Sợ về nhà ngoại vì tính 'nói toạc móng heo' của vợ

21/11/2018 - 17:00

PNO - Quê ngoại là thiên đường của mẹ. Dù có du lịch khắp thế giới, mẹ cũng không vui bằng việc được cười nói cùng ngoại và các mợ, các dì.

Nhà ngoại có dòng sông, vườn cây, ruộng đồng và rất đông bà con họ hàng. Hồi nhỏ, mỗi lần được về ngoại là một niềm vui lớn với cả nhà. Con trèo cây hái trái, theo anh em họ đi câu cá, ra đồng thả diều. Cha lấy mấy cây đàn cổ của ông ngoại ra lau chùi và đàn hát thâu đêm với mọi người. Mẹ thì khỏi phải nói, quê ngoại là thiên đường của mẹ. Dù có du lịch khắp thế giới, mẹ cũng không vui bằng việc được cười nói cùng ngoại và các mợ, các dì. Nhưng bây giờ, cả ba cha con đều ngán ngẩm mỗi khi khăn gói theo mẹ về quê. 

Tính mẹ xởi lởi, không giữ được điều gì trong lòng, có chuyện phải nói toạc ra hết mới chịu được. Mỗi lần gần gũi chị em, mẹ ngồi tâm sự không sót điều gì. Chuyện vui không sao, có những việc tế nhị, ví dụ gia đình hục hặc hay bí mật riêng tư mẹ đều vô tư phơi trần.

Cha dặn hoài, phải cân nhắc chuyện gì nên và không nên chia sẻ. Mẹ cười, nhận khuyết điểm, rồi đâu lại vào đấy. Bà ngoại cũng nhắc, dì mợ nhiều lần tỏ vẻ khó chịu, vậy mà mẹ vẫn không thay đổi.

So ve nha ngoai vi tinh 'noi toac mong heo' cua vo

Ảnh minh họa.

Con trai đã lớn. Con quan tâm chăm sóc, theo đuổi các cô bạn xung quanh để tìm một tình yêu, đó là chuyện bình thường. Mẹ để ý rồi đem thuật lại cùng “hội phụ nữ” của mẹ: “Thằng Hảo là chúa ở dơ, đầu tóc bù xù, quần áo chẳng bao giờ ủi, phòng ngập giấy rác, đồ đạc quăng tứ tung. Vậy chứ hôm nào hẹn con gái đi chơi là anh chàng láng mướt từ đầu tới chân. Tui mà biết xài "phây búc", tui sẽ viết kể hết thói hư tật xấu thằng con tui cho tụi con gái nó biết. Chỉ có cách đó nó mới mắc cỡ rồi sửa đổi”.

Mấy dì người cười ha ha, người bảo mẹ nói nhỏ một chút kẻo Hảo nghe được. Mẹ thản nhiên: “Tui nói sự thật chứ có thêm bớt đâu mà sợ. Tiền của nó đố ai xài được. Nó tiết kiệm ghê lắm. Nhưng mua quà sinh nhật cho bạn gái thì ôi thôi, toàn hàng xịn đắt tiền. Tốn kém nhưng mấy năm nay có cua được đứa nào đâu. Chỗ con nhà đàng hoàng tui ưng thì nó chê. Có con trai cũng khổ lắm!”.

Hảo ngồi chơi cờ ở phòng khách cùng các cậu nên nghe tất cả. Rất bực mình nhưng con ráng chịu đựng, không thể chạy xuống bếp cắt ngang lời mẹ. Vài lần như vậy, Hảo không còn tâm sự cùng mẹ bất cứ chuyện gì. Giữa hai mẹ con đã có một khoảng cách. Con trai đang tự vệ.

Bé Hà bước vào tuổi dậy thì. Tính con gái giống cha, cẩn thận và kín đáo. Chỉ cần mẹ nhắc tên Hà với người khác là con đã vùng vằng phản đối. Mẹ biết, nhưng mẹ vẫn không tế nhị. Mẹ kể chuyện con chỉ thích quần áo trắng và các gam màu nhạt, không mê màu nổi giống mẹ. Con thà mặc đồ cũ, nhất định không đụng đến mấy chiếc áo vàng đỏ xanh. Rồi mẹ tường thuật chuyện con bắt đầu có chu kỳ hằng tháng, chuyện cơ thể con phát triển nhanh đến nỗi quần áo chưa mặc được mấy lần đã phải dạt bỏ. Hôm ấy trở về nhà con giận, không chịu ngồi ăn chung bữa cơm chiều.

Cha trách mẹ, con đã lớn, đừng đem chuyện riêng tư của con kể lung tung nữa. Cha biết từ lâu chính cha cũng là đề tài bất tận trong những dịp mẹ về quê. Lúc vui, mẹ cao hứng: “Ổng cưng tui lắm nha, tối nào trước khi ngủ cũng mát-xa cho cả tiếng. Vợ chồng trẻ chưa chắc hạnh phúc bằng”. Khi hai người bất đồng, mẹ cũng không ngại trút cạn. Chuyện nội bộ trong nhà chẳng giấu được ai. Đến nỗi, chuyện cha phải điều trị mãn dục sớm mà các dì, các mợ và mấy đứa cháu lớn cũng biết.

Bây giờ, về nhà ngoại là việc cực chẳng đã đối với ba cha con.  Mỗi lần về quê đều phải nghe ngóng xem mẹ kể những gì. Mọi chuyện là tại mẹ. Người ta nói tính tình khó sửa, nhưng mẹ không thể vì hạnh phúc gia đình, tự nhắc nhở nên giới hạn chia sẻ những gì hay sao? 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI