Khi giọt nước mưa cuối cùng thôi hắt vào ô cửa kính, chị quay lại nhìn tôi, buông từng lời khó nhọc: “Chị không muốn về nhà”.
Chị hiền, xinh đẹp, khéo tay. Những lần chị đem xôi, rau câu, bánh bông lan lên cơ quan là cả đám xúm lại ăn, xuýt xoa lấy giấy bút ghi bí quyết nấu sao cho ngon được như chị. Lúc nào chị cũng nhẹ nhàng tươi cười. Tôi từng nghĩ, có lẽ cuộc sống của chị rất viên mãn và hạnh phúc. Thế mà, những lời thủ thỉ như nói với chính mình của chị cứ bám riết lấy tôi.
Ngày lấy anh, chị còn chưa biết nấu cơm thế nào cho ngon, không biết lựa con cá tươi chứ đừng nói nấu xôi hay làm bánh. Chị không hề biết cúng rằm, cúng giao thừa là cúng làm sao... Từ nhỏ, chị đi học xa nhà, thi thoảng về cũng chỉ nhặt rau, lau nhà qua loa phụ mẹ. Căn bếp của mấy chị em với mẹ đầy ắp tiếng cười ngay cả khi chị vụng về làm bể chén, khét cá hay mặn canh.
Nhưng chị làm dâu thì khác. Không có tiếng cười, cũng không có hướng dẫn hay sự cảm thông. Một mình chị loay hoay trong căn bếp rộng. Chỉ có ánh mắt lạnh tanh khi chị làm bể đồ hay mạnh tay. Chỉ có tiếng chén dằn xuống trên mặt bàn khi món ăn không vừa ý.
Vây quanh chị là trách là chê, là so sánh. Kệ bếp sao dơ quá, chén ăn rồi sao không rửa ngay, nhà cửa sao không sắp xếp như ý mẹ chồng, ly sao không sáng bóng... Rồi sao chị nhiều áo quần, giày dép quá, sao ở nhà mặc đồ đẹp, đồ mới hoài, sao cứ đàn nửa đêm, sao cứ về nhà ngoại, sao đàn bà con gái mà để chồng bế con, pha sữa... Em chị thi đại học, ở nhờ vài hôm vì tiện đường đến trường. Em về, mẹ chồng nói căn nhà này là thành quả cả đời bà gầy dựng, người ngoài không được đặt chân tới ngủ, dù chỉ một đêm.
“Chị sanh con đầu lòng, còn trong tháng, tất cả đều lạ lẫm, không ai bên cạnh đỡ đần, lúc con ngủ, chị mệt quá thiếp đi. Mẹ chồng nói con ngủ mẹ cũng ngủ thì việc nhà ai làm. Chưa đầy tháng, chị ăn cơm tự rửa chén vì người ta bóng gió nấu nướng cho chị mệt quá” - chị nhìn tôi, nỗi chua xót tràn lên trên ánh mắt: “Mới đây, cuối tuần, chị về thăm nhà hai ngày. Khi trở lại, chị thưa mẹ, bà không nhìn chị, buông câu: sao không ở dưới nhà ngoại luôn đi”.
Gần 20 năm chịu đựng và cố gắng, chị đã đuối rồi. Ngoài 40 tuổi, chị còn lây lất tạm bợ, còn thấy bơ vơ không có chốn về. Cuộc đời đâu có nhẹ nhàng. Mỗi sớm mai thức dậy, đối diện cơ man nào là khó khăn từ công việc, những mối giao tế, giáo dục con cái, đến sức khỏe, tình cảm... Một nơi chốn nghỉ ngơi, tựa nương cũng không có, liệu người ta chịu được bao lâu?
Dạo gần đây, khi rảnh rỗi, lướt Facebook, tôi liên tục thấy hình ảnh của dì. Mới thấy dì đi Dubai hơn tuần trước, tuần này lại bắt gặp hình dì xúng xính áo váy, tạo dáng dưới những tán lá đang chuyển từ màu vàng sang đỏ ối của những ngày cuối thu ở xứ sở mặt trời mọc. Dì còn nhắn rằng về chuyến này sẽ chỉ ở nhà vài hôm là lại qua Úc đón giáng sinh với con gái. Dì chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nên dì cháu hay tâm sự như bạn bè.
Khi sinh em tôi, do dượng làm xây dựng lúc được lúc không, một mình dì chăm con vất vả nên cũng không thiết tha có thêm em nữa. Đến lúc em lớn, kinh tế khá rồi, dượng không đi nữa, dì muốn sinh thì đợi hoài không có. Dì nói mỗi ngày trôi qua, với dượng, dì cảm thấy như mình nắm trong tay một viên nước đá: tan ra tan ra, không biết làm sao giữ lại.
Dì kể, khi tận mắt nhìn thấy dượng âu yếm khoác tay một người đàn bà trẻ lùm lùm bụng bầu, đi ra từ bệnh viện phụ sản, dì ngạc nhiên về phản ứng của mình quá đỗi. Dì cố nghe xem mình có đau ở đâu đó không, cố chuẩn bị cái đầu tỉnh táo, nhắc nhở mình kia là người đàn bà đang mang một sinh linh bé nhỏ, đừng làm gì người ta mang tội.
Lạ thay, dì không nghe đau, dì không khóc, cũng không nhào vô cấu xé ai. Dì chỉ lặng lẽ lấy xe về nhà, lặng lẽ ngồi im trong góc phòng, không bật điện, co ro như hồi nhỏ bị ba đánh đòn oan. Rồi hôm sau, dì làm thủ tục cho con gái đi du học. “Tới đâu hay tới đó. Dì sợ về nhà lắm” - dì trả lời khi tôi buột miệng hỏi dì tính làm sao.
“Em sợ về nhà lắm chị”. Đó cũng là câu trả lời của cô bé nhân viên bán hàng của công ty khi tôi hỏi sao xuống ca mà không về. Xoa xoa vết sẹo lồi to như đầu đũa dài chừng hai đốt ngón tay, em kể vết sẹo là do em đưa tay đỡ khi ba ném nguyên bình trà về phía mẹ. “Đánh chửi nhau suốt ngày à chị. Em trai em đi bộ đội, giờ còn mình em. Về nhà thấy mẹ ngồi khóc, riết em không còn thấy thương mà chỉ bực bội.
Sao họ không bỏ nhau cho rồi. Cái nhà như vậy, ai mà muốn về”. Cô bé mới tròn hai mươi, chứng kiến điều đau lòng thế này, liệu em có còn dám hồn nhiên bước vào tình yêu, hôn nhân? Không có nơi trú ẩn, cánh chim liệu có dám bay xa bay cao, liệu có gắng hết sức bay về?
Tôi tự nhiên nhớ mẹ. Có lần, mẹ ghé nhà thăm cháu. Cậu trai lớn của tôi lúc ương bướng cãi lời, mệt và giận, tôi mở cửa, quát: “Con đi ra khỏi nhà cho mẹ”. Thằng bé khóc tức tưởi. Mẹ tôi không nói gì, trước khi về chỉ nói nhỏ: “Dạy con không dễ dàng, mẹ biết, con cũng có những lúc mệt. Con đánh cháu một hai roi hay phạt quỳ gối mẹ đều không bênh. Nhưng đừng bao giờ đuổi con mình ra khỏi nhà. Không có nhà, con người ta phải làm sao?”.
Ngôi nhà đâu chỉ là chốn về để ăn, để ngủ. Nơi đó cho mình sự an toàn, tình yêu thương, chỗ nương tựa. Không có, không còn ngôi nhà, không còn thiết tha muốn về, liệu có nỗi đau, sự mất mát nào hơn?
Triệu Vẽ