“Ăn” hay “thua” không chỉ phụ thuộc điểm thi cao hay thấp mà còn tính toán trúng hay trật.
|
Phụ huynh, học sinh tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển tại gian hàng của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) để tìm cơ hội trúng tuyển đại học |
Tuyển nhầm hơn bỏ sót!
Theo thông báo mới nhất của Trường đại học (ĐH) Quốc tế Hồng Bàng, năm 2018, trường xét tuyển ĐH theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ. Đối với phương thức xét tuyển dùng kết quả kỳ thi THPT, chỉ có một ngành xét tuyển từ mức 18 điểm, một ngành 13 điểm, còn lại 29/31 ngành xét tuyển từ mức 12 điểm, kể cả khối ngành khoa học sức khỏe. Cụ thể, ngành răng hàm mặt là ngành duy nhất có “sàn” 18 điểm, ngành dược là 13 điểm. Còn lại các ngành: điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đều có “sàn” xét tuyển là 12 điểm.
Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên xác định điểm sàn cho 17 ngành đào tạo cũng rất thấp. Trong đó, tám ngành có mức điểm 13; chín ngành còn lại là 12 điểm.
Mức 12-13 điểm cho ba môn thi được đánh giá là quá “bèo”, không ai nghĩ vào ĐH lại dễ dàng đến thế. Thế nhưng, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung thông báo xét tuyển ở mức từ 11 điểm từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia và mới đây đã điều chỉnh lên 12 điểm.
Việc xác định ngưỡng điểm “gác cửa” đầu vào có cũng như không, các chuyên gia tuyển sinh khẳng định, đây là chiêu “thà tuyển nhầm người thiếu năng lực, chứ không bỏ sót thí sinh” dù điểm cao hay thấp. Cách này chỉ có giá trị tuyển đủ chỉ tiêu, vấn đề chất lượng rất khó đảm bảo. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nhận định: ba môn thi 11-12 điểm thật sự quá thấp, dư luận rất nghi ngại về khả năng tiếp thu, học tập bậc ĐH của những thí sinh này. Thấp nhất cũng nên xác định điểm sàn ở mức 13 điểm.
Chuyên viên tuyển sinh của một trường ĐH ngoài công lập kể: “Tôi vừa tư vấn cho một trường hợp rất sốc: điểm thi THPT môn toán 2,5; văn 3; ngoại ngữ 2; địa 2; sử 2; công dân 6,5. Nghe điểm xong, tôi đinh ninh là em rớt chắc tốt nghiệp THPT thì khỏi xét tuyển nữa. Thế nhưng, em ấy đậu tốt nghiệp nhờ điểm học trung bình ở trường các môn đều trên 6,5. Trớ trêu là với học lực trung bình gần 7,0, em ấy đủ điều kiện xét tuyển học bạ vào trường tôi, có lẽ cũng sẽ đậu”.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đặt câu hỏi: điểm sàn có ý nghĩa gì với thí sinh và phụ huynh không? Khi mà điểm sàn chỉ sử dụng cho xét tuyển dùng điểm THPT quốc gia. Với các trường ĐH có xét tuyển bằng học bạ thì điểm sàn gần như vô nghĩa, mất tác dụng bởi có rớt điểm thi thì cũng đậu bằng học bạ, dù điểm thi có “bèo” cỡ nào.
Cần cân nhắc kỹ
Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển thấp nhưng cũng không dễ tính toán để trúng tuyển. Chẳng hạn, ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có mức điểm sàn rất dễ thở là 18 điểm, nhưng nếu thí sinh cao hơn mức điểm này chừng 5-6 điểm cũng chưa chắc đậu. Hãy nhìn vào điểm chuẩn của ngành này qua các năm đều cao chót vót và không có dấu hiệu “hạ nhiệt”; điểm chuẩn năm 2017 là 26 điểm, năm trước đó nữa là 23 điểm… Bởi vậy, điểm đủ sàn có nên xét tuyển hay không là thắc mắc mà đến các chuyên gia tuyển sinh dày dạn kinh nghiệm cũng không thể trả lời chắc chắn. Trừ hao bao nhiêu là vừa, không mất cơ hội oan uổng… thật sự là bài toán đố còn khó hơn cả đề thi năm nay.
Thạc sĩ Phùng Quán cho rằng: điểm sàn hiện nay các trường ĐH phải công bố theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các trường tạm ước số lượng thí sinh sẽ vào trường để đưa ra điểm sàn giúp học sinh lượng sức mình, có sự điều chỉnh phù hợp để có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Thế nhưng, khi các trường ĐH đưa ra điểm sàn, phụ huynh và học sinh rối lên, hiểu lầm dẫn đến lựa chọn không tốt. Tốt nhất, các trường ĐH nên cung cấp điểm chuẩn 2-3 năm gần đây cho phụ huynh và thí sinh để phụ huynh, học sinh đánh giá lại năng lực rồi quyết định có thay đổi nguyện vọng hay không, bắt đầu từ ngày 19/7.
Trường lớn cũng tranh thủ… hạ “sàn”
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là ĐH đầu tiên thông báo điều chỉnh điểm “sàn” các ngành. Trong thông báo mới, nhà trường cho biết, mức điểm nhận hồ sơ sẽ khác nhau tùy theo ngành và dao động trong khoảng 15-17 điểm. Trong đó, ngành công nghệ thực phẩm có điểm nhận hồ sơ cao nhất là 17. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường, cho biết: theo dự đoán, mức điểm phổ biến năm nay vẫn là 5-6 điểm, do đó khả năng điểm chuẩn cũng sẽ tương đương năm ngoái. Chúng tôi đưa ra điểm sàn nhận hồ sơ theo hướng điều chỉnh nhằm sát hơn với tình hình thí sinh đăng ký nguyện vọng và điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành.
Mới đây, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cũng đưa ra thông báo điều chỉnh điểm sàn tuyển sinh ĐH chính quy xét tuyển đợt 1 dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Theo nhà trường, sau khi thí sinh thi xong kỳ thi THPT quốc gia 2018 với đề thi khó, trường quyết định điều chỉnh ngưỡng điểm xuống thấp. Chẳng hạn như các ngành: y khoa, răng hàm mặt, dược học từ 22,5 điểm xuống còn 18 điểm, tức giảm 4,5 điểm so với mức điểm đưa ra trong đề án tuyển sinh năm 2018 công bố trước đó. Các ngành còn lại ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển cũng giảm 2 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cũng dự kiến sẽ điều chỉnh ngưỡng điểm đã công bố. Trong đề án tuyển sinh, trường thông báo nhận hồ sơ tất cả các ngành từ 15 điểm trở lên. Dự kiến, nhà trường có phương án điều chỉnh theo hướng xác định lại cho từng ngành hoặc nhóm ngành cụ thể. Nếu phổ điểm thi thấp như dự đoán, một số ngành ít thí sinh đăng ký sẽ có điểm nhận hồ sơ dưới 15 điểm. Các ngành còn lại có thể dao động từ 16-17 điểm.
Trường ĐH Mở TP.HCM có mức điểm nhận đăng ký xét tuyển ĐH chính quy đợt 1 cho tất cả các tổ hợp môn của các ngành tuyển sinh hệ đại trà và chất lượng cao là 15 điểm (chưa nhân hệ số). Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng xác định mức điểm sàn từ 15-18 điểm tùy ngành.
Gia Tuệ