Soi đèn tìm chữ trên non

14/10/2022 - 06:30

PNO - Những lớp học trong đêm ở H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã được tổ chức thường xuyên trong gần mười năm qua...

Những lớp học trong đêm vẫn sáng đèn từ dãy núi này qua dãy núi khác. Sau khi rời lớp học xóa mù chữ, nhiều người đã biết cách tìm kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Và cũng nhờ biết chữ, bà con đã có thể tham gia phát triển du lịch cộng đồng. 

Học để khỏi xấu hổ với con cháu

Sùng A Chua (xã Dế Xu Phình, H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) làm ông nội, ông ngoại đã mười mấy năm. Các cháu của ông đều đã lớn lộc ngộc, đang học Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dế Xu Phình. Các con trai, con gái của ông dù bỏ ngang tuổi học, nhưng đứa nào cũng theo đến lớp Tám, lớp Chín.

Chị Múi phải đưa đứa con út cùng đến lớp học xóa mù chữ - Ảnh: Q.N.
Chị Múi phải đưa đứa con út cùng đến lớp học xóa mù chữ - Ảnh: Q.N.

Như thế là hơn hẳn vợ chồng A Chua rồi, vì vợ chồng ông suốt bao năm có biết chữ nào đâu. Mấy năm qua, cả hai vợ chồng A Chua đều được các thầy cô vận động đến lớp học xóa mù chữ. Mãi rồi vợ A Chua cũng gật đầu, tối tối xách đèn đi bộ đến lớp. Cuối tuần, mấy đứa cháu rời trường bán trú về nhà, đứa nọ, đứa kia lại thay nhau dạy bà nội đánh vần từng con chữ.

Đến khi vợ A Chua biết đọc sách báo, đọc chữ trên ti vi, biết lướt cả Facebook rồi mà một chữ bẻ đôi A Chua cũng chưa biết. Cháu nội, cháu ngoại, rồi cả vợ con cùng trêu chọc, A Chua xấu hổ quá, bèn nói với trưởng bản “khi nào lại có lớp buổi tối thì cho mình đăng ký học”.

A Chua chất hai bao tải táo mèo lên yên chiếc xe Win, chằng buộc cẩn thận rồi cả người và xe nhấp nhô trên con đường đất gồ ghề, uốn qua những thửa ruộng bậc thang vàng hươm lúa chín. Hôm nay, chợ huyện đến phiên họp. A Chua cười bảo: “Mang giấy bút đi là mình cũng tính tiền được. Từ ngày mình đi học, vợ, con không phải đi chợ theo để tính tiền nữa”.

Đến chợ huyện, người đàn ông Mông nắn nót viết trọng lượng của từng bao tải táo mèo, cộng lại rồi nhân với giá bán 12.300 đồng/kg. A Chua đếm tiền, thật thà nói: “Lúc đầu, ngại đi học lắm. Không phải mình ngại học đâu. Tại ở nhà nhiều việc quá, mình ngồi học mà cứ nghĩ đến các việc khác. Nhưng cũng phải cố thôi, cho con cháu đỡ cười. Mà mình không biết chữ, đi bán hàng, người ta có trả đúng tiền không mình cũng không biết được. Mình đã hoàn thành khảo sát mức độ một của lớp xóa mù chữ rồi đấy” - A Chua khoe.

Cách nhà A Chua hơn 500km, Chìu Thị Múi (xã Đồng Tâm, H.Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) cũng mới tham gia lớp học xóa mù chữ được mấy tháng nay. Thứ Hai đến thứ Sáu, cơm nước xong xuôi, Múi lại địu đứa con út cùng chồng và mấy đứa lớn rọi đèn pin đến Nhà văn hóa thôn Ngàn Vàng Trên. Múi khoe: “Năm ngoái, mình học lớp xóa mù chữ mức độ một (biết chữ) ở điểm trường Phiêng Sáp (Trường tiểu học Đồng Tâm). Bây giờ, mình học lớp xóa mù chữ mức độ hai (sau biết chữ)”. 

Trong Nhà văn hóa thôn Ngàn Vàng Trên, Múi cùng hơn 20 học viên được cô giáo Nông Thị Lan dạy cách nhân, chia nhiều chữ số. Một tay ôm con - đứa bé ngủ ngoan trong lòng mẹ - một tay cầm bút, bà mẹ 38 tuổi, người Dao thủ thỉ: “Ngày trước, nhà mình đông anh chị em, nghèo lắm, ăn còn không đủ nên mình không được đến trường. Lúc hết nghèo, có điện thoại thông minh thì không biết chữ để đọc trên mạng, cũng không biết nhắn tin. Bao nhiêu năm không biết chữ, lần nào lên xã làm giấy tờ mình cũng phải dắt con theo để nó viết chữ hộ. Hôm nào nó đi học thì nhờ cán bộ xã viết. Giờ thì mình tự làm được hết rồi” - chị Múi kể.

Biết chữ để phát triển kinh tế

Xã Mường Hoa nằm thơ mộng trong thung lũng Mường Hoa của thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). 19 giờ 30 phút, Sùng Thị Dở khoác tay người yêu rộn ràng đến lớp xóa mù chữ. Cô gái tuổi 17, gương mặt trăng rằm ửng hồng trong sương lạnh cuối thu. Dở nói năng lưu loát, tự tin. Ở cái đất du lịch này, trẻ con, thanh niên Mông nói tiếng Anh như tiếng Mông; nhưng tiếng Việt lại ngọng nghịu, chữ viết thì hầu như không biết. Dở bảo có lẽ do mình cùng không ít thanh thiếu niên khác sớm kiếm được tiền từ du lịch, lại ham chơi hơn ham học; cha mẹ cũng thấy thế nên chẳng ai nghĩ đến việc cho con đến trường.

Ở Bình Liêu, không khó để thấy nhiều thế hệ trong gia đình cùng đến lớp học xóa mù chữ - Ảnh: Q.N.
Ở Bình Liêu, không khó để thấy nhiều thế hệ trong gia đình cùng đến lớp học xóa mù chữ - Ảnh: Q.N.

Ngày trước, cán bộ thôn, xã, rồi thầy cô giáo đến nhà vận động mấy lần nhưng Dở vẫn thấy không cần phải biết chữ. Đến khi dịch COVID-19 làm chững lại lượng khách quốc tế, nhưng khách du lịch trong nước lại dần tăng. Dở cùng nhiều gia đình trong bản Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa mới nhận ra: không biết tiếng Việt thì làm sao giao tiếp với khách Việt qua mạng xã hội được. Thế là Dở cùng người yêu quyết tâm đi học. Khách lưu trú ở nhà Dở chưa nhiều được như những gia đình khác, nhưng Dở quyết tâm: “Từ giờ đến cuối năm, em sẽ đọc thông viết thạo và sử dụng được các mạng xã hội thông dụng. Những người học lớp xóa mù chữ trước em - các anh chị ấy quảng bá văn hóa Mông, cảnh đẹp Mường Hoa qua Facebook giỏi lắm”. 

Với Sùng A Chua và những thành viên của các lớp xóa mù chữ ở Dế Xu Phình, thì việc biết đọc, biết viết đã giúp họ chăm sóc tốt hơn cây sơn tra - loại cây xóa đói giảm nghèo của người Mông. A Chua bảo suốt bao năm, cây sơn tra cứ đứng trên núi, trên đồi; đến kỳ thì ra hoa, kết trái rồi bà con vác gùi ra thu hoạch.

Nhưng sau này, cán bộ hướng dẫn, bà con lại biết đọc, biết viết gần hết nên bảo nhau tìm đọc tài liệu hướng dẫn thâm canh, nhân giống loại cây này để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. A Chua gật gù: “Cả nuôi lợn, chăn gà cũng học từ trên mạng, mỗi ngày một ít; chúng nó không toi nhiều như ngày trước đâu. Học chữ lắm lúc cũng nản chứ, nhưng mà biết đọc cái chữ rồi thì thấy biết đọc, biết viết sao mà hay thế”.

Từ TP.Yên Bái lên H.Mù Cang Chải, quãng đường còn xa xôi, trúc trắc hơn về TP.Hà Nội. Hơn 90% dân số Mù Cang Chải là người Mông, rải rác trên những sườn núi cheo leo. Có khi từ đường lớn, phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ trên con đường đất vào hút trong núi mới đến một bản làng. Bình Liêu là huyện cực Bắc của tỉnh Quảng Ninh và cũng là huyện biên giới của tổ quốc. 94% dân số Bình Liêu thuộc các cộng đồng thiểu số, đường sá từ trung tâm xã xuống thôn bản cũng ngoặn ngoèo; thế nên, việc xóa mù chữ ở Mù Cang Chải, ở Bình Liêu cũng như nhiều huyện miền núi khác vẫn là công cuộc trường kỳ. 

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Những lớp học trong đêm ở H.Mù Cang Chải đã được tổ chức thường xuyên trong gần mười năm qua. Gần 2.000 học viên học lớp xóa mù chữ mức độ một và khoảng 200 học viên tham gia các lớp xóa mù chữ mức độ hai. Những con số khiêm tốn, nhưng là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Đặc biệt, đó là nỗ lực của chính những học viên đã lên ông, lên bà, cả cuộc đời chỉ biết cầm cuốc. 

Ông Chang A Sồng - Phó chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình - chia sẻ: “Vận động học sinh ra lớp, đến trường thường xuyên đã khó; vận động được phụ huynh đi học và đi học đủ còn khó hơn. Các thầy cô của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dế Xu Phình không chỉ dạy chữ, mà còn phải thường xuyên đến từng nhà trò chuyện, động viên cả con cái lẫn cha mẹ, ông bà đi học đều. So với các xã khác trong huyện, bây giờ số người chưa biết chữ ở Dế Xu Phình là ít nhất đấy” - ông Sồng phấn khởi nói.

Những năm qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực xóa nạn mù chữ trên cả nước nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một; 44/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ hai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu đến năm 2025: 99,5% trong độ tuổi từ 15-35 và 97,5% trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ một; 98% trong độ tuổi từ 15-35 và 95% trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ hai. Trong đó, ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI