Sợ về nhà

03/05/2013 - 17:21

PNO - PN - Những ngày cuối tuần, ngoài giờ làm thêm, tôi thường phụ mẹ trông coi quán cà phê. Trong số khách của mẹ có Nhân là người bạn chung lớp với tôi thời tiểu học. Thấy Nhân thường trò chuyện với tôi, mẹ nhắc nhở: “Con đừng...

Từ đó, tôi dè chừng và giữ một khoảng cách nhất định với bạn. Cho đến một hôm, quán vắng, Nhân lại gần tôi hỏi han chuyện học hành. Rồi Nhân tâm sự rằng cậu ấy rất sợ khi phải về nhà.

So ve nha

Gia đình Nhân không được êm ấm. Việc thiếu trước hụt sau khiến ba mẹ thường xuyên cãi vã, thậm chí nhiều lần đánh nhau trước mặt con cái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người bạn lớp trưởng học khá giỏi ngày nào bỗng dưng chán nản, bỏ học giữa chừng. Nhân chơi cùng nhóm bạn xấu, gây nhiều phiền phức cho gia đình và những người xung quanh, thậm chí có lần còn suýt lãnh án tù. Rồi cậu đưa một cô bạn về nhà sống chung, mặc sự phản đối của gia đình. Sinh con được ba tháng, cô ấy bỏ đi biệt tích. Đứa bé lớn lên nhờ một tay bà nội. Ngày ngày, mẹ đay nghiến Nhân bằng tất cả những lời lẽ khó nghe nhất. Từ khi có con, Nhân biết mình cần thay đổi. Cậu tuyệt giao với đám bạn lông bông, chăm chỉ làm việc ở một xưởng sản xuất nón bảo hiểm. Nhưng đồng lương công nhân chỉ tạm đủ cho hai cha con, trong khi yêu cầu của ba mẹ là Nhân phải kiếm đủ tiền lo cho cả nhà. Làm việc cật lực cả ngày, không giao tiếp với ai, về nhà cứ phải nghe mẹ tính chuyện tiền nong và nói những lời đay nghiến, mãi rồi Nhân cảm thấy sợ chính ngôi nhà của mình, mơ hồ nghĩ có thể một ngày nào đó cậu sẽ căng thẳng đến phát điên.

Đem chuyện của Nhân kể mẹ nghe, mẹ tôi thở dài bảo “đèn nhà ai nấy sáng”. Rồi mẹ nói thêm, Nhân bước sai đường trong những bước chập chững vào đời, lỗi phần lớn ở bậc cha mẹ. Ba má Nhân tai tiếng xưa nay ở xóm này về chuyện xào xáo, cứ một, hai ngày là cãi cọ, đánh nhau. Lúc anh em Nhân còn nhỏ, có khi hai vợ chồng ẩu đả rồi không thèm nấu cơm, bỏ con nhịn đói. Dẫu bạn tôi đã chăm chỉ làm ăn, nhưng đồng lương công nhân ít ỏi, cả gia đình cần chi tiêu vén khéo. Trong khi đó mẹ Nhân thường xuyên bài bạc. Ba thì chưa quá tuổi năm mươi, lẽ ra cũng nên tìm một việc gì đó góp thêm thu nhập. Nhưng họ giao cả gánh nặng gia đình lên vai Nhân rồi trách con không biết kiếm tiền... Tôi biết Nhân rất hối hận với những gì đã qua nên mỗi khi ba mẹ chì chiết, cậu chỉ biết im lặng. Chợt nghĩ, sức chịu đựng nào cũng có giới hạn, sao ba mẹ Nhân không lường trước cảnh có thể “tức nước vỡ bờ”? Tại sao sống trong cùng một gia đình, là vợ chồng con cái, lại phải gồng mình chịu đựng lẫn nhau?

Tôi chưa hình dung được một giải pháp nào khả dĩ cho gia đình người bạn của mình, chỉ biết đây không phải là trường hợp hiếm trong đời sống hiện nay. Vì nhiều lý do, các thành viên trong nhà tự biến tổ ấm thành địa ngục. Thỉnh thoảng lại có đứa bạn nhắn tin: “Buồn quá, đi đâu chơi đi, nơi nào cũng được, miễn đừng phải về nhà bây giờ”. Thật bi kịch khi nhà là nơi trở về để nghỉ ngơi và tìm cảm giác yên bình sau một ngày bôn ba, nhưng lại là sự mệt mỏi cần trốn chạy đối với không ít người.

Việt Hương

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn

Từ khóa Sợ về nhà
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI