Gần 1.500 nạn nhân là học sinh THPT
Tháng 3/2024, một bé gái 6 tuổi ở tỉnh Thái Nguyên bị xe container cán đứt rời 1/3 chân trái. Gia đình bé cho biết, khi bé vừa tan học, từ cổng trường băng qua đường thì bị tai nạn khi tài xế xe container đánh lái để tránh xe máy của các phụ huynh đỗ 2 bên đường.
|
Xe tải chạy qua cụm trường học của xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội càng khiến khu vực này lộn xộn, hỗn loạn hơn - Ảnh: M.T. |
Cũng trong tháng 3/2024, xe tải mang biển số 50H-254.63 lưu thông trên Quốc lộ 13, hướng từ trạm thu phí Suối Giữa về trung tâm TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, khi đến ngã ba Cây Trôm (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một) đối diện cổng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu thì tông vào xe đạp điện cùng chiều phía trước do nữ sinh lớp Mười điều khiển. Nữ sinh này bị cuốn vào gầm xe, chấn thương rất nặng.
Đó chỉ là 2 trong hàng ngàn vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra hằng năm mà nạn nhân là học sinh. Ngày 28/3/2024, tại hội thảo “Tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục THPT” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, ông Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, năm 2023, cả nước xảy ra 22.067 vụ TNGT khiến 26.920 người thương vong, trong đó có khoảng 2.100 trẻ em và 1.500 học sinh bậc THPT.
Tài xế chạy bừa, phụ huynh thiếu ý thức
Ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS của xã nằm cạnh nhau trên trục đường liên thôn. Sáng và chiều nào, đoạn đường này cũng xảy ra cảnh xe đạp, xe máy, xe bán đồ chơi, đồ ăn vặt, xe con, xe tải lớn nhỏ hỗn loạn. Các phụ huynh đưa xe máy lên vỉa hè hoặc dựng thành hàng ngang, hàng dọc lộn xộn ven đường ngay gần cổng trường, xe con thì đậu xa hơn, nhưng xe tải vẫn chạy ngược xuôi mà không giảm tốc.
|
Biển giới hạn tốc độ khu vực trường học ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Hương Nhu |
Chị Đặng Thị Nga - phụ huynh học sinh - cho biết: “Ngày nào đón con buổi sáng và chiều tôi cũng phải né các loại xe tải, xe thu gom rác, thậm chí cả xe container. Nhiều loại xe đi vào làng để tránh tắc đường đoạn giao Quốc lộ 1A và tỉnh lộ 71. Phụ huynh né còn chật vật, nhìn các cháu lớp Hai, Ba trên chiếc xe đạp bé xíu bên cạnh những xe tải lớn mới thấy rõ nguy cơ TNGT luôn tiềm ẩn”.
Khó khăn lắm, bé Mai Anh - học sinh lớp Ba - mới dắt được chiếc xe đạp qua bên đường. Cháu nói: “Hồi đầu năm học, mới đạp xe đến trường, cháu rất run, phải chờ cho xe tải qua hết, xe máy thưa bớt, cháu mới dám qua đường để lên xe, đạp về nhà. Bây giờ, cháu bớt run rồi nhưng cũng phải đợi đến lúc vắng xe, cháu mới dám đi”. UBND xã Văn Bình đã gắn biển báo khu vực trường học, hạn chế ô tô trong các khung 10g - 11g và 16g15 - 17g30. Cũng có những tài xế chạy đường vòng để tránh các cổng trường nhưng đường vòng vẫn băng ngang hông trường THCS, cắt ngang trục đường chính. Việc xe tải chạy tứ phía quanh trường học vẫn gây bất an cho học sinh.
Anh Nguyễn Văn Minh - ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - bức xúc: “Trường THCS Phượng Sơn (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) nằm sát Quốc lộ 31. Ngày nào tôi cũng đi làm về qua đây. Tôi thấy học sinh qua đường bất thình lình, dàn hàng 2, hàng 3 chạy xe đạp điện vèo vèo, phụ huynh thì đứng tràn 2 bên đường, nhiều người quay đầu xe mà không quan sát”.
Hiện chưa có thống kê về TNGT trước cổng trường học, nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hiếu (Trường đại học Giao thông Vận tải), đây là khu vực có nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông do lượng người, xe đông đúc nhưng lại thiếu phương án tổ chức giao thông.
Luật hóa về tốc độ, tăng tuyên truyền
Theo tiến sĩ Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp, Trường đại học Giao thông Vận tải - cơ hội sống sót của người bị xe cơ giới đâm ở tốc độ dưới 30km/h là 90%, ở tốc độ 45km/h là dưới 50% và ở tốc độ 80km/h là gần như bằng 0. Do đó, ông ủng hộ việc luật hóa quy định tốc độ tối đa 30km/h ở khu vực trường học. Bên cạnh các chế tài xử phạt nghiêm khắc, cần phải giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu và tuân thủ.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT, UBND một số địa phương tổ chức thí điểm khóa tập huấn về quy định pháp luật, kỹ năng lái xe máy an toàn cho học sinh THPT, trong đó tổ chức sát hạch như khi cấp phép lái xe. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT quy định trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục về giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho học sinh, yêu cầu phụ huynh, học sinh cam kết không vi phạm an toàn giao thông.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, bộ sẽ thảo luận, xây dựng và ban hành thông tư quy định về giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Bộ sẽ có quy định cụ thể về việc tích hợp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn giao thông vào các môn học chính khóa; quy định cụ thể việc lồng ghép an toàn giao thông vào chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; quy định rõ thời lượng tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường đối với từng cấp học.
Ngọc Minh Tâm