Sôi động thị trường phim ngoại nhập

26/12/2024 - 06:21

PNO - Ngoài những tên tuổi lớn quen thuộc, thị trường phim ngoại nhập vài năm gần đây đã xuất hiện thêm các đơn vị mới, khiến lượng phim ngoại đổ về Việt Nam thêm đa dạng.

Trải nghiệm khác biệt cho khán giả

Bước sang năm mới 2025, rạp Việt đón chào nhiều phim ngoại thuộc đề tài gia đình, hài kịch và âm nhạc thú vị. “Bữa tiệc khai vị” năm mới bắt đầu bằng bộ phim Thái Lan Trẻ trâu không đùa được đâu (khởi chiếu ngày 1/1/2025). Nội dung phim xoay quanh Song, một học sinh cấp II mê âm nhạc nên cùng những người bạn nối khố thành lập ban nhạc. Bộ phim này đánh dấu sự chào sân của Truyền thông Khang - cái tên mới tham gia thị trường phim nhập. Sau phim này, đơn vị công bố kế hoạch nhập thêm một loạt phim Thái Lan gồm Rider: Giao hàng cho ma (ngày 14/2), Muay Thai Hustle (tháng 3), Tình người duyên ma 2025 (tháng 6) và phim Hồng Kông (ngày 7/3).

404 Chạy ngay đi là phim Thái Lan mới nhất có bản lồng tiếng - Nguồn ảnh: Galaxy
404 Chạy ngay đi là phim Thái Lan mới nhất có bản lồng tiếng - Nguồn ảnh: Galaxy

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh - Giám đốc điều hành Truyền thông Khang - chia sẻ lý do tham gia lĩnh vực phim nhập: “Sau phim Hai Muối, tôi có điều kiện tham khảo sâu rộng hơn về điện ảnh, đi một số liên hoan phim học hỏi và thấy có nguồn phim để trao đổi. Phim Việt Nam sản xuất hiện có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khán giả. Hiện nay, 1 tuần chưa có tới 1 phim Việt mới ra rạp là quá ít. Qua đợt cinetour phim Hai Muối, tôi thấy thành phần khán giả có sự đa dạng, chọn lựa của họ cũng đa dạng. Có những mảng đề tài chúng ta chưa làm mà nguồn phim nước ngoài thì có. Là đơn vị đi sau nên bước đầu tôi chọn những phim đang là gu của khán giả như phim Hàn, phim Thái, phim ma. Điện ảnh Thái không chỉ có dòng phim mạnh nhất là kinh dị mà còn có những phim đi sâu về cảm xúc gia đình, tình bạn. Truyền thông Khang tập trung khai thác dòng phim này”.

Một số đơn vị khác như Blue Lantern, Production Q, Aeon Beta... cũng vừa tham gia lĩnh vực này. Mỗi đơn vị có tiêu chí chọn phim, mục tiêu khán giả khác nhau. Đại diện nhà sản xuất Hoàng Quân (Production Q) cho biết: “Công ty nhập trung bình từ 3-4 phim/năm, với 2 thể loại chính là kinh dị và hoạt hình. Trong năm tới, chúng tôi đang cân nhắc tăng tần suất nhập phim tùy vào tình hình thị trường và tiềm năng của từng dự án”. Sự tham gia của nhiều đơn vị nhập phim giúp khán giả được trải nghiệm nhiều thể loại, nhất là những dòng phim trong nước thiếu hụt như hoạt hình, phim cho tuổi mới lớn.

Điện ảnh châu Á đổ bộ

Điện ảnh Đông Nam Á, nhất là Thái Lan, Indonesia, đang được thế giới nhìn nhận có nhiều sự bứt phá. Với sự tương đồng, gần gũi về văn hóa, những bộ phim từ 2 nước này hợp gu khán giả Việt nên thường được các nhà nhập phim chọn mua. Ngoài ra, còn có phim Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc. Theo đại diện một đơn vị nhập phim, nhiều hãng phim nước ngoài do tên tuổi còn mới nên chào giá rất hữu nghị, chủ yếu chỉ cần phim được chiếu ở nước ngoài, vì đó cũng là cách họ quảng bá thương hiệu. Thời gian gần đây, điện ảnh Thái Lan nổi lên ở thị trường Việt Nam, rất nhiều phim đạt doanh thu cao, khiến giá mua bản quyền phim cũng tăng đáng kể. Một nhà phát hành cho biết phim Thái Lan “hot” giá nhập có thể lên đến 1 triệu USD, trong khi trước đây chỉ vài trăm ngàn USD.

Phim Trẻ trâu không đùa được đâu của  Thái Lan do Truyền thông Khang nhập khẩu - Nguồn ảnh: Truyền thông Khang
Phim Trẻ trâu không đùa được đâu của Thái Lan do Truyền thông Khang nhập khẩu - Nguồn ảnh: Truyền thông Khang

Để mua được phim ăn khách, ngoài việc phải có uy tín, bên mua còn phải cam kết doanh thu nên luôn có kế hoạch quảng bá rầm rộ. Việc đầu tư kinh phí mời các diễn viên lồng tiếng cho nhiều phim ngoại gần đây cũng là cách quảng bá hữu hiệu. Ngoài dòng phim Thái Lan, Hàn Quốc, dự báo sắp tới phim Nhật Bản cũng sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam sau cái bắt tay giữa Beta Media (Việt Nam) và Aeon Entertainment (Nhật Bản) với thương hiệu Aeon Beta. Một trong những lĩnh vực hoạt động của Aeon Beta là phát hành các bộ phim nội, Nhật Bản và quốc tế tại thị trường Việt Nam.

Trong số những đơn vị tham gia nhập phim có cả những nhà sản xuất phim Việt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những phim giá nhập chỉ vài ngàn USD, cộng thêm phí phát hành, quảng bá chỉ tốn tổng cộng khoảng 100-200 triệu đồng. Khi ra rạp, khả năng huề vốn khá dễ dàng, nhất là với phim kinh dị. Thời gian qua, phim kinh dị nhỏ lẻ với chất lượng “thượng vàng hạ cám” bùng phát ở rạp Việt cũng có lý do. So với việc bỏ tiền làm phim Việt, kinh doanh phim nhập ít rủi ro hơn. Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh nói: “Tôi biết có nhiều đồng nghiệp làm phim xong nhiều năm rồi nhưng chưa dám chiếu, vì phải tốn thêm phí phát hành, truyền thông. Ở Việt Nam, làm một bộ phim coi được tốn tầm 15-20 tỉ đồng, chưa kể tiền phát hành, quảng bá. Vừa rồi, nhiều phim doanh thu không đến 1 tỉ đồng, xem như mất trắng. Phim Hai Muối may mắn huề vốn. Phim nhập thì chỉ cần nằm trong tốp 10 là mình đã dễ thở”.

Ngoài bài toán kinh tế, tham gia lĩnh vực nhập phim cũng đem lại cái lợi khác. Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ: “Dù nhập phim không phải là hoạt động chính, chúng tôi đã đạt được những kết quả khá tích cực. Hiệu quả kinh doanh của các bộ phim nhập về đều đạt mức huề vốn trở lên. Quan trọng hơn, chúng tôi đã khai thác được thế mạnh của đội ngũ marketing phim nội bộ, tạo nên những chiến dịch quảng bá hiệu quả. Chúng tôi cũng có thêm nhiều kinh nghiệm - từ việc kết nối với các đơn vị, đối tác lớn ở các thị trường quốc tế đến việc học hỏi xu hướng điện ảnh toàn cầu, giúp chúng tôi mở rộng tầm nhìn, có cái nhìn sâu sắc hơn về cả phim Việt lẫn thị trường thế giới”.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI