Sốc sốt xuất huyết, nhiều trẻ bị ám ảnh nặng nề

08/07/2022 - 06:12

PNO - Sốc sốt xuất huyết quá nặng, nhập viện điều trị kéo dài khiến không ít bệnh nhi ở TPHCM bị ám ảnh, rối loạn tâm lý đến mức không dám cai máy thở.

Ám ảnh sau cơn nguy kịch  

Về nhà khoảng một tuần sau gần hai tháng đối mặt với “tử thần” vì sốt xuất huyết (SXH), em T.K.M. (12 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) vẫn sợ hãi mỗi khi đêm xuống. Em luôn nghĩ bản thân còn bệnh, cảm thấy bất an và đòi vào bệnh viện. Thấy con liên tục lên cơn khó thở trước lúc ngủ, chị Trần Thị Mai - mẹ của M. - khá lo lắng: “Mấy ngày đầu, tôi hốt hoảng đưa con đi cấp cứu, nhưng cứ đến cổng bệnh viện, cháu… lại bình thường, bác sĩ cũng khám bệnh, làm hết xét nghiệm và khẳng định bé khỏe mạnh”.

Hơn một nửa trẻ sốt xuất huyết nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM  đều thừa cân, béo phì - ẢNH: PHẠM AN
Hơn một nửa trẻ sốt xuất huyết nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đều thừa cân, béo phì - Ảnh: Phạm An

Thấy vậy, bác sĩ khuyên chị Mai nên cho M. khám tâm lý. Lúc này, các bác sĩ phát hiện M. bị rối loạn tâm lý sau thời gian dài mắc SXH nặng phải thở máy điều trị. Hiện tại, ngoài các phiên trị liệu, M. phải sử dụng thuốc mới có thể ngủ được. “Nhà tôi phải mua bình ô-xy, đặt cạnh giường thì cháu mới yên tâm ngủ. Nửa đêm thử mang bình ô-xy này ra ngoài, lập tức M. gõ cửa phòng… đòi. Mặc dù con tôi hô hấp bình thường, không sử dụng đến bình ô-xy này”, chị Mai kể.

Sau hơn hai tháng điều trị, bé T.N.K.A. (tám tuổi, ở H.Hóc Môn) may mắn được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cứu sống. Trong quá trình hồi phục, A. ngoan ngoãn nghe lời các bác sĩ uống thuốc, tập vật lý trị liệu. Thế nhưng, mỗi khi thấy bác sĩ chuẩn bị cho cai máy thở, bé lại run bần bật, thở hổn hển. Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - bé A. được đưa đến bệnh viện ngày 25/4 với bệnh cảnh thừa cân béo phì, sốc SXH Dengue độ 4, tổn thương nhiều cơ quan, suy hô hấp, tiên lượng rất nặng.

Ngay khi vừa tiếp nhận, ê-kíp bác sĩ đã đặt nội khí quản, sử dụng thuốc chống sốc cho bé. Tuy nhiên, gan, thận của bé A. bị tổn thương nặng phải lọc máu, thay huyết tương liên tục một tháng mới thoát khỏi “tử thần”. Tháng tiếp theo, bé A. lệ thuộc vào máy thở bởi phổi bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Phạm Văn Quang cho biết: “Hai tuần trước, chúng tôi quyết định cai máy thở cho bé, nhưng nằm viện kéo dài khiến tâm lý bé rơi vào sợ hãi, không muốn tập trị liệu hô hấp. Bắt buộc chúng tôi vừa điều chỉnh thông số máy thở, vừa hỗ trợ tâm lý, cho người nhà vào động viên, bé mới hợp tác điều trị. Tuần qua, bé đã tự tin thở bằng mặt nạ, hiện tại vẫn còn thở ô-xy râu kết hợp với các bài tập thở cũng như vận động. Nếu thuận lợi, tuần sau bé A. có thể xuất viện”.

Sốt xuất huyết nguy hiểm như COVID-19

Để ứng phó với SXH, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM thực hiện phân loại bệnh nhi theo mức độ nhẹ cần theo dõi, vừa và rất nặng. Trong đó, có hơn 100 bé mắc SXH nhẹ, khoảng 50 bé chuyển nặng, 9 bé rất nặng đang được điều trị tích cực. Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc luôn chuẩn bị sẵn 12 - 15 giường để kịp thời hồi sức cấp cứu cho trường hợp nặng chuyển lên.

Bác sĩ Phạm Văn Quang cho hay, theo chu kỳ khoảng 3 - 4 năm SXH sẽ thành một đợt dịch lớn. Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh tăng nhanh rất đáng lo ngại. Điển hình, sáu tháng đầu năm, ca SXH nặng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo tháng Tám, Chín mới lên đỉnh dịch, mỗi ngày số ca SXH càng tăng.

“Chưa kể, cha mẹ hiện giờ sợ COVID-19 hơn SXH. Trong khi SXH nguy hiểm tương đương COVID-19, thậm chí còn nặng nề hơn vì COVID-19 thì đã có vắc xin phòng ngừa còn SXH thì không. SXH không trừ một ai, đặc biệt với trẻ nhũ nhi, trẻ thừa cân, béo phì và mắc các bệnh nền khác phụ huynh phải luôn cảnh giác”, bác sĩ Phạm Văn Quang nói. 

Trước sự phức tạp của SXH, nhiều phụ huynh lại đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm cho trẻ vì cho rằng vắc xin này có thể ngừa cả bệnh SXH. Bác sĩ Quang cho rằng đây là nhận định sai lầm bởi về nguyên tắc, vắc xin bệnh nào chỉ ngừa bệnh đó. Tiêm vắc xin ngừa bệnh cúm cũng là việc nên làm, đặc biệt với trẻ ở nơi có thời tiết lạnh, nhưng vắc xin này không ngừa được SXH. 

Tính đến hết tháng Sáu, TPHCM ghi nhận 21.750 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 181% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca nặng gấp 3,7 lần năm trước với 346 trường hợp. Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, mỗi người dân, mỗi cơ quan nên dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc, từ trong đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi. Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay… và ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt. 

Trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. 

 Phạm An - Tam Nguyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI