Sớm có chính sách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh

25/09/2023 - 06:39

PNO - Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 vừa được UBND TPHCM tổ chức ngày 15/9. Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM, tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 - cho biết diễn đàn này sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh ở TPHCM.

Phóng viên: Thưa ông, cơ sở nào để ông đưa ra nhận định như vậy?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Tất cả ý kiến tham gia diễn đàn - đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia quốc tế - đều nêu bật vai trò quan trọng của Nhà nước trong chuyển đổi xanh chứ không chỉ đề cập vai trò của doanh nghiệp và người dân. Hầu hết các quốc gia đều phải sử dụng ngân sách để hỗ trợ việc chuyển đổi. Chính quyền TPHCM có thể vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để thể hiện vai trò của Nhà nước trong công cuộc chuyển đổi xanh. 

Theo đó, chính quyền thành phố có thể giúp các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp chuyển sang sản xuất xanh, tái cấu trúc để hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động, dành ưu tiên cho những ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, tri thức cao. 

Chính quyền TPHCM có thể ban hành các loại phí, điều chỉnh mức thu phí để giảm phát thải rác nhựa, giảm lượng xe máy, tạo ra những tuyến đường mới, quỹ đất mới để mở rộng không gian đô thị, tạo thuận lợi để người dân chuyển đổi từ xe máy sang xe đạp, xe điện ở cự li gần. 
Nghị quyết 98 cho phép chính quyền TPHCM thí điểm cơ chế tài chính để thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon từ nguồn ngân sách nhà nước. Các ngành chức năng của TPHCM có thể phát triển giao thông đường thủy không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tính toán lại biểu giá năng lượng tái tạo để hấp dẫn và thu hút đầu tư phát triển năng lượng điện tái tạo gắn với xử lý rác. 

Tuyến xe buýt D4 - xe buýt điện đầu tiên của TPHCM - ẢNH: MINH LINH
Tuyến xe buýt D4 - xe buýt điện đầu tiên của TPHCM - Ảnh: MIinh Linh

UBND TPHCM cũng có thể tăng cường quy hoạch phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) để xây dựng đô thị mới, tích hợp hệ thống giao thông công cộng để tạo môi trường xanh, bền vững cho người dân. 

* Quá trình chuyển đổi xanh ở TPHCM gặp phải những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Việc sử dụng túi ni lông hiện nay quá phổ biến. Những điểm bán thức ăn nhanh, các chợ truyền thống sử dụng vật liệu nhựa, ni lông và thải rác nhựa khủng khiếp. Do đó, cần nghiên cứu kỹ và áp dụng việc thu phí hợp lý để giảm phát thải rác nhựa cũng như khuyến khích việc sử dụng túi thân thiện với môi trường. Colombia đã thu thuế sử dụng túi ni lông, mức thu tương đương 200-300 đồng/túi và mức thuế này tăng lên 50%/năm.

Hiện ở TPHCM, một số siêu thị sử dụng túi thân thiện môi trường nhưng giá bán cao, chỉ phù hợp với tầng lớp trung lưu trở lên. Nếu không có cơ chế hỗ trợ thì số đông người dân vẫn sẽ dùng túi ni lông. TPHCM cũng chỉ mới có 1 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng sạch, cần có cơ chế để nhân rộng loại hình này và khuyến khích người dân tham gia tích cực. 

Những điều này đòi hỏi Nhà nước phải tính toán về nguồn lực, ngân sách. Như trong giai đoạn 2019-2023, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ ngân sách 4 tỉ USD để chuyển đổi từ dùng túi ni lông sang túi thân thiện môi trường. Ở một số nước khác, chính phủ giảm thuế cho người mua xe điện, tạo cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho người đi xe đạp, xe điện, có nhiều địa chỉ để sạc điện. 

Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế làm suy giảm hệ sinh thái môi trường đa dạng, tức là kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chất lượng sống cao cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Cuối cùng, trong vai trò quản lý nhà nước, chính quyền TPHCM phải có chương trình giáo dục rất rộng cho cộng đồng về ý thức sử dụng tài nguyên, năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả, phân loại rác ngay tại nguồn. Trong quá trình định hình chính sách về chuyển đổi xanh - như thu thuế, phí, hỗ trợ tài chính để khuyến khích việc dùng phương tiện thân thiện môi trường - cần có sự tham gia, góp ý của người dân nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ. 

* Theo ông, chính quyền TPHCM có nên phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn cho quá trình chuyển đổi xanh?

- Trái phiếu xanh đã có trên thị trường nhưng chỉ huy động được vài trăm tỉ đồng/năm là do còn thiếu danh mục ngành nghề được xem là “xanh”, dẫn đến thiếu cơ sở, căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục. Chính quyền TPHCM có thể vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu xanh hoặc cho phép doanh nghiệp tự phát hành để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đốt rác phát điện, nạo vét kênh rạch, giao thông, hỗ trợ việc hạn chế sử dụng vật liệu nhựa.

* Xin cảm ơn ông. 

Thanh Hoa thực hiện

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI