Sớm gỡ nút thắt cơ chế cho nghệ thuật đường phố

25/12/2024 - 06:34

PNO - TPHCM cùng với TP Hà Nội là 2 trung tâm lớn của đất nước về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội cho tới văn hóa, nghệ thuật. Nếu xét riêng về nghệ thuật đường phố ở TPHCM, tiềm năng phát triển là rất lớn nếu không muốn nói là thừa sức.

Hoạ sĩ graffiti Thảo Xeko đang thực hiện tác phẩm ở khu Bưu điện TPHCM trong khuôn khổ sự kiện Saigon Urban Street Fest by artLIVE mùa đầu tiên (năm 2023) - Ảnh: Diễm Mi
Hoạ sĩ graffiti Thảo Xeko đang thực hiện tác phẩm ở khu Bưu điện TPHCM trong khuôn khổ sự kiện Saigon Urban Street Fest by artLIVE mùa đầu tiên (năm 2023) - Ảnh: Diễm Mi

Chúng ta có đội ngũ nghệ sĩ trẻ rất tài năng, sáng tạo, có thể tiệm cận với nghệ sĩ quốc tế. Chúng ta cũng có một cộng đồng yêu thích các loại hình nghệ thuật đường phố, dù không quá lớn nhưng cũng không hề nhỏ. Về tài chính, tôi biết chắc rằng có rất nhiều nhãn hàng phù hợp hoặc các đơn vị, cá nhân sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động nhằm lan tỏa nghệ thuật đường phố như graffiti, nhảy, trượt ván, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc đường phố... đến với công chúng.

Không thiếu nhân lực, không thiếu tài chính nhưng điều mà nghệ thuật đường phố TPHCM đang thiếu là cơ chế để các hoạt động được diễn ra một cách “danh chính, ngôn thuận”. Nếu có cơ chế riêng để hỗ trợ sự phát triển của nghệ thuật đường phố ở TPHCM, tôi tin sẽ có những đơn vị chuyên nghiệp đứng ra tổ chức, kết nối các nghệ sĩ. Còn hiện tại, các hoạt động vẫn do một số cá nhân, tổ chức độc lập thực hiện, chưa thể tạo nên sự thay đổi toàn diện.

Tôi từng nhiều lần bàn với các nhà chuyên môn, các cơ quan có thẩm quyền về việc sẽ tổ chức một lễ hội nghệ thuật đường phố tại TPHCM. Ở đó không chỉ có âm nhạc mà còn có nghệ thuật sắp đặt, graffiti, trượt ván cùng nhiều loại hình nghệ thuật đường phố khác mà TPHCM đang có. Lễ hội đó sẽ diễn ra thường niên để các đơn vị khai thác du lịch xem đó là sản phẩm, đưa vào danh sách phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi đến TPHCM. Bàn bạc, lên ý tưởng đã lâu nhưng đến nay, mọi thứ vẫn chưa tiến triển do thiếu cơ chế cùng nhiều lý do khác.

Chưa cần nhìn sang các nước bạn, chỉ so riêng trong nước, lĩnh vực nghệ thuật của TPHCM cũng chưa có điểm nhấn như một số tỉnh, thành. Ở Huế, tôi thấy chương trình lễ hội đường phố trong khuôn khổ Tuần lễ festival nghệ thuật quốc tế Huế khá đặc sắc, khá hay. Còn ở Hà Nội, có những con đường hiện diện những bức tranh tường lớn, những con đường graffiti độc đáo, trở thành điểm check-in của giới trẻ.

Tôi kịch liệt phản đối kiểu vẽ nguệch ngoạc, bôi bẩn bởi không thể xem đó là tác phẩm. Nhưng nếu sở, ngành chức năng của thành phố tạo những sân chơi chính thống, dành những khu vực riêng cho nghệ sĩ graffiti thỏa sức sáng tạo thì tôi tin sẽ vừa hạn chế được tình trạng vẽ bậy, vừa thay đổi cách nhìn của cộng đồng với bộ môn vốn bị định kiến này.

Ở TPHCM, có nhiều con đường có thể trở thành không gian graffiti mà nhìn xa hơn, có thể trở thành điểm đến của khách du lịch, như đường Huyền Trân Công Chúa ở quận 1 hay đường Nguyễn Duy bên hông Trường đại học Mỹ thuật TPHCM. Với những bức tường bên đường trên toàn thành phố nói chung, nếu kêu gọi cộng đồng graffiti đích thực chung tay, tôi nghĩ có thể thay đổi diện mạo theo hướng giàu tính thẩm mỹ cho cả một đô thị lớn.

Đương nhiên, bất kỳ sự thay đổi hay chiến lược phát triển nào cũng cần thời gian hoạch định thành các cơ chế phù hợp để có thể đi đường dài, phù hợp với thời thế. Nhưng việc tập trung để làm nhanh, thực hiện sớm, tránh bỏ ngỏ tiềm năng cũng là cách để tận dụng những nguồn lực sẵn có. Như đã nói từ đầu, nghệ thuật đường phố ở TPHCM giàu tiềm năng, hoàn toàn có thể tạo thêm điểm nhấn, bản sắc cho thành phố và thu hút khách du lịch và sẽ khá đáng tiếc nếu không nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt về mặt cơ chế.


Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI