Thời gian qua, nghệ sĩ Bạch Mai điều trị tại Bệnh viện An Bình. Bà có bệnh nền huyết áp, tim mạch. Từ cuối tháng 7, tinh thần bà bị ảnh hưởng do em gái là nghệ sĩ Kim Phượng mất vì COVID-19. Sau đó, ngày 8/8, em trai bà, nhạc sĩ Thanh Châu mất vì suy hô hấp.
Soạn giả Bạch Mai sinh năm 1948, tên thật là Nguyễn Ngọc Mai. Bà là con của đôi nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương, bầu của gánh hát Thanh Bình - Kim Mai, sau đổi tên bảng hiệu là gánh hát tuồng cổ Huỳnh Long.
Nữ nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn từ năm 13 tuổi, đến năm 15 tuổi trở thành đào chánh trong tuồng Mạnh Lệ Quân. Lúc đó, do cô đào chánh trong đoàn bị bệnh, đoàn dự định trả vé cho khán giả nhưng nữ nghệ sĩ đã năn nỉ thầy tuồng thuyết phục cha mẹ để được lên diễn thay. Bởi thời điểm đó trả vé sẽ gây khó khăn cho đoàn về mặt kinh tế cũng như ảnh hưởng những suất diễn sau. Sau khi diễn thử, bà được chấp thuận. Tiếp theo đó, nữ nghệ sĩ có nhiều vai diễn ấn tượng trong: Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Lá chắn biên thùy, Người đẹp trong tranh...
|
Sinh thời, nữ soạn giả Bạch Mai dành hết tâm huyết cho sân khấu |
Một lần, nghệ sĩ Lê Duy Hạnh giao cho nghệ sĩ Bạch Mai chuyển thể kịch bản Hổ phù thành vở cải lương tuồng cổ mang tên Nàng Như Cơ và chiếc hổ phù. Khi ra mắt, vở diễn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau thành công này, bà tiếp tục được nghệ sĩ Lê Duy Hạnh giúp đỡ để trở thành soạn giả chuyên nghiệp với hàng loạt kịch bản cải lương tuồng cổ nổi tiếng như: Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Thập tứ nữ anh hào, Mặt trời đêm thế kỷ, Trưng Nữ Vương, Mai trắng se duyên... Thập niên 90, khi phong trào sản xuất video cải lương thịnh hành, cái tên Bạch Mai luôn được nhắc đến đầu tiên.
Bà từng tâm sự rất ấn tượng một câu trong vở Tâm sự một ca nhi của cố soạn giả NSND Viễn Châu: “Nghệ thuật vô biên hư hư thực thực. Điều đó có nghĩa muốn giả hay thật đều do tâm của người nghệ sĩ mà ra, xuất phát từ bản thân, sự yêu nghề, tổ nghề ban duyên”.
Khi hoạt động chung đoàn hát, bà và nghệ sĩ Đức Lợi nảy sinh tình cảm, đi đến hôn nhân và sinh 4 người con, trong đó có nghệ sĩ Chinh Nhân (đã mất) và nghệ sĩ Bình Tinh.
Những năm về sau này, nghệ sĩ Bạch Mai không còn đứng sân khấu. Bà hỗ trợ con gái để gầy dựng lại thương hiệu của đoàn tuồng cổ Huỳnh Long.
Trong một cuộc chia sẻ gần đây, nghệ sĩ Bình Tinh cho biết mẹ là người ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp của chị sau này. Ba mất sớm nên mẹ vừa truyền cho chị sự nữ tính, nhưng cũng vừa có sự mạnh mẽ để sau này có thể uyển chuyển, khéo léo điều hành đoàn hát.
Những lần sát cánh cùng soạn giả Bạch Mai làm tuồng, chị học được rất nhiều điều hay. Từ nhỏ, nữ nghệ sĩ đã được mẹ dạy về cách đối nhân xử thế, đặt tình người lên trước hết. Nhiều năm qua, sân khấu cải lương đối mặt với muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, nhìn vào hình ảnh của mẹ, chị luôn tự nhủ, nếu làm bằng hết tâm sức, đam mê thực sự thì đều có cơ hội để xoay chuyển, hướng đến những điều tươi sáng.
|
Nghệ sĩ Bạch Mai và con gái, nghệ sĩ Bình Tinh, ghi hình cho một chương trình của Đài truyền hình Đồng Tháp |
Từ Mỹ, nghệ sĩ Quang Thành cho biết anh rất biết ơn soạn giả Bạch Mai vì bà đã hỗ trợ anh rất nhiều trong công việc. 15 năm trước khi tổ chức chương trình, dựng lại vở Tô Hiến Thành xử án, soạn giả Bạch Mai trong vai trò đạo diễn đã giúp chương trình thành công vang dội. Trong rất nhiều năm khi có cơ hội gặp gỡ, làm việc, soạn giả Bạch Mai luôn khuyên anh cố gắng dành tâm huyết cho sân khấu cải lương tuồng cổ. Bà hứa sẽ hỗ trợ hết mình cho nam nghệ sĩ, để sân khấu có lớp kế thừa.
Nghệ sĩ Quang Thành vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp khi có cơ hội tham gia trích đoạn Phàn Lê Huê giáo tử - một trong những trích đoạn mà nghệ sĩ Bạch Mai đo ni đóng giày cho anh. Dù là nửa đêm, nhưng nếu anh muốn thêm chỗ này một chút, chỗ kia một chút, nghệ sĩ Bạch Mai đều hỗ trợ hết mình không chút ngần ngại.
Trung Sơn