Thế nhưng không ít người vì tâm lý sợ dịch, không dám đến cơ sở y tế khi đổ bệnh hoặc bỏ qua triệu chứng của sốt xuất huyết dẫn đến nguy kịch.
Bệnh nhi sốt xuất huyết cấp cứu tăng 15% - 20%
Chị P.T.M., ngụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM) vô cùng hối hận vì cứ trì hoãn đưa con gái đi khám bệnh. Ngày 2/6, con chị N.H.Y., 5 tuổi, bắt đầu có dấu hiệu sốt cao khoảng 390C, lừ đừ, bỏ ăn, bỏ chơi. Gần nơi chị M. ở cũng có một số bé bị sốt nhưng mọi người nghĩ do mùa mưa, trẻ đề kháng kém nên cảm cúm. Bà nội sốt ruột bảo chị M. đưa con đi khám nhưng chị cho rằng chưa nghiêm trọng, vào bệnh viện lỡ “gặp” COVID-19 thì khổ.
|
Một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Thế là bé Y. chỉ được uống thuốc hạ sốt và lau mát, chờ cơ thể tự phục hồi. Qua ngày thứ ba, tự dưng bé Y. giảm sốt. Chị M. mừng rỡ, lầm tưởng đó là dấu hiệu hồi phục bệnh. Nào ngờ, đêm hôm đó, tay chân bé lạnh toát, mặt tái xanh, môi nhợt nhạt. Chị vội vàng đưa con vào bệnh viện cấp cứu, mới biết con tụt huyết áp do sốc sốt xuất huyết. Xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu giảm chỉ còn xấp xỉ 50.000 (chỉ số tiểu cầu người bình thường tối thiểu phải từ 150.000/microlit máu).
Ngày 21/6, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho hay: các ca cấp cứu do mắc bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng. Lượng bệnh nhi sốt xuất huyết tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện hai tuần qua tăng hơn những tuần trước đó từ 15-20%. Tất cả các ca nhập cấp cứu đều trong tình trạng sốc sốt xuất huyết dengue, mạch giảm.
Bác sĩ Phương ghi nhận đặc điểm chung của những bệnh nhi này đều do sai lầm từ phía người nhà và chia ra hai dạng: phụ huynh ngại dịch COVID-19 cố gắng trì hoãn đưa con đi khám và phụ huynh nhầm lẫn sốt xuất huyết với sốt siêu vi, cảm cúm thông thường. Từ ngày 15-21/6, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận khoảng 10 ca sốc sốt xuất huyết dengue với nguyên nhân như vậy.
Bị sốt xuất huyết mà chăm chú theo dõi dấu hiệu COVID-19
Không chỉ riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2
(TP.HCM), cũng cho biết, các ca sốt xuất huyết đang bắt đầu trỗi dậy. Có khi cả tháng bệnh viện không ghi nhận ca sốt xuất huyết nào nhưng tuần vừa qua đã xử trí cấp cứu hai trường hợp sốc sốt xuất huyết là người lớn. Tâm lý chung của những bệnh nhân này là chỉ chăm chăm phòng dịch COVID-19 mà bỏ qua các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết.
Nam bệnh nhân N.Đ.T., ngụ tại P.Bình Trưng Tây, Q.2 vừa được xuất viện sau khi điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết đã chia sẻ nguyên do bệnh trở nặng của mình: “Khi bị sốt, tôi chỉ theo dõi coi mình có bị ho hay khó thở không. Qua vài ngày vẫn không thấy xuất hiện các dấu hiệu được cảnh báo liên quan tới bệnh do COVID-19, tôi đinh ninh mình đã an toàn, tự mua thuốc cảm sốt về nhà uống”. Qua tới ngày thứ năm kể từ khi phát bệnh, anh T. bị chảy máu cam, xuất hiện các đốm xuất huyết lấm tấm dưới cánh tay. Lúc này, anh mới nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết và vội vàng kêu người nhà đưa mình đi cấp cứu.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong bốn tháng đầu năm, TP.HCM đã ghi nhận hơn 6.478 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho rằng, dịch COVID-19 tại Việt Nam đang kiểm soát rất tốt. Cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng. Có ý thức phòng tránh dịch là tốt nhưng người dân không được lơ là cảnh giác với các dịch bệnh khác. TP.HCM đang vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, đỉnh dịch còn ở phía trước và cao nhất vào tháng Tám. Nếu công tác y tế dự phòng diệt lăng quăng, dọn dẹp môi trường sống không tốt, khi có dấu hiệu sốt cao liên tục ba ngày không đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời thì khi ấy nguy cơ dịch chồng dịch, chưa chết vì COVID-19 đã vỡ trận vì dịch bệnh theo mùa khác.
Nắng lắm, mưa nhiều, sốt xuất huyết tại Hà Nội có dấu hiệu phức tạp
Dù số ca sốt xuất huyết của Hà Nội từ đầu năm tới nay mới gần 250 trường hợp, giảm 56% so với cùng kỳ, song trong một tuần nay, tình hình bắt đầu có dấu hiệu phức tạp hơn. Điển hình, tại H.Phúc Thọ, 8/21 xã đã ghi nhận có sốt xuất huyết. Trong đó, Tam Hiệp là xã có số ca mắc cao nhất không chỉ trong huyện mà còn cả TP.Hà Nội. Tính tới cuối tuần qua, địa phương này đã ghi nhận hơn 80 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Tam Hiệp là làng nghề chuyên về may mặc với số lượng dân cư cao. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, do nhân lực tập trung vào sản xuất, kinh doanh nên địa phương này còn hạn chế trong việc huy động người dân tham gia phòng chống sốt xuất huyết. Kiểm tra thực tế tình hình tại Tam Hiệp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhận định, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng gia tăng số ca mắc ở đây là do chưa xử lý triệt để. Tại các hộ gia đình, nhiều ổ bọ gậy được phát hiện trong các dụng cụ chứa nước, thậm chí chậu cây cảnh… do đó tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh.
Để khống chế sốt xuất huyết tại địa phương có số ca mắc lớn nhất thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết sẽ hỗ trợ địa phương hai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; hai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để trong thời gian sớm nhất có thể khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời.
Với điều kiện thời tiết nắng lắm, mưa nhiều của Hà Nội, các chuyên gia cảnh báo, nếu không đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường thì muỗi sẽ sinh sôi nảy nở và phát triển mạnh khiến số ca nhiễm tiếp tục gia tăng.
|
Thanh Huyền