Sợi chỉ hồng giữa lòng phố thị

04/05/2024 - 11:09

PNO - Cái chết của cô gái ở Hà Nội sau gần 2 năm mới được phát hiện đã gây rúng động xã hội. Tình làng nghĩa xóm ở phố thị được đặt ra. Phải chăng sự kết nối xóm giềng ở các đô thị lớn không tồn tại?

Người lớn tuổi thân nhau ngoài đời

13g, cả dãy lầu 2, block A, chung cư Lê Thành, phường An Lạc, quận Bình Tân đang yên ắng thì tiếng hét phát ra từ một căn hộ ở đầu dãy: “Cứu với, cứu với bà con ơi”. Vợ chồng chị Thùy ở cách đó 4 căn, không kịp mang dép, chạy ra xem thì thấy bé Lạc - 3 tuổi - đang bị co giật.

Bà ngoại bé quýnh quáng, vừa ôm cháu vừa khóc, gào lên: “Tỉnh lại con ơi! Tỉnh đi con ơi!”. Chị Thùy hỏi nhanh, biết bé Lạc bị sốt co giật, chị kêu người nhà pha nước ấm. Nhưng bà ngoại và chị bé Lạc quá mất bình tĩnh nên chị Thùy kêu chồng về pha nước rồi chị bồng bé Lạc chạy về nhà mình.

Chị đặt bé vào thau nước ấm vừa được chồng pha sẵn và nhanh tay vỗ nước vào chân, tay, lưng, ngực, đỉnh đầu của bé. Vài phút sau bé đã tỉnh lại, đảo mắt nhìn quanh và ri rỉ khóc.

Một số gia đình ở lầu 2 chung cư Lê Thành về thăm quê của một người chung dãy
Một số gia đình ở lầu 2 chung cư Lê Thành về thăm quê của một người chung dãy

Sau sự việc, 2 nhà trở nên thân thiết. Bà ngoại bé Lạc cứ nhắc: “Lần đầu tôi gặp cảnh này, không biết phải làm sao, cứ tưởng con bé đã có chuyện. May mà có cô Thùy giúp. Tôi sợ, ám ảnh đến cả tuần sau ngủ còn giật mình”.

Chị Thùy cho biết, tầng chung cư của chị, mọi người đều biết nhau và vài ngày không gặp nhau thì câu chào sẽ luôn là “lâu quá mới gặp chị/em”. Bà ngoại bé Lạc lớn tuổi ở nhà giữ cháu và chị Thùy làm việc tại nhà là “linh hồn” của sự kết nối cả tầng.

“Tầng của tôi có 8 căn hộ, 8 nhà không quá thân thiết, nhưng vẫn luôn có sự kết nối với nhau. Như gần đây, có một bà mẹ ở Phú Yên gọi cho tôi (qua Facebook) vì đã 4 ngày không liên lạc được với con trai. Tôi đã qua nhà cậu hàng xóm báo tin. Cậu ấy cho biết điện thoại bị hư, đem sửa chưa lấy về và sau đó cậu đã gọi điện về cho gia đình. Chúng tôi tôn trọng sự riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, nhưng vẫn có sự quan tâm để giúp đỡ, hỗ trợ khi cần thiết” - chị Thùy nói.

Cũng tại chung cư Lê Thành, hội "những bà nội, bà ngoại" rời quê ra phố chăm cháu chơi thân với nhau. Mỗi sáng, sau khi các cháu đi học, đi nhà trẻ thì các bà tập hợp ở công viên của chung cư để tập thể dục hoặc đi tập yoga. Những ai có cháu nhỏ thì điểm hẹn là nơi tắm nắng các bé. Vừa giữ cháu, các bà kể 1.001 chuyện chăm cháu, chồng con và cả nỗi niềm xa quê. Tuy nhiên, nhờ có "hội bà ngoại, bà nội" mà mọi người có thêm niềm vui nơi đất khách quê người và đỡ nhớ nhà.

Bà Ba - cô giáo về hưu từ Quảng Ngãi vào TPHCM giữ cháu đã 12 năm - chia sẻ: "Lúc mới vào tôi buồn lắm. Nhớ nhà, nhớ quê và lo cho ông xã ở nhà một mình. Nhưng 3 đứa cháu còn nhỏ nên ở lại chăm giúp con gái. May mà có chị em cùng cảnh, có chuyện gì chúng tôi cũng chia sẻ với nhau và sáng cuối tuần "ra ca" giữ cháu, mấy bạn già tụ họp ăn sáng, uống cà phê, lâu lâu rủ nhau đi xem phim, đi siêu thị".

Người trẻ kết nối trên không gian mạng

Ở các khu dân cư, chung cư, nếu người lớn tuổi giao tiếp, qua lại với nhau ở ngoài đời thì sự kết nối của người trẻ hầu như chỉ diễn ra trên không gian mạng. Ở chung cư B.C.A., TP Thủ Đức, những cặp vợ chồng trẻ và họ đi làm cả ngày nên hàng xóm hầu như không trò chuyện với nhau.

Thế nhưng, trên group chung của chung cư, họ chuyện trò khá xôm tụ và rất quan tâm nhau. Khi chị M. nhắn tin hỏi: “Em bị té xe, phải đi nạng. Có nhà nào có nạng cho em mượn với”. Vài phút sau, 1 người nhắn địa chỉ nhà và dặn: “Tối 7g lên nhà mình lấy nhé”. Hay chú bảo vệ của chung cư bị mất chiếc xe máy, 1 người nhắn tin lên group kêu gọi giúp đỡ. Chỉ sau vài ngày, chú bảo vệ trực tiếp nhắn tin cảm ơn và “xin dừng nhận sự giúp đỡ vì đã nhận đủ tiền mua lại xe”.

Tương tự, ở chung cư cao cấp S.G.S., quận 7, cư dân cũng hầu hết là vợ chồng trẻ và người độc thân. Ngoài đời, mọi người có thể lướt qua nhau. Thế nhưng, group chung cư lại rất tình cảm. Dù giờ làm việc hay lúc nửa đêm, chỉ một người nhắn tin: “Con em bị ho, khàn giọng cả tuần nay, uống thuốc không hết. Có mẹ nào có kinh nghiệm trị bệnh này chỉ em với”. Lập tức, hàng chục địa chỉ bác sĩ giỏi, bài thuốc dân gian hay, cách chăm sóc được các cư dân chỉ dẫn nhiệt tình.

Hiện nay, nhìn giao tiếp bề ngoài ở thành thị, có thể không thấy sự vồ vập, thân thiện giữa những người hàng xóm, khi cánh cổng mỗi nhà hầu như luôn được khép chặt. Thế nhưng, không thể nhìn vào đó để cho rằng sự kết nối của hàng xóm rời rạc hay không tồn tại.

Theo chị Thu Hiền, sống ở chung cư H.Đ., quận 3: “Công nghệ số phát triển nên giao tiếp cũng phụ thuộc nhiều vào đó. Tình làng nghĩa xóm ở phố thị không mất đi mà chỉ chuyển đổi hình thái giao tiếp và mọi người vẫn luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ nhau.

Chỉ mong một ngày, sự thân thiện, sự quan tâm đó, sẽ “offline”. Mọi người sẽ dành thời gian cho nhau nhiều hơn nữa, bởi dẫu sao, sự kết nối ngoài đời thực, cũng khiến con người cảm thấy ấm áp hơn”.

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Giang 06-05-2024 14:08:19

    Hàng xóm nhà tôi tổ chức ăn nhậu kết nối, tôi chẳng thích chút nào. có đàn ông không thì đỡ, còn thêm mấy mụ đàn bà nập nà, nập nợn... cũng ăn nhậu, ca hát... đến 11 giờ đêm... ban đầu, tôi không quan tâm, nhưng sau phát hiện ra vì mình quá dễ dàng, chồng mình quá cả nể mấy người này, không biết từ chối, từ rủ rê ăn nhậu, rồi tổ chức đi chơi xa, rồi chở một người ly dị đi chơi vườn trái cây;-(... rồi nhắn tin. phát hiện ra, tôi làm dữ, cấm chồng tham gia tụ tập ăn nhậu mà có đàn bà, có những mụ nạ dòng rảnh rỗi như vậy. Chồng tôi cũng biết lỗi, giờ chỉ thỉnh thoảng nhậu với đàn ông... mà tôi cũng chẳng thích ảnh nhậu. Tôi tuyên bố: anh đã bị loét bao tử, nếu anh chết vì xuất huyết bao tử do ăn nhậu, em sẽ lấy chồng khác. Ráo hoảnh ;-(... Rượu, bia làm con người bớt người đi, hãy hạn chế đi mọi người ơi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI