PNO - PN - Trước tình hình bệnh sởi đang “gây bão”, số tử vong liên quan đến sởi đã trên 100 ca khiến nhiều phụ huynh hối hả đưa con đi chích ngừa. Thế nhưng, nhiều trạm y tế vẫn "đủng đỉnh" chích ngừa duy nhất một ngày trong...
edf40wrjww2tblPage:Content
Kéo dài thời gian chích ngừa khiến dịch tăng nhanh
Dù TP.HCM đã chuẩn bị đến 100.000 liều vắc-xin sởi chích ngừa miễn phí nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn dè dặt. Thay vào đó, họ đưa con đi chích vắc-xin dịch vụ (ngừa ba bệnh: sởi, quai bị, rubella).
Sáng 19/4, hàng ngàn người đã đưa con đến Viện Pasteur TP.HCM, trong đó rất nhiều trẻ được chích vắc-xin sởi dịch vụ. Tình trạng xếp hàng gửi xe kéo dài đến hàng trăm mét, tràn ra giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chúng tôi lấy số thứ tự lúc 8g nhưng nhận đến số 1.549 và chỉ mới 8g30, bảo vệ đã phát loa thông báo: “hết số thứ tự, 13g quay lại”. Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khi chúng tôi hỏi vắc-xin sởi dịch vụ, nhân viên ở đây cho biết: “Đã hết vắc-xin, thứ Hai anh gọi lại nhưng có thể đến tháng Năm mới có vắc-xin”. Tình trạng hết vắc-xin cũng diễn ra tương tự tại BV Nhi Đồng 1; riêng BV Nhi Đồng 2 còn khoảng 700 liều vắc-xin dịch vụ.
Với hy vọng ngăn chặn tình trạng trẻ mắc bệnh sởi đang tăng nhanh, từ ngày 7/3, TP.HCM đã triển khai xuống tận các trạm y tế phường/xã chương trình tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ dưới ba tuổi chưa tiêm ngừa hoặc tiêm không đủ mũi. Mỗi trạm y tế sẽ chích ngừa vào thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phường/xã đã không thực hiện tiêm chủng vào ngày cuối tuần, có nơi chỉ tổ chức tiêm chủng đúng một ngày trong tháng. Phản ảnh với Báo Phụ Nữ, anh Nguyến Tiến Sơn (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết: “Chiều 18/4, tôi đưa con đến trạm y tế P.1, Q.Bình Thạnh chích ngừa mũi sởi vét nhưng ở đây thông báo là chỉ chích vào ngày 5 và 15 hàng tháng. Nếu hai ngày này rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật thì lịch chích ngừa sẽ dời lại trước hoặc sau đó một ngày. Do tôi đến sau ngày 15/4 nên phải đợi đến ngày 5/5 mới được chích. Nếu đợi đến hơn nửa tháng sau mới chích thì quá lâu và nguy hiểm vì dịch sởi đang tràn lan, tôi không yên tâm”.
Chiều 18/4, chúng tôi đưa người nhà đến trạm y tế P.7, Q.Phú Nhuận để chích vét vắc-xin sởi, nhưng trạm y tế vắng tanh. Một nhân viên ở đây cho biết: “Nếu anh muốn chích cho bé tại trạm này, phải đợi đến ngày 7/5, vì chúng tôi mới chích ngừa xong vào ngày 7/4. Mỗi tháng, trạm chỉ chích duy nhất một ngày”. Khi chúng tôi hỏi còn trạm y tế nào ở Q.Phú Nhuận chích ngừa nữa không, nhân viên này lắc đầu: “Hiện Q.Phú Nhuận không còn trạm nào chích ngừa từ đây cho đến hết tháng Tư. Quận có 15 trạm y tế, mỗi trạm chỉ tổ chức chích ngừa một ngày nên trong vòng nửa tháng đã hết lịch tiêm chủng”.
Hàng trăm người chen nhau gửi xe để vào Viện Pasteur TP.HCM chích ngừa (Ảnh chụp sáng 19/4)
Yên tâm với vắc-xin miễn phí
Bác sĩ Tống Thanh Sơn, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM khuyên: Bệnh sởi đang lây lan nhanh, số trẻ tử vong đã nhiều, phụ huynh phải nhanh chóng chích vắc-xin cho trẻ, không nên phân vân là vắc-xin miễn phí hay dịch vụ. Nếu vắc-xin miễn phí quy định chích lúc chín tháng tuổi, 15 tháng tuổi thì vắc-xin dịch vụ quy định chích lúc 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, do môi trường dịch tễ của Việt Nam là đến 30% trẻ mắc bệnh sởi khi chưa đến 12 tháng tuổi và thường bị rất nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngay vắc-xin miễn phí. Nếu chích vắc-xin miễn phí thì phải chích nhắc lại lúc trẻ 15 tháng tuổi. Còn với vắc-xin dịch vụ, trẻ chỉ cần chích lúc 12 tháng tuổi. Dù trẻ chích vắc-xin dịch vụ hay miễn phí thì ba năm sau cũng phải chích nhắc lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, người dân yên tâm với vắc-xin miễn phí vì Việt Nam đã thực hiện chích vắc-xin này hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa ghi nhận có ca tai biến nào. Ngành y tế cũng đã huấn luyện cho nhân viên y tế các trạm cách tiêm chủng, kiểm tra nơi bảo quản vắc-xin… Bất kỳ trẻ đang cư trú hay tạm trú tại TP.HCM đều được quyền chích vét vắc-xin ngừa sởi. Người dân có thể chọn bất cứ trạm y tế nào để thực hiện tiêm chủng, thường vào thứ Sáu, thứ Bảy mỗi tuần. Những trẻ từng chích vắc-xin dịch vụ hay miễn phí đều được tham gia chích vét, nhưng mũi chích sau phải cách mũi trước ít nhất một tháng. Khi đi tiêm chủng, phụ huynh phải đem theo sổ tiêm chủng để bác sĩ biết trẻ đó đã từng chích mấy mũi, chích vào lúc nào. Riêng với việc các trạm y tế một tháng chích một - hai lần, theo BS Nguyễn Trí Dũng, có thể do địa bàn ít dân nên trạm chủ động ngày chích. Hiện TP.HCM đã chích được 62.000 liều vắc-xin sởi trong chương trình tiêm vét, chiếm 62% trẻ cần được chích bổ sung, dự kiến đến cuối tháng Tư sẽ đạt được 95% kế hoạch đặt ra.
Cũng theo bác sĩ Tống Thanh Sơn, cha mẹ cần báo cho bác sĩ tạm hoãn chích ngừa khi trẻ đang bị sốt, ho, sổ mũi… hoặc các bệnh lý viêm nhiễm cấp tính như mắc bệnh đường tiêu hóa; đang uống thuốc ức chế miễn dịch điều trị các bệnh lý mạn tính như: suyễn, hội chứng thận hư… Đặc biệt, một số trẻ chống chỉ định chích ngừa như: sốc phản vệ khi ăn trứng (không phải dạng bị dị ứng nhẹ với trứng), sốc phản vệ với chất neomycin trong thuốc nhỏ mắt, trẻ bị bệnh lý suy giảm miễn dịch ác tính như: ung thư, các bệnh lý ác tính về máu. Sau khi chích vắc-xin, phụ huynh cho trẻ ngồi lại nơi tiêm chủng 30 phút để theo dõi các dị ứng nặng hay nguy cơ sốc phản vệ. Các biểu hiện của sốc phản vệ thường là: tím tái, đỏ da, khó thở, nôn ói, tiêu chảy. Nếu không có các triệu chứng này, trẻ tiếp tục được theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ tiếp theo. Nếu cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện nổi sẩn dị ứng ngoài da, sốt kéo dài 48 giờ, sốt co giật, bé quấy khóc liên tục ba giờ vẫn không dỗ được, nôn ói nhiều lần, khó thở… cần đưa ngay vào bệnh viện.
Hoàng Sa
Thêm 186 ca sởi mới
Theo Bộ Y tế, trong hai ngày 19 và 20/4, cả nước ghi nhận thêm 186 trường hợp mới mắc sởi. Hà Nội có một bệnh nhi mới 15 ngày tuổi đã mắc sởi tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đây cũng là trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghi nhận từ đầu vụ dịch sởi đến nay. Trong ngày, tại Bệnh viện nhi Trung ương, có một trường hợp bệnh nặng xin về, và một trường hợp tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi trên toàn quốc đến ngày 20/4 là 57,5%. Theo báo cáo nhanh, có 22 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi đến ngày 19/4 đạt dưới 50%, trong đó có ba tỉnh chưa báo cáo số liệu tỷ lệ tiêm chủng là Quảng Bình, Đà Nẵng và Bạc Liêu. Tại Hà Nội, từ ngày 20/4, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tiêm phòng miễn phí vắc-xin sởi cho trẻ nhỏ dưới sáu tuổi.