Sợi dây oan nghiệt

14/10/2013 - 19:45

PNO - PN - Tháng 8/2013, cả nước Anh bàng hoàng với thông tin cô học sinh 14 tuổi Hannah Smith tự treo cổ chết trong phòng ngủ của mình ở thị trấn Lutterworth, Leicestershire, chỉ vì bị “ném đá” trên trang mạng Ask.fm.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Điều khiến người ta khó hiểu là sau cái chết của Hannah Smith, Ask.fm lại xác định Hannah đã tự “ném đá” mình trên mạng trước khi tìm đến cái chết. Tất nhiên, không chỉ những người thân của Hannah căm phẫn trước cáo buộc đó mà người ngoài cũng không thể lý giải được tại sao Ask.fm lại đưa ra một cáo buộc như vậy. Những người quản lý trang mạng này cho biết: “Chúng tôi rà soát lại mọi địa chỉ IP và phát hiện cô bé đã đưa ra những lời xúc phạm nặng nề nhất với chính mình trước khi tự tìm đến cái chết. Có đến 98% những lời nhắn đả kích nặng nề đối với Hannah phát xuất từ địa chỉ IP trong máy vi tính của cô. Chỉ có bốn mẩu được đưa lên là từ địa chỉ IP khác”.

Soi day oan nghiet

Hannah Smith, nạn nhân của Ask.fm

Trách nhiệm thuộc về ai?

Với nhiều người, đây là một cách để Ask.fm rũ bỏ trách nhiệm về cái chết của Hannah. Tính cả trường hợp của Hannah Smith, đã có bốn trẻ tuổi teen ở Anh và Ireland tự hủy hoại mình vì bị “ném đá” tương tự Hannah ở các mạng xã hội. Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng yêu cầu các bậc cha mẹ ngăn con mình dùng trang Ask.fm, một trang chuyên về hỏi đáp rất được giới trẻ châu Âu yêu thích. Ước tính, có đến 60 triệu người, hầu hết ở tuổi teen, sử dụng trang này. Ask.fm cho phép người sử dụng đặt câu hỏi về mọi chuyện trên đời, cho phép họ kết bạn và trò chuyện với thành viên khác mà không cần nêu danh tánh cụ thể, kể cả việc “ném đá” nhau.

Điều tra về cái chết của Hannah, cảnh sát Anh xác định, một cậu bé 16 tuổi là người đã tung ra những lời xấu xa với Hannah một ngày trước cái chết của cô. Danh tánh của cậu bé này không được tiết lộ, nhưng ông David Smith - bố của Hannah - cho rằng: “Dù xử lý cậu bé này thế nào thì cũng chẳng thể làm sự việc khác đi. Vấn đề là kiểm soát được những trang mạng kiểu này”. Đó là lý do ông David muốn gặp cậu bé người Bỉ này để tìm hiểu vì lý do gì cậu ta lại công kích Hannah, chứ không muốn kiện tụng. Lúc đầu, cậu ta hứa sẽ liên hệ với ông nhưng sau đó lại đổi ý.

Không ít tin nhắn mà Hannah nhận được trước khi chết kêu gọi cô hãy tự giết mình - chắc chắn ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của cô. Georgia Clarke, bạn thân của Hannah, tiết lộ với hãng tin Sky News: “Ban đầu Hannah cố làm ngơ những tin nhắn bậy bạ, nhưng không hiểu sao bạn ấy lại đi đến quyết định tự sát”.

Cái chết của Hannah Smith đã làm dấy lên câu hỏi “Sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ ở lứa tuổi này tự tìm đến cái chết oan uổng nữa, nếu không có biện pháp ngăn ngừa nào được thực hiện?”. Thực tế cho thấy, đang có một trào lưu “thóa mạ” đáng ngại trên các trang mạng xã hội, khi ai cũng có thể ngồi trước màn hình vi tính, nói văng mạng những gì mình muốn, bất chấp điều đó có thể gây tổn hại đến người khác, thậm chí tước đi mạng sống của một đứa trẻ.

Điều đáng nói là ông David từng nhắc nhở Hannah không dùng trang mạng Ask.fm nữa sau khi nhận được khuyến cáo từ trường học. Cô bé đã hứa với bố nhưng sau đó lại mở một tài khoản Twitter mới để từ đó truy cập vào Ask.fm mà bố và chị mình không biết.

Soi day oan nghiet

Đám tang của Hannah Smith - Ảnh: Guardian

Soi day oan nghiet

Cha mẹ Hannah đau đớn vì mất con - Ảnh: Mirror

Sẽ còn tái diễn

Trong khi đó, Ludmila Terebin - mẹ của những người sáng lập trang Ask.fm vào năm 2010, cho rằng không thể đổ lỗi về cái chết của Hannah cho các con của bà. “Chúng đã phạm tội gì? Tôi nghĩ thay vì tìm người đổ lỗi, các bậc cha mẹ phải tự trách mình trước. Chính cách họ nuôi dưỡng và giáo dục con mình đã dẫn đến thảm kịch đó. Lẽ ra, họ phải biết lo lắng khi con mình cứ ở lì trên mạng”. Hai người con của bà Ludmila là Marks Terebins và Ilja Terebins cùng người bạn Oskars Liepio đã sáng lập Ask.fm, trang mạng có doanh thu đến hàng triệu USD.

Theo tờ Guardian, Ask.fm được tuổi teen ưa thích vì trên trang mạng này, chúng được tự do kết bạn, được xem những thông tin giật gân về giới showbiz, có quyền tự do bình phẩm và “mắng mỏ” bất cứ ai mà không cần phải tiết lộ điều gì về cá nhân. Cũng nhờ không kiểm soát chặt chẽ người dùng, Ask.fm trở thành một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất châu Âu mà theo Guardian, mỗi ngày có thể kết nạp thêm 200.000 thành viên mới. “Vấn đề chỉ là không thể biết tính xác thực từ những thông tin của Ask.fm cao đến đâu, cũng như không ai dự báo được tác hại của Ask.fm và vô số trang mạng xã hội tương tự đang tồn tại”, tờ Guardian viết.

Trong một nỗ lực nhằm yêu cầu chính phủ Anh tăng cường các biện pháp ngăn ngừa việc “ném đá” trên mạng, những người thường xuyên sử dụng internet đã viết một thư thỉnh nguyện đến Bộ Văn hóa, truyền thông và thể thao, yêu cầu “Ask.fm và các trang mạng tương tự phải có trách nhiệm giúp phụ huynh bảo vệ con cái”. Sở dĩ có thư thỉnh cầu này vì quy định của Ask.fm rất đơn giản: “mọi người từ 13 tuổi trở lên đều có thể post bài lên một cách nặc danh và sẽ không có việc ngăn chặn post của người khác”. Rõ ràng, với quy định của Ask.fm, nếu không có biện pháp hạn chế sẽ còn gây nhiều tổn hại cho cộng đồng.

“Trường hợp Hannah Smith là thêm một lời cảnh báo đối với các bậc cha mẹ”, bà Julie Lynn Evans nói. Là chuyên viên tâm lý ở Anh, thường xuyên chữa trị cho những bệnh nhân trẻ tuổi mắc chứng rối loạn tâm lý, bà Evans cho biết: “Phòng tư vấn của tôi cũng như của các đồng nghiệp luôn đầy bệnh nhân tuổi teen. Tôi thấy rất rõ là giờ chúng luôn tỏ ra kém hạnh phúc hơn những bệnh nhân cùng lứa tuổi cách nay 10 năm. Nhiều trẻ luôn lộ rõ vẻ lo lắng trên nét mặt. Điều gì đã xảy ra với chúng? Đó không phải là chuyện dễ lý giải nhưng chắc chắn các bậc cha mẹ cũng có một phần trách nhiệm”.

Sinh kế đã khiến nhiều bậc cha mẹ không còn thời gian gần gũi con, như trường hợp gia đình Smith. Ông David là tài xế xe tải, thường xuyên vắng nhà. Dù được cảnh báo về tác hại của những trang mạng như Ask.fm và đã tìm cách ngăn cấm con nhưng ông vẫn không thể kiểm soát được việc Hannah có còn lén lút truy cập trang mạng này không. Thảm kịch đã xảy ra và chẳng ai dám chắc trong tương lai, thảm kịch này có còn đến với gia đình nào khác nữa không.

 THIỆN NGA

Kỳ tới: Trách nhiệm của mạng xã hội?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI