Sợi tóc tỏ lòng son

20/02/2020 - 07:58

PNO - Vượt ngoài giá trị của sử liệu, 'Lê mạt sự ký' và 'Bắc hành lược ký' mang đến cho người đọc một góc nhìn khác về số phận của những bề tôi trung thành của Lê Chiêu Thống trong những tháng năm lưu vong phương Bắc.

 

 

Năm 2016, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính cho ra mắt cuốn sách khá đặc biệt với tên gọi Lê mạt sự ký, một công trình nghiên cứu liên quan đến lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, mà chủ đạo là sự suy tàn rồi diệt vong của triều đình nhà Lê.

Bằng việc tiếp cận, khai thác những ghi chép từ kho sử liệu của phía Trung Hoa, đặc biệt là những tư liệu liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt của nhà Thanh vào năm 1788, tiến trình công nhận triều đại Quang Trung và tiếp sau đó là triều Gia Long, đối sánh với những nguồn sử liệu trong nước, Nguyễn Duy Chính đã chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn cũng như sai lệch trong cách đánh giá và lý giải các sự kiện, nhân vật liên quan đến triều đại và thời kỳ lịch sử này, trong đó có hai cái tên nổi bật là Lê Chiêu Thống và Lê Quýnh.

Ta biết gì về Lê Chiêu Thống? Hầu như trong chính sử Việt Nam kể từ sau thời Gia Long cho đến hiện tại, Lê Chiêu Thống được ghi nhận với tội danh cầu viện nhà Thanh để lấy lại ngôi vua cho mình, được ví von bằng câu thành ngữ “cõng rắn cắn gà nhà”.

Tội danh ấy càng được khắc sâu hơn trong Hoàng Lê nhất thống chí, tập tiểu thuyết chương hồi của Ngô gia văn phái. Tác phẩm này đã tô đậm vẻ vang, hào hùng thêm cho chiến thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn trước cuộc xâm lăng của 50 vạn quân Thanh; cùng lúc đó cũng đã khắc sâu sự thảm hại của vua tôi nhà Lê trước thời cuộc.

Việc viện dẫn Hoàng Lê nhất thống chí cùng với việc thống nhất trong diễn giải so với các ghi chép sử của triều đình nhà Nguyễn, đã biến tác phẩm này từ chỗ một trước tác văn học trở thành một nguồn sử liệu khả tín cho các nghiên cứu và sách sử về sau, đồng thời “đóng đinh” những nhận định của nó vào các nhân vật liên quan.

Tuy nhiên, lịch sử luôn có những góc khuất và ngóc ngách khó ngờ của nó. Trong sử học hay bất cứ một môn khoa học nào khác, ta có thể khẳng định rằng không chỉ có đúng hoặc sai, không có cái chân lý tuyệt đối. Đó chính là động lực thúc đẩy người nghiên cứu sử luôn luôn đi tìm những chiều hướng tiếp cận mới, tư liệu mới, thậm chí khám phá những giai đoạn “khuyết sử” bằng tư liệu của nhiều phía, nhiều khu vực, để từ đó đưa ra những cái nhìn đa chiều, khách quan và sinh động hơn.  

Bắc hành lược ký đăng trong phần Hán văn trên Tạp chí Nam Phong năm 1928
Bắc hành lược ký đăng trong phần Hán văn trên Tạp chí Nam Phong năm 1928

Có thể gọi Lê mạt sự ký như một công trình “giải oan” cho Lê Chiêu Thống, một phần là bởi nội dung cuốn sách mang tính đối chiếu những dữ kiện lịch sử để từ đó chỉ ra sự vô can phần nào của nhân vật này đối với những biến cố dồn dập xảy đến trong vòng mấy mươi năm thay ngôi đổi chúa. Trong đó có cả việc quân Thanh vượt biên giới xâm lăng Đại Việt dưới danh nghĩa “nối lại giống dòng bị đứt” mà nguyên nhân chính yếu được những ngòi bút thời Tây Sơn lẫn sử quan triều Nguyễn quy kết để rồi trở thành tai tiếng không thể gột rửa được cho Lê Chiêu Thống lẫn các bồi thần trung thành với ông.

Ngoài ra, việc phản biện, đặt ra những nghi vấn đối với vài khoảng “khuyết sử” của Nguyễn Duy Chính cũng đồng thời mở ra thêm hướng tiếp cận và xét lại đối với một số vấn đề được coi như hiển nhiên trong sách vở và dư luận về quá trình chuyển tiếp quyền lực của những thế lực Lê, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn.

Đặc biệt, bên cạnh các tư liệu từ phía Trung Quốc, một trong những nguồn tư liệu đặc biệt được Nguyễn Duy Chính sử dụng là Bắc hành lược ký, hay còn gọi là Bắc hành tùng ký, tập “hồi ký chính trị” của Lê Quýnh - một trong những trung thần theo Lê Chiêu Thống lưu vong tại Trung Hoa.

Năm 1969, giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng công bố bản dịch và chú giải tập hồi ký này với tên gọi Bắc hành tùng ký, đăng trên tập san Sử Địa số 13, 14-15 và 16. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nguyễn Duy Chính, bản dịch và chú giải của giáo sư Hoàng Xuân Hãn “vẫn có những bất cập, chủ yếu vì ông không được tham khảo những văn kiện liên quan phía nhà Thanh mà chỉ suy luận dựa trên những chi tiết vốn có trong sử/dã sử/tiểu thuyết của nước ta nên không phản ánh đúng tình hình lúc bấy giờ”.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến Nguyễn Duy Chính đã tiến hành việc dịch và chú giải lần nữa tập hồi ký của Lê Quýnh. Bản dịch này dựa trên bản nền Bắc hành lược ký được đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1928, đối chiếu với các bản lưu trữ tại Viện Hán Nôm và bản được in trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san xuất bản năm 1986 tại Paris. Bản chú giải cũng dựa trên những tư liệu khai thác mới đã được sử dụng tham khảo trong những công trình liên quan trước đó của chính tác giả.

Tranh vẽ cảnh vua Lê thiết triều thế kỷ XVIII của Samuel Baron
Tranh vẽ cảnh vua Lê thiết triều thế kỷ XVIII của Samuel Baron

Bắc hành lược ký gần như là một sự bổ trợ cho Lê mạt sự ký. Nếu ở Lê mạt sự ký, người đọc tiếp cận với một đại cảnh lịch sử với đầy những biến động mà những con người như Lê Chiêu Thống hay Lê Quýnh là một phần trong đó thì ở Bắc hành lược ký, ta lại được tiếp cận lịch sử ở một góc độ mang tính cá nhân. Điều đặc biệt, cá nhân đó là Lê Quýnh, một kẻ trong cuộc, dự phần trực tiếp trong những biến cố lịch sử của thời đại mình. Chính vì là một kẻ dự phần, tập hồi ký của Lê Quýnh đã cho ta thấy được rất nhiều điều mà chính sử không nhắc đến. Ví dụ như hoàn cảnh, sinh hoạt của vua tôi Lê Chiêu Thống trong hơn mười năm lưu vong trên đất Trung Hoa.

Trong Bắc hành lược ký, quãng đời của những kẻ lưu vong đó, quả thật, khác với những gì mà ta có thể nghĩ. Nó chứa đầy những phẫn hận, của niềm hy vọng khôi phục vương triều cũ thi thoảng được nhen nhóm rồi vùi dập. Một đoàn vua tôi chịu cảnh tan tác, kiềm tỏa trên đất người, bị coi như những quân tốt thí trên bàn cờ chính trị giữa Trung Hoa và Đại Việt, để rồi sau chót, bị vứt ra bên lề rồi “trở thành vô can đối với những biến chuyển, đổi thay ở trong nước”.

Khí tiết và lòng trung thành của những tòng thần tận trung với vua, chấp nhận cảnh tù đày khắc nghiệt hơn mười năm ròng để giữ phong tục nước cũ chứ nhất quyết không chịu gióc tóc đổi áo theo lệ Mãn Thanh như Lê Quýnh, rất ít ai biết đến. Tình cảnh bi đát cùng những điều chưa từng được làm sáng tỏ trong đời Lê Chiêu Thống, sử sách sau triều Nguyễn không được ai nói đến.

Nó nằm ở một phần lịch sử khác, phần lịch sử của những người thua cuộc. Phần lịch sử của những người “nói lên được nhiều điều chúng ta cần biết”.

Vạn Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI