Sôi nổi âm nhạc cổ động SEA Games 31

20/05/2022 - 07:08

PNO - SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam trở thành đề tài cho nhiều nhạc sĩ sáng tác. Loạt ca khúc mới đều nhằm cổ vũ tinh thần thi đấu của vận động viên, ngợi ca tình yêu thể thao và lòng mến khách của người dân Việt.

Đen Vâu và nhạc sĩ Trần Tiến cổ động SEA Games 31 trong Đi trong mùa hè
Đen Vâu và nhạc sĩ Trần Tiến cổ động SEA Games 31 trong Đi trong mùa hè

Âm nhạc giàu năng lượng

Trước mỗi sự kiện mang tầm quốc gia, khu vực, giới nghệ sĩ thường không đứng ngoài cuộc. Với kỳ SEA Games 31 đang tổ chức tại Việt Nam, các loại hình nghệ thuật, nhất là âm nhạc, đã thể hiện sự nhanh nhạy trong việc khai thác chủ đề mang tính thời sự này. Nhiều ca khúc đã kịp chào sân, tạo nên khí thế mới cho thế vận hội thể thao mang tầm khu vực.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường giới thiệu nhạc phẩm Hành trình một niềm tin. Ý tưởng viết nên ca khúc này hình thành từ mười năm trước, khi nam nhạc sĩ dành tình yêu lớn cho thể thao, song song với công việc sáng tác hiện tại. Đến nay, trước sự kiện thể thao lớn, anh muốn cổ vũ các vận động viên nước nhà cố gắng thi đấu, mang vinh quang về cho đất nước và cho cá nhân họ. 

“Ca khúc này là món quà dành cho nỗ lực của các vận động viên Việt Nam đang từng ngày, từng giờ, cống hiến để ghi danh hai tiếng Việt Nam trên trường thể thao quốc tế. Dấu ấn Việt Nam, tinh thần Việt Nam được thể hiện giản dị bằng âm nhạc, bằng những hình ảnh chân thực, hạn chế kỹ xảo và các hiệu ứng”, nam nhạc sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Kiến Ninh giới thiệu ca khúc Ngày vinh quang gọi tên quy tụ giọng ca của nhiều nghệ sĩ gạo cội như Trần Hiếu, Quang Thọ, Quốc Hưng, Hồng Liên... Ca sĩ Phan Đinh Tùng hát ca khúc Hàng triệu con tim. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Karik và Only C kết hợp trong ca khúc Việt Nam hết mình. Rapper Đen Vâu ra mắt MV Đi trong mùa hè kết hợp cùng nhạc sĩ Trần Tiến. Bên cạnh những sáng tác mới, nhiều ca sĩ chọn thể hiện lại các ca khúc cũ như Đan Trường hát Bài ca cổ động viên (Lương Bằng Quang sáng tác) ra đời từ gần 20 năm trước; cựu vận động viên Thúy Hiền hát Đường đến ngày vinh quang (nhạc sĩ Trần Lập).

Các ca sĩ tham gia thể hiện ca khúc Let’s shine.
Các ca sĩ tham gia thể hiện ca khúc Let’s shine.

Trong chuỗi ca khúc cổ động cho SEA Games 31, Let’s shine - bài hát chủ đề của sự kiện do nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác được chú ý. Từ trước khi buổi khai mạc diễn ra, bản audio và MV của ca khúc Let’s shine được đăng tải trên YouTube. So với các ca khúc khác, sáng tác của nhạc sĩ Huy Tuấn mở rộng hơn về chủ đề, khi không chỉ cổ vũ vận động viên trong nước mà còn hướng đến các nước bạn, ngợi ca tinh thần thể thao cao thượng, vì sự phát triển chung của thể thao khu vực. Let’s shine có sự tham gia của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương, Văn Mai Hương, Isaac và rapper Đen Vâu.

Đời sống của ca khúc cổ động

Ngay khi Let’s shine ra mắt, ca khúc nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những lời khen, không ít bình luận cho rằng ca từ, giai điệu còn an toàn, chưa có sự đột phá, chưa xứng tầm với sự kiện. Người nghe mang ca khúc Vì một thế giới ngày mai - bài hát chủ đề của SEA Games 22 từng tổ chức tại Việt Nam cách đây 19 năm ra để so sánh. Và, một bộ phận khán giả nói rằng họ yêu mến ca khúc cũ hơn, vì giai điệu mộc mạc, lời nhạc dễ thấm hơn bản phối phức tạp và lời nhạc nửa Anh, nửa Việt của nhạc sĩ Huy Tuấn.

Ca khúc  Let’s shine:

Chia sẻ về ý kiến của khán giả, nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết anh không bất ngờ trước những khen chê của khán giả: “Khi sáng tác, tôi dành trọn tâm huyết và sự tập trung cho sản phẩm. Let’s shine không đơn thuần viết ra để kịp sự kiện thời sự, mà trong đó còn có tình cảm của tôi, một người yêu thể thao và muốn gửi lời động viên đến những người thi đấu. Tôi không bất ngờ khi có người chê ca khúc, vì khó có một sản phẩm nào đáp ứng được mọi yêu cầu của người nghe. Cho nên với tôi, lời khen chê ở đây đều mang tính tham khảo là chính”.

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết khi sáng tác Let’s shine, anh không quan tâm nhiều đến các yếu tố cộng thêm để một ca khúc cổ động có đời sống lâu dài hơn trên thị trường. Nói thẳng ra, anh không tính toán và đặt quá nhiều mục tiêu cho sản phẩm. Anh chỉ nỗ lực thể hiện trọn vẹn ca khúc như mình mong muốn, chưa suy nghĩ đến đời sống của tác phẩm khi sự kiện kết thúc.

Đối với các ca khúc cổ động, việc vừa đảm bảo nội dung phải thể hiện thông điệp, tác động tích cực đến xã hội, vừa đủ hấp dẫn về âm nhạc, bắt tai là bài toán khá khó, không phải nhạc sĩ nào cũng giải quyết rốt ráo. Do đó, trong kỳ SEA Games 31 này, âm nhạc không thiếu, nhưng nếu cần chọn ra một ca khúc vượt trội, tiêu biểu lại không dễ.

Xét về độ bắt tai, ca khúc Việt Nam hết mình của ca sĩ Hoàng Thùy Linh kết hợp cùng Karik và Only C là sản phẩm phù hợp với xu hướng nghe, nhìn hiện tại của khán giả trẻ. Nhưng đây lại là sản phẩm do nhãn hàng thực hiện. Còn Hành trình một niềm tin của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường dù không bắt tai bằng, nhưng sản phẩm này hội tụ nhiều yếu tố mang tính phổ quát, dễ tiếp cận đến những người nghe lớn tuổi hơn. Âm nhạc sôi động và lời hát tạo nhiều hứng khởi.

Ca khúc Ngày vinh quang gọi tên:

 

Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, càng nhiều bài hát cổ vũ SEA Games càng tốt, vì chúng cho thấy cả nước đang cùng hướng về các vận động viên và cổ vũ họ thi đấu hết mình. Khoan bàn về đời sống lâu dài của tác phẩm, bởi với tính chất của ca khúc cổ động, thì hiệu quả tức thời, tác động ngay thời điểm ra mắt quan trọng hơn. Yếu tố tuổi thọ chỉ là yếu tố cộng thêm. Như ca khúc Ghen Cô Vy của nhạc sĩ Khắc Hưng từng ra mắt khiến truyền thông quốc tế quan tâm, nhưng đến nay, không nhiều người còn nhắc đến nữa, dù trong cao điểm dịch, bài hát này vô cùng hot.

Tán thành ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường rằng trước thế vận hội lớn, càng nhiều ca khúc càng tốt. Nhưng giá như, những ca khúc đó được cân bằng giữa nội dung phải truyền tải, và âm nhạc tiệm cận với giới trẻ hiện thời, thì hiệu quả sẽ cao hơn. Còn nếu nhạc cổ động làm theo mô-típ cũ, khuôn mẫu, thì dù số lượng áp đảo cũng khó để lại ấn tượng với người nghe. 

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI