Soạn giả Yên Lang qua đời

06/06/2017 - 09:24

PNO - Cha đẻ của vở cải lương 'Đêm lạnh chùa hoang' đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/6 vừa qua (theo giờ Mỹ) sau khi được đưa vào bệnh viện cứu chữa.

Sau khi được đưa vào bệnh viện Garden Grove Hospital do căn bệnh suy thận và ruột, biến chứng khiến khó thở, soạn giả Yên Lang (cha đẻ của nhiều vở cải lương mang màu sắc kiếm hiệp) đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/6 vừa qua (theo giờ Mỹ).

Soan gia Yen Lang qua doi
Soạn giả Yên Lang

Thời gian đầu vào viện, theo chia sẻ từ con dâu của soạn giả Yên Lang - nghệ sĩ Giang Bích Phượng, ông còn nhận biết được những bạn bè, đồng nghiệp đến thăm. Tuy nhiên, sau đó, cha đẻ của vở cải lương Đêm lạnh chùa hoang rơi vào hôn mê sâu. Phía bệnh viện đã tận tình cứu chữa nhưng ông không qua khỏi. Yên Lang hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại quận Cam, California.

Soan gia Yen Lang qua doi
Vở cải lương nổi tiếng của Yên Lang Đêm lạnh chùa hoang

Yên Lang sinh năm 1940 tại Bạc Liêu, tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh. Ông sang Mỹ định cư vào năm 1995. Trước đó, ông đã có một sự nghiệp nổi danh tại Việt Nam, đóng góp tích cực cho nghệ thuật cải lương. Trong sự nghiệp của mình, soạn giả Yên Lang đã có hơn 30 kịch bản được khán giả yêu thích, trong đó có thể kể đến như: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Băng Tuyền nữ chúa,… Phần lớn những vở cải lương do Yên Lang viết đều mang màu sắc kiếm hiệp, gắn liền với rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ đã thành danh trong nghệ thuật cải lương như: Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thuỷ, Phượng Liên, Minh Phụng, Minh Cảnh, Diệp Lang...

Ông còn sáng tác nhiều bản vọng cổ và tân cổ giao duyên: Nỗi buồn hoa phượng, Quán nửa khuya, Quán nước quê nghèo, Chuyến đi về sáng, Quang Trung áo vải cờ đào… Ở các tác phẩm của Yên Lang, khán giả dễ dàng nhận ra chất mộc mạc của những con người của vùng đất Nam bộ, với khát khao mưu cầu hạnh phúc, bình yên.

Hiện tại, con trai của Yên Lang, soạn giả Lam Tuyền cũng đi theo con đường của cha. Trong sự nghiệp của mình, Yên Lang từng để lại nhiều câu nói mang ý nghĩa: “Tôi thấy cuộc đời mình mắc nợ tấm màn nhung sân khấu, nên mỗi lần đặt bút viết là được công chúng đón nhận. Ai từng thiếu nợ đều khổ, còn với tôi cứ mong mình mắc nợ hoài để còn được… trả nợ”,...

Soan gia Yen Lang qua doi
Yên Lang trong lần về nước vào năm 2013

Nhận xét về Yên Lang và sự nghiệp của ông, soạn giả Viễn Châu cho rằng: “Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu đã từng được khán giả khắp nơi ái mộ không chỉ bằng ngòi bút trữ tình, sâu lắng, mà còn là một bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao, và đã từng tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng. Kịch bản của Yên Lang đa phần quen thuộc, gần như phản ảnh một nét văn hóa của người Sài Gòn những năm 1960-1970, đó là yêu thích chuyện tình lâm ly nhưng giàu nghị lực”.

Lệ Thuỷ cho rằng dù là tuồng nhưng khi diễn vở nào của Yên Lang gần như luôn được sống trong từng vai: “Công chúng thích tuồng của soạn giả Yên Lang vì mỗi câu ca đều chất chứa những ẩn tình sâu sắc, nhờ thế mà thấm vào tim người nghe. Nghệ sĩ chúng tôi khi ca như thấy mình được sống trong vai diễn”.

Trong khi đó, nghệ sĩ Minh Vương lại đề cao tinh thần nhân văn mà Yên Lang mang đến qua từng kịch bản, từng nhân vật: “Mỗi lời ca, câu thoại trong kịch bản của Yên Lang đến hôm nay đã mấy mươi năm mà khán giả đều thuộc. Vì ông viết bằng cảm xúc chân thật, từ nỗi niềm của chính mỗi người Nam Bộ nên nghe qua một lần là đã thuộc. Mỗi nhân vật đều có chiều sâu, thấm đẫm tinh thần nhân văn”.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI