Sợi dây yêu thương

15/01/2016 - 13:27

PNO - Sợi dây yêu thương kết nối ông bà và con cháu, không thể đổ thừa cho khoảng cách không gian, thời gian và hoàn cảnh làm gián đoạn, đứt gãy.

Má bệnh nặng, tôi xin nghỉ phép về quê chăm sóc má. Qua ba ngày, may mắn là bệnh của má đỡ dần. Cuối tuần, chồng tôi dắt bé Na về thăm bà ngoại. Con bé đứng ở cửa phòng nhìn vào. Mặc ba đùn đẩy, mẹ ra lệnh, bé Na chỉ bước lên vài bước, e dè nhìn bà ngoại chứ không chịu lại gần.

Má tôi nhớ cháu, vẫy tay gọi âu yếm: “Lại đây bà ngoại hôn cái coi. Con chó con này, ngoại nhớ con quá”. Bé Na miễn cưỡng đến bên bà, đợi bà hôn xong liền bước lui lại. Tôi sợ má buồn nên ra lệnh cho Na: “Con ôm bà ngoại, hôn ngoại đi, chúc ngoại mau lành bệnh”. Con bé sợ mẹ, len lén nhìn. Mãi Na mới chịu đến bên bà nhưng mắt ngó xuống đất, miệng ấp úng không rõ lời, khiến tôi tức điên.

Soi day yeu thuong
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tôi định lôi con ra ngoài mắng cho một trận thì cửa phòng mở. Chị hàng xóm của má đến thăm, dắt theo đứa bé trạc tuổi Na. Thằng bé nhanh nhẹn chạy ào vào ôm chầm lấy má tôi, miệng tía lia: “Bà Bảy! Sao bà Bảy bệnh vậy? Bà khỏe chưa? Bà mau mau về với con nha”.

Má tôi cảm động ôm lấy thằng bé. Nhìn cảnh thằng bé tỏ ra thân thiết với má tôi, tôi không khỏi xấu hổ. Tôi tự biện minh, thằng bé ở gần nhà má, ra vô gặp mặt hàng ngày nên thân tình. Mẹ con tôi ở xa má hơn 100 cây số. Bé Na ít khi được gặp bà ngoại nên tình cảm lợt lạt. Dù tự an ủi vậy, nhưng tôi biết rõ mình và chồng đã không biết cách dạy con.

Lúc tôi sinh bé Na, má lên ở với tôi để đỡ đần. Một tay má ẵm bồng, thay tã, cho Na bú bình. Na được đầy năm, má phải về quê. Thỉnh thoảng má lên thăm, bé Na đi nhà trẻ về thì lo xem ti vi hoặc chơi bán đồ hàng với các bé hàng xóm.

Má tôi cho quà bánh, con bé nhận xong liền chạy ra chỗ khác chơi. Má tôi dụ đủ kiểu, Na mới chịu để bà nựng, để bà chơi cùng. Tình cảm bà cháu vừa chạm ngưỡng thân thiết thì má tôi trở về quê. Mấy lần tôi dắt con về quê cũng vậy, Na chưa kịp quen hơi bén tiếng bà ngoại, đã phải trở lại Sài Gòn.

Những nhịp-đứt-gãy-tình thương đó khiến Na chưa cảm nhận được sợi dây ruột rà thiêng liêng giữa hai bà cháu. Tôi ở giữa, lại vô tình không tác động, cũng không khuyến khích con thân thiết với bà. Thêm khoảng cách không gian và thời gian đã đẩy mối quan hệ bà cháu ngày càng xa.

Má tôi ở miền Tây, vài tháng lên thăm một lần mà bé Na vẫn e dè với bà, chẳ ng trách mỗi lần ông bà nội từ Bắc vào chơi, Na càng xa cách như người lạ. Tôi sợ ông bà buồn, nên bảo Na hôn ông bà. Con bé miễn cưỡng làm cho có lệ. Tôi la mắng con. Na khóc ầm ĩ, khiến tình hình càng tệ. Chồng tôi chống chế: “Ông bà đừng giận cháu. Tại cháu còn nhỏ, chưa hiểu chuyện”

Tôi và chồng bận rộn, không để ý lắm đến việc con mình lơ là dần với người ruột thịt. Chúng tôi nghĩ đơn giản, con nít nào cũng vậy, lớn lên được ăn học tới nơi tới chốn, bôn ba trường đời, tự khắc biết lễ nghĩa, biết yêu thương và trân quý người thân.

Đến hôm nay, khi bà ngoại bệnh, nhìn biểu hiện của con, tôi mới phát hoảng khi thấy con vô cảm. Tôi đau lòng nghĩ mai này con lớn lên, dù học hành giỏi giang, công danh thành đạt, nhưng con không biết yêu thương những người xung quanh, sao có thể là một người hạnh phúc? Mà, mầm yêu thương nếu ba mẹ không gieo trong con từ lúc bé thơ, lớn lên sao có thể đâm chồi nảy lộc?

Anh chị Bình hàng xóm quê miền Trung, mỗi lần ông bà vào thăm, bé Bin con của anh chị mừng rỡ, líu lo ôm lấy ông bà. Quan sát cách anh chị dạy con, tôi sáng ra nhiều điều.

Những ngày có ông bà ở chơi, buổi tối chị Bình không mở ti vi. Cả nhà quây quần bên nhau ấm cúng. Bé Bin ngồi trong lòng bà, nghe bà kể chuyện, hoặc có khi bé cùng ông chơi xếp hình, lắp ráp xe hơi, chơi cờ… những chuyện mà tôi chưa từng dạy con chơi cùng ông bà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI