Sớm gỡ vướng mắc để nông nghiệp công nghệ cao TPHCM phát triển

16/10/2023 - 11:27

PNO - TPHCM phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp của thành phố ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, để đạt mục tiêu này, nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Nhiều vướng mắc 

Theo ông Nguyễn Duy Sơn - Phó trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM - người sản xuất chuyển hướng sang NNCNC đang gặp khó khăn về  tiếp cận quỹ đất, vốn và tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp (DN), đất dành cho NNCNC chưa được quy hoạch rõ ràng, việc tìm được khu đất không có vướng mắc pháp lý gì rất khó. Có DN đã có đất nhưng không xin được giấy phép xây dựng nhà kính, chuồng trại chăn nuôi, nhà kho, chế biến… “Các nhà đầu tư coi NNCNC là đầu tư mạo hiểm vì chi phí rất lớn. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nguồn đất, nước tại TPHCM ngày càng gia tăng, nên các nhà đầu tư sẽ chọn địa phương khác để đầu tư” - ông Nguyễn Duy Sơn nói. 

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông Minh - ẢNH: LINH LINH
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông Minh - Ảnh: Linh Linh

Bên cạnh đó, dù Nhà nước có chính sách ưu đãi vốn nhưng thực tế người sản xuất khó tiếp cận. Hạ tầng đầu tư NNCNC rất lớn nhưng khi DN đi vay lại không được tính là giá trị tài sản thế chấp; giá trị đất nông nghiệp thế chấp được định giá chỉ vài trăm triệu đồng/ha; đầu ra thì bấp bênh… “Theo chính sách, DN được vay với lãi suất chỉ 4%/năm nhưng thực tế là phải vay với lãi suất 9%/năm nên lợi nhuận của các DN hầu như không còn, không đủ tạo động lực để thu hút họ đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần NNCNC Trung An - cho hay. 

Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên - chuyên gia của Viện Sáng kiến Việt Nam - chúng ta có thể tham khảo cách làm của Thái Lan. Quốc gia này có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển NNCNC để thu hút DN tham gia như: xây sẵn cơ sở hạ tầng, miễn thuế cho DN đến 13 năm, cấp visa và giấy phép cho lao động nước ngoài… 

Cần tận dụng lợi thế

Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - cho rằng hợp tác xã (HTX) là mô hình cần thiết để có thể gắn kết người sản xuất cùng với DN. Khi HTX muốn chuyển hướng sang NNCNC, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn, miễn thuế đất đai, giảm thuế trong thời gian đầu kinh doanh. Với DN, cần hỗ trợ thực hiện hồ sơ đăng ký xác nhận là DN NNCNC thì khi đó DN mới được hưởng ưu đãi của Luật Công nghệ cao. 

Bên cạnh đó, cần phải triển khai lập quy hoạch vùng sản xuất gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các quận, huyện, với bố trí giống cây trồng vật nuôi chủ lực của thành phố (rau, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm và cá cảnh). Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu NNCNC mới (hiện thành phố đang triển khai 1 khu chuyên ngành thủy sản tại Cần Giờ, 3 khu chế biến sau thu hoạch, chăn nuôi và chế phẩm sinh học tại Củ Chi) và sớm đưa vào sử dụng. Cần công bố công khai quy hoạch để các DN biết và tiếp cận kịp thời, không còn lo tình trạng đầu tư nhưng sợ không xin được giấy phép công trình phụ trợ. 

Với Nghị quyết 14 vừa được HĐND thông qua, Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, sẽ có chính sách khuyến khích hộ nông dân sử dụng dịch vụ của HTX hoặc khuyến khích HTX liên kết với DN để chuỗi liên kết này dần lớn và bền vững hơn. Riêng về thị trường tiêu thụ, thành phố phải hướng tới kết hợp với các DN nước ngoài hỗ trợ xuất khẩu, có như vậy mới khắc phục được tình trạng bị phụ thuộc vào một số đối tác, thị trường cụ thể.

Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, mọi biện pháp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của DN và người tiêu dùng. Họ chính là người sẽ quyết định cần làm gì, mức giá bao nhiêu? Chính quyền chỉ đóng vai trò tạo “sân chơi” là xây dựng cơ cấu hạ tầng kỹ thuật cần thiết theo nhu cầu của DN, tạo cơ chế và môi trường thuận lợi giúp DN nghiên cứu và phát triển hiệu quả. 

Người sản xuất cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận thị trường một cách mạnh mẽ hơn, tận dụng lợi thế của TPHCM về lai tạo cây, con giống chất lượng cao và ngành công nghiệp chế biến sau thu hoạch. Cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu. Ví dụ với trái dưa lưới xuất khẩu sang Nhật, ngoài việc chỉ làm thực phẩm thì cần nghiên cứu có thể làm ra được các sản phẩm khác như mỹ phẩm, nước hoa, tranh ảnh… hay không? Thái Lan thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ các DN lớn đầu ngành, vì vậy cần tạo điều kiện để TPHCM có những DN tương tự. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI