Sở Y tế TP.HCM nói gì về thuốc trúng thầu có giá cao chênh hàng tỉ đồng?

12/05/2018 - 08:24

PNO - TP.HCM vẫn chưa được thanh toán một số loại thuốc đấu thầu tập trung năm 2015 tại Sở Y tế và đấu thầu riêng lẻ năm 2016 ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố vì một số thuốc có giá cao hơn các nơi khác.

Để tìm hiểu lý do vì sao một số thuốc trúng thầu tại TP.HCM có giá cao hơn, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM về vấn đề này.

So Y te TP.HCM noi gi ve thuoc trung thau co gia cao chenh hang ti dong?
 

* Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, trong đợt đấu thầu tập trung năm 2015 được tổ chức tại Sở Y tế TP.HCM có 16 loại thuốc trúng thầu giá cao hơn 20% so với địa phương khác. TP.HCM đang đề nghị các công ty trúng thầu phải hạ giá thuốc xuống, chỉ còn chênh lệch tối đa 20%. Ông có thể lý giải tại sao có sự chênh lệch quá cao như vậy?

- Nếu nhận định TP.HCM đấu thầu để mua thuốc giá cao hơn nơi khác là không chính xác. Điều này làm cho người dân sẽ ngộ nhận TP.HCM chuyên đi mua thuốc giá cao. Thực tế, TP.HCM là thị trường tiêu thụ thuốc lớn nhất cả nước nên công ty nào cũng muốn bỏ giá thấp nhất để trúng thầu. Do vậy, đa số thuốc trúng thầu ở TP.HCM có giá thấp.

Thậm chí, chúng tôi còn quy định, nếu loại thuốc nào đã trúng thầu tại Sở Y tế mà có giá rẻ hơn khi trúng thầu ở tỉnh khác trong vòng 6 tháng trước thời điểm đóng thầu và 6 tháng sau khi có kết quả thầu tại TP.HCM thì công ty đó phải điều chỉnh lại giá thuốc trúng thầu cho thành phố bằng với giá trúng thầu thấp nhất mà công ty đó đã trúng thầu ở các địa phương.

So Y te TP.HCM noi gi ve thuoc trung thau co gia cao chenh hang ti dong?
 

Thế nhưng tại sao vẫn có 16 mặt hàng thuốc cùng một nhà sản xuất, cùng tên thương mại lại trúng thầu ở TP.HCM cao hơn so với nơi khác? Bởi cùng một loại thuốc của một nhà sản xuất nhưng có 2 nhà phân phối khác nhau trúng thầu ở 2 tỉnh khác nhau thì không có cơ sở để ràng buộc công ty trúng thầu ở TP.HCM giảm giá bằng giá trúng thầu của công ty khác đấu thầu ở các tỉnh khác.

Đơn cử như, cũng là thuốc tiêm truyền Lipofundin MCT/LCT 20% của Đức sản xuất và được Công ty CP dược liệu TƯ 2 trúng thầu 151.000 đồng/chai vào ngày 28/7/2015 tại TP.HCM, còn tại Cần Thơ tổ chức trước đó vào 10/2/2015 cũng được Công ty TNHH MTV dược phẩm TƯ 1 trúng thầu mặt hàng này là 117.810 đồng.

Nếu ở Cần Thơ là Công ty CP dược liệu TƯ 2 trúng thầu thì TP.HCM hoàn toàn có cơ sở bắt công ty bán bằng giá trúng thầu ở Cần Thơ, nhưng vì ở Cần Thơ công ty khác trúng thầu nên TP.HCM không có cơ sở pháp lý để ép doanh nghiệp hạ giá và bản thân doanh nghiệp cũng không sai phạm luật đấu thầu.

So Y te TP.HCM noi gi ve thuoc trung thau co gia cao chenh hang ti dong?
 

Tương tự, thuốc bột cốm Fortrans của Pháp sản xuất, nhưng Công ty CP dược liệu TƯ 2 trúng thầu ở TP.HCM vào ngày 28/7/2015 là 27.568 đồng/gói; trong khi Liên doanh công ty TNHH dược phẩm Hải Dương trúng thầu tại Tuyên Quang vào ngày 20/1/2016 là 21.100 đồng/gói.

Tuy nhiên, Sở Y tế nhận thấy, với 16 mặt hàng thuốc cùng loại, cùng nhà sản xuất mà giá cao hơn 20% là quá lãi nên cũng đề nghị các công ty trúng thầu tại TP.HCM nên hạ giá thuốc xuống, chỉ còn chênh lệch tối đa 20% là hợp lý.

* Năm 2016, Sở Y tế TP.HCM giữ lại đấu thầu tập trung 106 mặt hàng, còn lại chuyển về cho các bệnh viện tự đấu thầu riêng lẻ. Và TP.HCM đã quy định giá một loại thuốc cụ thể khi trúng thầu giữa các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM quản lý không được chênh lệch quá 5% (so với bệnh viện có giá trúng thầu thấp nhất). Thế nhưng, mới đây BHXH TP.HCM cho biết trong đợt thầu này xảy ra tình trạng chênh lệch giá giữa các bệnh viện lên đến 47 tỉ đồng?

- Con số 47 tỉ đồng mà BHXH TP.HCM đưa ra là số ước tính, chưa chính xác. Bảng dữ liệu về giá trúng thầu mà BHXH phản ảnh còn bị nhầm lẫn nhiều số liệu giữa giá trúng thầu thực tế với giá kế hoạch (thường cao hơn giá thực tế), nhầm lẫn giữa đơn giá và số lượng thuốc trúng thầu, nhầm lẫn về thời gian ngày trước tháng sau và ngược lại… khiến giá thuốc khác nhau.

Đơn cử như thuốc Aspirin PH8 500mg của Công ty Mekophar (Việt Nam) sản xuất trúng thấu 13.200 viên, với giá 325 đồng/viên nhưng BHXH lấy sai giá do lỗi định dạng nên đã được “minh oan” giá cao. Hay như thuốc Mecefix-B-E loại 75mg của Công ty CP tập đoàn Merap trúng thầu 731.550 gói, giá 6.400 đồng/gói, cũng bị BHXH tuýt còi vì cho rằng ở Quảng Ninh trúng thầu chỉ có 5.000 đồng, trong khi Quảng Ninh trúng thầu vào tháng 1/2015 với hàm lượng chỉ 50mg, trong khi sản phẩm của Merap trúng thầu vào 2016 với hàm lượng 75mg.

So Y te TP.HCM noi gi ve thuoc trung thau co gia cao chenh hang ti dong?
 

Chính vì BHXH lấy trị giá chêch lệch giữa các giá thuốc trúng thầu rồi nhân cho tổng số lượng thuốc trúng thầu, nhưng thực tế các bệnh viện có thể không mua hết số lượng thuốc trúng thầu và chuyện này đã xảy ra, nhiều bệnh viện chỉ sử dụng có 5% tổng số thuốc trúng thầu. Điều này có nghĩa, công ty trúng thầu nếu vượt mức 5% theo quy định thì chỉ bù phần chênh lệch trong số lượng thuốc bán ra, chứ không phải trên con số lý thuyết là toàn bộ số lượng thuốc trúng thầu.

* Quy định chênh lệch 5%, 20% này là do luật đấu thầu quy định hay do tự Sở Y tế TP.HCM đặt ra?

- Trong luật đấu thầu không có quy định này. Trong đấu thầu, thắng là thắng, thua sẽ phải chấp nhận, luật không quy định nhà thầu phải bỏ cùng một giá khi dự thầu ở những nơi khác nhau với qui mô khác nhau và thời gian thực hiện đấu thầu khác nhau. Trong “cuộc chơi”, nếu nhà thầu thắng với giá cao cũng phải chấp nhận vì đó là kết quả cụ thể của việc thực thi các quy định của pháp luật về đấu thầu.

So Y te TP.HCM noi gi ve thuoc trung thau co gia cao chenh hang ti dong?
 

Tuy nhiên, TP.HCM muốn hạn chế tình trạng giá thuốc chênh lệch bất hợp lý trong đấu thầu tập trung và riêng lẻ, để có giá trúng thầu thấp nhất, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, túi tiền của người bệnh nên mới quy định như vậy trong hồ sơ mời thầu và nhà thầu cũng cam kết thực hiện. Quy định này đã được Sở Y tế, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính cùng BHXH TP.HCM thống nhất và được UBND TP thông qua. Và mô hình này cũng được một số tỉnh/thành áp dụng theo.

Chính vì TP.HCM đặt ra, mong muốn điều tốt đẹp nhất khi đấu thầu nhưng thực tế nó làm khó cho chính nhà quản lý. Và rõ ràng, quy định này chưa phù hợp với quy luật cạnh tranh theo kinh tế thị trường, buộc các doanh nghiệp phải bán thuốc giá rẻ và bán cùng một giá thống nhất!

* Vậy Sở Y tế TP.HCM có buộc các công ty phải điều chỉnh, hạ giá thuốc đã trúng thầu xuống không chênh lệch quá 20% (của đấu thầu tập trung) và không quá 5% (đấu thầu riêng lẻ ở các bệnh viện)?

Hiện nay, nhiều bệnh viện báo cáo Sở về việc các nhà thầu đã thực hiện tốt việc điều chỉnh giá nếu vượt quá 5% như Sở đã quy định. Riêng các mặt hàng đấu thầu tập trung năm 2015, các công ty điều chỉnh về mức giá không quá 20%, còn điều chỉnh bao nhiêu là tùy thuộc vào sự đồng thuận công ty.

So Y te TP.HCM noi gi ve thuoc trung thau co gia cao chenh hang ti dong?
 

* Nếu những lần đấu thầu kế tiếp, TP.HCM có khắc phục được những nhược điểm về giá như những lần đầu thấu trước đây không?

- Muốn có giá thống nhất trên toàn thành phố thì chỉ có đấu thầu tập trung cấp địa phương, còn muốn có giá thống nhất trên cả nước chỉ có cách đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Vì đây là quy luật kinh tế thị trường nên không thể so sánh giá trúng thầu hội đồng thầu này với hội đồng thầu khác, nhất là khi thời điểm đấu thầu diễn ra với quy mô, thời gian… khác nhau.

Còn nếu vẫn đấu thầu theo hình thức tập trung ở tỉnh/thành hoặc riêng lẻ ở từng bệnh viện thì chắc chắn sẽ có giá trúng thầu chênh lệch. Ví dụ, TP.HCM mở thầu trước, khi kết thúc thầu thì công ty tham gia dự thầu bị lộ giá bỏ thầu. Và khi họ tham gia đấu thầu tiếp ở các tỉnh/thành tổ chức đấu thầu sau TP.HCM thì buộc công ty đó phải bỏ giá rẻ hơn để tìm cơ may trúng thầu.

* Xin cảm ơn ông!

Văn Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI