Âu) đến Thượng Hải (Khoa Nghệ thuật, Đại học Thượng Hải), Tokyo (Đại học Nghệ thuật Tokyo) và Đại Lải (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại).
|
Mặt trước của bức tranh S403, trong loạt tranh Specimen |
|
Mặt sau của bức tranh S403, trong loạt tranh Specimen |
Không chỉ là một nghệ sĩ, Saeko còn trăn trở với nghề trồng cây sơn tự nhiên của Việt Nam. Nhiều năm nay, trong vai trò thành viên của Dự án Trao đổi Nghiên cứu Sơn mài Thủ công châu Á, Saeko tích cực tham gia nhiều hội nghị khắp châu Á, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và cống hiến không ngừng nghỉ cho việc nghiên cứu và bảo tồn sơn mài (sử dụng sơn ta).
Cô nói, khi cô đến tỉnh Phú Thọ để thu mua sơn tự nhiên, cô đã chứng kiến người nông dân nơi đây luôn trong vòng lẩn quẩn được mùa mất giá, hoặc thu hoạch chóng vánh, khiến sơn trở nên kém chất lượng. Trong nhiều năm gần đây, nhiều người đã bỏ cây sơn.
"Việt Nam sản xuất sơn ta tự nhiên và xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Á khác. Rồi Việt Nam nhập khẩu sơn hóa học về sản xuất sản phẩm sơn mài. Tôi thấy thật đáng tiếc" - Saeko nói.
Do đó, sự thành công của Saeko với loạt tranh này thể hiện tiềm năng to lớn của sơn ta Việt trong thời hiện đại và cả tương lai. Nó có thể giúp nhiều người nhìn nhận lại giá trị của sơn ta và sử dụng sơn ta để sản xuất tác phẩm sơn mài nhiều hơn. Khi ấy, cả nghệ nhân, nghệ sĩ và người nông dân đều có thu nhập ổn định, để tiếp tục duy trì và phát huy các giá trị nguyên bản của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Triển lãm Portal của nghệ sĩ Saeko Ando mở từ 23/4 - 2/5, tại De a Sól, số 244A Pasteur, Q. 3, TP.HCM.
Thư Hiên