Soi "kèo" tứ kết World Cup 2022

08/12/2022 - 16:22

PNO - Vòng tứ kết World Cup 2022 có 2 trận đấu giữa 4 đội có cùng đẳng cấp: Argentina với Hà Lan và Anh gặp Pháp.

Hà Lan có cái tên “Cơn lốc màu da cam” bắt đầu từ World Cup năm 1974.

Khi đó Hà Lan thi đấu với chiến thuật tổng hợp: tất cả tràn lên tấn công và tất cả cùng kéo về phòng thủ. Cơn lốc màu da cam cuốn phăng tất cả trên đường di chuyển vào chung kết. Lốc chỉ chịu dừng lại khi nó tự biến mình thành cơn gió thoảng.

World Cup 1978 Hà Lan cũng đã mất chức vô địch vào tay đội tuyển Argentina, đội chủ nhà, cũng chỉ vì không duy trì thế tấn công suốt trận.

Argentina và Hà Lan đúng là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Ảnh AP
Argentina và Hà Lan ngang sức ngang tài -  Ảnh: AP

Xét về truyền thống Hà Lan có  “Vua Johan Cruyff” thì Argentina có “Hoàng đế bóng đá - Maradona”, người mà chỉ có vua bóng đá Pélé mới có thể xứng tầm để so sánh. Xét về thành tích Argentina hơn hẳn Hà Lan với 2 lần vô địch World Cup. Trong khi Hà Lan chỉ đạt đến ngôi vị á quân là cao nhất.

Trong giải này Argentina có siêu sao L.Messi. Dù anh ấy đã qua thời đỉnh cao nhưng kỹ thuật đi bóng, sút bóng của anh không mấy cầu thủ làm được tương tự. Hơn thế nữa quanh anh có “đội ngũ cận vệ” cả già, lẫn trẻ như Di Maria, Otamendi, Mac Alister, Alvares…. Họ sẵn sàng bảo vệ anh trước “lời ong tiếng ve”, quấy nhiễu sự tập trung chơi bóng của anh, cũng như tiếp sức cùng anh "nã" bóng vào khung thành của bất kỳ đối thủ nào.

Hà Lan không có siêu sao. Trong những chiếc áo màu da cam, màu hoàng gia của họ, là các ngôi sao: Dumfries, Depay, Blind Noppert, Van Dijk, Ake, De Jong, Gakpo… chờ dịp tỏa sáng. 

Huấn luyện viên Louis Van Gaal vẫn điềm tĩnh, lầm lì, đầy toan tính trên băng ghế chỉ đạo. Khán giả chưa thấy ông để lại dấu ấn gì đặc biệt, khi các trận đấu trước Hà Lan dễ dàng có được điều mình mong muốn.

Anh tự hào là quốc gia sản sinh ra môn bóng đá. Trong khi ông Jules Rimet - người Pháp lại có công tổ chức hệ thống thi đấu World Cup. Anh và Pháp có nền bóng đá vững chắc. Hệ thống bóng đá xây dựng từ thấp đến cao, từ các học viện đào tạo tài năng trẻ đến các giải đấu phóng trào, chuyên nghiệp, từ các câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư cho đến các câu lạc bộ hàng đầu châu lục.

Anh và Pháp không lúc nào thiếu các cầu thủ tài năng. Và họ cũng không ít lần đụng độ nhau trên khắp các đấu trường có mặt 2 đội. Pháp có hai lần vô địch World Cup năm 1998 và 2018, đương kim vô địch.  Anh chỉ có một lần năm 1966.

Trong thành phần cầu thủ hiện nay đội Pháp có nhiều cầu thủ ngôi sao. Mặc dù Benzema, Pogba, Kante,…không thi đấu vì chấn thương nhưng Pháp vẫn còn đó Mbapee, Giroud, Griezman, Varane, Pavard,… Đặc biệt những cầu thủ trẻ như Tchouameni, Konate, Thuram bước đầu đã chứng tỏ khả năng của họ.

Các cầu thủ của Anh hầu hết đá trong nước (trừ Bellingham đang đá cho Borussia Dortmund) cho các câu lạc bộ hàng đầu như Manchester City, Manchester United, Liverpool, Arsenal, Tottenham…là một lợi thế so với đội Pháp, khi cầu thủ của họ đang thi đấu khắp châu Âu.

Anh không có siêu sao tầm cở Mbapee nhưng các tên như Sterling, Rashford, Saka, Grialish và đặc biệt là Harry Kane đang đóng vai trò quan trọng trong các câu lạc bộ họ đang thi đấu.  Đến nay Anh đã có 8 cầu thủ ghi bàn với tổng số 12 bàn và thủng lưới 2 bàn. Trong khi đó Pháp chỉ có 3 cầu thủ ghi bàn, có được 9 bàn và thủng lưới 4 bàn, trong đó Mbapee ghi được 5 bàn, Giroud ghi được 3 bàn.

Như vậy tính ra, Pháp khó lòng hạn chế khả năng ghi bàn của Anh còn Anh chỉ cần kềm chế Mbapee và Giroud thì có thể không bị thủng lưới. Tuy nhiên, đối với các đội tầm cỡ như Anh và Pháp họ chỉ thật sự là chính mình khi gặp khó khăn. Trận đấu giữa Anh và Pháp là cơ hội để 2 đội thể hiện.  

Có cơ hội nào để Hà Lan phục thù Argentina? Trận thư hùng giữa hai thế lực bóng đá hùng mạnh của châu Âu sẽ như thế nào?

Câu trả lời chính xác chỉ có sau trận đấu.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI