Sáng 26/2, tôi đang ở Sài Gòn, chị bạn nhắn qua Zalo: "Chú Tư Thanh Hiền vừa mất". Tôi sững sờ, vậy là một trong những cây đại thụ cuối cùng của ngành Văn hoá Tây Ninh cũng đã ra đi, không tránh được "sinh, lão, bệnh, tử".
Cách đây 13 năm, đêm 4/5/2007 tại Nhà hát TPHCM, NSND Thanh Tuấn tổ chức liveshow Đêm tơ vàng. Qua màn ảnh nhỏ, khán giả mộ điệu cải lương hết sức phấn khích khi nghe lại câu vọng cổ “Xe Tây Ninh sáng nay chuyển bánh, chở những niềm vui rộn rã đón xuân về” của soạn giả Thanh Hiền.
|
Soạn giả Thanh Hiền |
Bất ngờ hơn, bài hát này được thể hiện bằng 3 giọng ca Thanh Tuấn, Lương Tuấn và Minh Tiến – những nghệ sĩ gắn bó với Tây Ninh khá sâu nặng.
Cũng trong năm 2007, Chuông vàng vọng cổ Lê Văn Gàn lại tiếp tục làm nức lòng khán giả bằng bài hát mà một thời, gần như bất cứ người Tây Ninh nào cũng phải biết.
Có người nói rằng, những năm sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Thanh Tuấn gần như mất tăm, chỉ đến khi bản Chuyến xe Tây Ninh của soạn giả Thanh Hiền được phát sóng trên Đài Phát thanh TPHCM, anh mới dần lấy lại hào quang của mình trên sân khấu.
Đó là chuyện đồn đại, không rõ đúng sai, tôi chỉ nghe và kể lại. Nhưng chắc chắn rằng, bản vọng cổ Chuyến xe Tây Ninh đã thật sự vượt khỏi phạm vi tỉnh lẻ, vươn xa đến tầm cả nước. Thế nhưng, soạn giả Thanh Hiền không chỉ có duy nhất một bản vọng cổ “có tầm” như vậy. Ở tuổi “cổ lai hy”, hành trang của ông đã có hàng chục kịch bản cải lương, hàng ngàn bài vọng cổ.
Một lần trò chuyện với soạn giả Thanh Hiền dưới bóng những cây cổ thụ trong khuôn viên trụ sở của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, ông bảo, bây giờ ông vẫn viết kịch bản cải lương, cho dù không phải cái nào cũng được dùng.
Trầm ngâm, ông thong thả nhắc đến thời hoàng kim của sân khấu, như tâm sự với chính mình: "Hình như sân khấu đang tự giết sân khấu. Như việc TPHCM tập trung nâng cấp sân khấu cải lương, nhưng thực chất chỉ là nâng cấp biểu diễn. Lớp trẻ mới nổi sau này, nhiều nghệ sĩ lên sân khấu, hát bất kể trời đất, chữ "hò", chữ "xê" không biết, nhịp nội, nhịp ngoại lẫn lộn tứ tung... làm sao mà nâng cấp".
|
Soạn giả Thanh Hiền và NSND Thanh Tuấn |
Có lẽ vì nghĩ vậy, nên nhiều năm liền sau khi rời ghế Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, ông vẫn cố công phát triển mảng đờn ca tài tử. Điều đó đã được minh chứng bằng việc bây giờ đờn ca tài tử Tây Ninh không "ngại" bất kỳ tỉnh nào ở miền Nam, “đánh đâu thắng đó”.
Cũng vì lẽ này, trong nhiều cuộc thi tầm cỡ như giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng Vọng cổ ở TPHCM, ban tổ chức luôn mời ông làm giám khảo. Trong lần dự giải Trần Hữu Trang tại Cần Thơ vào năm 2007, NSND Thanh Tòng nhắc và gọi ông là “sư huynh” một cách trân trọng.
Ngoài những bài bản vọng cổ, kịch bản sân khấu, ông còn là người cất công sưu tầm và chỉnh lý hàng chục bài lý, tiêu biểu như Lý tầm quân (còn gọi là Lý mù sương), Lý bông đậu, Lý sáng trăng, Lý con bìm bịp, Lý bông huỳnh…
Khi tôi yêu cầu ông kể về đời mình, soạn giả Thanh Hiền cười khà khà với cốt cách đặc biệt mà hình như chỉ có dân xứ Trảng mới có: "Con còn lạ gì bác Tư tôi mà hỏi! Nhưng đã hỏi thì bác Tư nói, người già thường sống với những hoài niệm, thèm được kể chuyện xưa cho lớp trẻ bây giờ nghe".
Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, sinh năm 1942 tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1958, ông tham gia du kích xã nhưng đến năm 1960 thì bị lộ, phải nhảy vô bưng. Các vị lãnh đạo khi đó như ông Tư Văn (Phan Văn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - NV) biết ông có ngón đờn kìm khá mướt nên phân về Đoàn Văn công Tây Ninh.
Nhắc lại chuyện này, ông kể: "Có lần, ông Bảy Phát (soạn giả Xuân Phát, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Tây Ninh - NV) hỏi bác Tư: 'Sao hồi đó mày gan vậy, mới vô 3 ngày đã dám sửa kịch bản của tao?'. Bác đáp liền: 'Gan gì anh! Thấy anh làm cực quá, mà cái vở Nợ nước thù nhà có nhiều đoạn ca từ không khớp, tôi sửa chủ yếu là vì phong trào mà anh'".
Cũng trong năm đó, ông viết bản cải lương đầu tiên là bài ca theo điệu xang xừ líu có tựa đề Cho đời ta mãi đượm hương hoa ca ngợi những người nữ du kích. Ở được hơn tháng, ông lại chuyển lên R (Trung ương Cục miền Nam), công tác ở Đoàn Văn công Giải phóng và được thọ giáo soạn giả Trần Hữu Trang.
|
Soạn giả Thanh Hiền (bìa phải) trao giải thưởng cho các cá nhân tại Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh năm 2010 |
Hết phục vụ Củ Chi, quay ngược về Bến Cầu, Núi Bà rồi trở lại Trảng Bàng, băng qua Bến Dược về Củ Chi, cắt qua Phú Giáo về Ba Trâm, lên tuốt chiến khu D ở Tân Uyên, "Được 4, 5 tháng gì đó, lại nhận được lệnh của ông Trần Bạch Đằng bảo quay về Ban Tuyên huấn R. Ròng rã mấy ngày trời băng rừng từ chiến khu D về, đến khu vực Tà Dơ (Dương Minh Châu), tự dưng tôi rưng rưng nước mắt" - ông hồi tưởng.
Cũng từ thời điểm này, nhờ được soạn giả Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm hướng dẫn, tay nghề của Thanh Hiền được nâng lên, viết nhiều hơn. Năm 1972, ông được cử ra Bắc học lý luận nghiệp vụ. Lúc nào học thì học, rảnh ra là ông viết vọng cổ cho Ban Văn nghệ, Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài ông viết thời đó như Em bé Phú Riềng, Long An tươi màu lá mạ, Tiếng sóng biển - Tiếng quê hương... được nhiều người biết đến qua hai giọng ca cổ nổi tiếng thời đó là Thanh Hùng và Ngọc Hoa.
Năm 1975, thống nhất đất nước, ông về Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM. Hoà cùng niềm vui chung của dân tộc, ông viết Bông điệp Sài Gòn, Rẽ mạ đầu mùa, Ngọn cờ hồng phất cao... trong đó có bài Tấc đất tấc vàng đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác do Tiểu ban Văn nghệ thuộc Uỷ ban Quân quản thành phố tổ chức.
Những năm này, ông lên xuống Tây Ninh liên tục. Trên chuyến xe đò về quê dịp cuối năm 1976, đầu xuân 1977, ông cho ra đời bài Chuyến xe Tây Ninh.
Giờ thì ông đã có thể "gặp lại" soạn giả Trần Hữu Trang - người thầy đáng kính của mình trong kháng chiến, hay những bạn bè xưa như Xuân Phát, Ba Đa, Chí Trung, người bạn vong niên Huỳnh Nga, nhất là có thể khề khà cùng cha tôi, người em mà ông rất quý.
Đặng Hoàng Thái