Somtum và loạt món Thái "làm mưa làm gió" ở Sài Gòn

23/07/2020 - 16:26

PNO - Vị chua cay mặn ngọt trong món somtum hay ngọt đậm của kem dừa đến từ đất nước Thái Lan chưa bao giờ có dấu hiệu giảm nhiệt ở Sài Gòn.

somtum
Somtum hay somtam, gỏi đu đủ ba khía là một trong những món ăn vặt đường phố Thái Lan du nhập vào Sài Gòn từ rất lâu. Món gỏi này có nguyên liệu phong phú với đu đủ sống bào sợi, đậu đũa bào mỏng, cà chua bổ múi cau, chanh tươi xắt lát, đậu phộng, tôm khô... Thành phần quan trọng, cũng là yếu tố quyết định vị ngon của món ăn chính là mắm ba khía. Với người thưởng thức được loại mắm này, đây là điểm cộng. Ngược lại, ai không thích mắm cũng sẽ không dám chạm vào.
tom yum
Tom yum là món canh có thể dùng ăn chung với cơm hay bún. Món ăn này có sự tham gia của lá chúc (chanh Thái), riềng, sả, ớt và mắm ruốc nên có vị chua, cay, thơm và đậm đà. Nguyên liệu thường được dùng để nấu canh tom yum là cá. Tuy nhiên, đầu bếp cũng có thể gia giảm với tôm tươi, mực, thịt bò. 
bún thái
Bún Thái: Với vị chua chua cay cay kết hợp với nhiều loại hải sản tươi hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng khách, cùng nhờ hương vị đặc trưng mà bún Thái là món bạn có thể thưởng thức mọi lúc, mọi nơi.
satay
Satay hay gà nướng tay cầm kiểu Thái thường được dọn kèm xôi, tuy nhiên, nếu thích, bạn có thể chọn ăn chung cùng bánh mì hay xẻ đôi bánh mì, cho satay vào giữa làm nhân. Có khá nhiều công thức hướng dẫn cách xử lý và ướp món gà "chuẩn" vị Thái, trong đó, bột hạt ngò rí là gia vị không thể thiếu.
lẩu thái
Lẩu thái có vị chua chua cay cay của các loại gia vị mạnh, có độ tươi của hải sản và vị thanh của các loại rau ăn kèm. Đây là món nhúng chấm, phù hợp với cách thưởng thức theo nhóm nên thích hợp trong mọi cuộc họp mặt gia đình hay bạn bè.
cơm
Cơm: Có khá nhiều dòng, từ cơm mắm ruốc đến cơm xiú mại, cơm gà nướng... Điểm chung của các món cơm này là vị thơm béo đến từ các hạt gạo tròn mẩy nấu cùng nước dừa tươi, sự phong phú của các loại rau đi kèm cùng cách trình bày đơn giản nhưng đẹp mắt. 
kem dừa
Kem dừa: Kem dừa Thái du nhập Việt Nam chưa đến chục năm và ở thời điểm ban đầu, món này lập tức trở thành trào lưu ẩm thực trong giới trẻ. Sau vài năm, kem dừa Thái không còn thu hút nhiều như ban đầu song vị ngọt, thanh, mát của kem dừa vẫn giúp nó có chỗ đứng nhất định trong lòng thực khách. 
che thai
Chè Thái: Nhắc đến món ăn vặt này, nhiều năm trước, người ta nghĩ ngay đến con đường chè Nguyễn Tri Phương, quận 10, nơi mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến mua về lẫn thưởng thức tại quán. Ngày nay, các tiệm chè trên con đường này đã thay đổi phương pháp kinh doanh khá nhiều nhưng bạn có thể tìm thấy món ăn này tại các tuyến đường lớn nhỏ của thành phố. 
trà sữa
Trà sữa: Hiện khá nhiều dòng trà sữa đến từ các quốc gia vùng lãnh thổ có mặt tại TPHCM nhưng khoảng 10 năm trước, số lượng quán trà sữa Thái chiếm đa số. Cách nhận biết trà sữa Thái là topping uống cùng có màu sắc và hình dáng khá bắt mắt. 
bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh: Đậu xanh hấp chín, trộn với đường cát theo tỷ lệ nhất định, nghiền mịn, kết hợp với màu thực phẩm, rồi dùng tay hay khuôn tạo hình thành nhiều loại trái cây khác nhau. Món bánh này có vị thơm, ngọt nhẹ và vị béo đặc trưng của đậu xanh. 

Các thương hiệu ẩm thực Thái tại Sài Gòn nổi tiếng và nhiều cơ sở: TukTuk Thai Bistro, Gõ Thainoodles, Chilli Thai, Thái House, Lạc Thái, Con Voi Vàng...

An Huỳnh

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=