Sợ về nhà

18/12/2015 - 09:10

PNO - Em sợ một ngày nào đó em về ngang nhà, một bà hàng xóm sẽ kéo vào, kể chuyện chồng em rao khắp xóm rằng mày bỏ nó thế này, thế nọ…

Mình ạ, dạo này không hiểu sao hết một ngày làm việc em bỗng dưng sợ về nhà, dù về sẽ được nghe tiếng cười trong vắt của cu Bi, sẽ trả lời những câu hỏi bất tận nhưng đầy hào hứng của con. Rồi khi em vào bếp nấu ăn, thằng bé sẽ quanh quẩn theo, sẽ hỏi tại sao con khô cá sặt lại ngon hơn khô lù đù, cũng là cá phơi khô như nhau mà mẹ? Tại sao sườn kho tiêu thì chặt nhỏ, sườn ram chặt to, sườn nào cũng nấu chín và cho vào miệng hết mà? Mẹ ơi, tại sao canh thì xắt hành nhỏ mà kho thì cắt hành to? Không chỉ thế, về nhà còn để tối tối “gỡ rối tơ lòng” cho cu Bon khi bắt đầu chạm ngõ tuổi thành niên.

Nhưng, về rồi sẽ ngẩn ngơ buồn vì thông tin nào đó từ quê của anh. Cũng lạ, sao ngày nào anh cũng cập nhật thông tin xa tận hai ngàn cây số thật chính xác. Hôm kia anh bảo: “Bà mợ em dâu mẹ Hai mình bệnh nặng rồi! Tám sáu chứ ít gì đâu. Nhà có đứa con dâu làm giám đốc, thằng con trai thì hưu non ở nhà chăm mẹ nên chẳng biết quái gì chuyện bệnh đau. Thằng ấy đang muốn đưa bà cụ xuống Hà Nội trị bệnh mà vợ không cho tiền, chỉ lận trong người mỗi cái bảo hiểm. Anh định… xin em một triệu gửi biếu bà”.

Em bảo: “Đang giữa tháng, em còn tiền chợ thôi, anh biếu bà năm trăm đỡ vậy. Chứ nhà ta…”. Anh quát: “Biết rồi! Chứ nhà ta bốn người mà lương em năm triệu một tháng thì lấy gì se sua, so sánh phải không? Ô kê! Cô tưởng năm trăm báu lắm à? Người gì mà chẳng biết tình thâm ruột thịt”. Em cười mà nước mắt chảy ngược vào lòng. Bà mợ, em dâu của mẹ kế, thì ruột thịt thế nào với anh?

So ve nha
Ảnh mang tính minh họa

Hôm nay, em vừa đẩy xe vào sân, anh đã chạy ra: “Em về rồi à! Ôi… thằng Tuấn bạn anh bệnh sắp chết mà vợ bỏ em ạ!”. Dựng xe xong, em ngồi bệt xuống bậc thềm để san sẻ nỗi niềm cùng anh. Em biết, nếu mình đi vào nhà bỏ mặc câu chuyện của anh thì tối nay vợ chồng sẽ có chuyện ngay.

- Anh Tuấn bệnh gì vậy anh?

- Chưa già mà đã thấp khớp, bao tử, thoát vị đĩa đệm…

- Vợ anh ấy làm nghề gì?

- Có nghề gì đâu, quanh năm hai sào ruộng rồi làm thuê và đẻ bầy con. Hai đứa chết vì tai nạn giao thông, thằng chồng thì say xỉn suốt ngày, đứa con gái út ngờ nghệch.

- Trước kia anh Tuấn làm gì để nuôi vợ con mà nay khổ vậy anh?

- Nghề nó quan trọng lắm, nó chết là cả làng mất nhờ. Ai có đám tiệc là kêu nó tới, giết chó giết heo mỗi con vài ba chục bạc kèm một bữa rượu.

- Anh ta nuôi vợ con bằng tiền đó à?

- Không, chả đủ nhậu.

- Vậy sao giờ bệnh lại trách vợ bỏ? Mà chị có ly hôn đâu? Chẳng qua là chẳng có tiền lo thôi.

Như bị “hớ”, anh cố vớt vát:

- Dù gì thì vợ cũng không nên bỏ mặc chồng lúc bệnh. Cầm nhà thế đất gì cũng phải lo chứ!

- Vậy sau đó thì ở đâu? Mà em thấy mấy bệnh của anh Tuấn cũng đâu phải nan y!

- Nói với em cũng như không!

Đại loại là những câu chuyện như thế.

Chúng ta mới sống với nhau sáu năm, là cảnh “rổ rá cạp lại”. Em vẫn ngỡ khi đã đi qua khá nhiều sóng gió cuộc đời, ta sẽ chắt lọc được mật ngọt cho yêu thương bền chặt, nhưng thực tế không phải vậy.

Trước tiên là anh bảo em đừng đòi hỏi nhiều, vì chồng trước của em rượu chè, lười biếng, anh không như thế là em đủ bình yên rồi. Anh nói không sai nhưng làm được bao nhiêu tiền anh lại gửi về cho con riêng và họ hàng ở quê với lý do: 

“Người miền Bắc anh quý họ mạc lắm. Vợ thì không bà này còn bà khác chứ anh em họ hàng chỉ có một mà thôi!”. Vậy là em phải ru mình bằng ảo tưởng “chỉ cần chồng không nhậu nhẹt” để sinh con, lao động cật lực hơn, bởi vẫn nghe lập luận của kẻ làm chồng: “Nếu anh chết thì em vẫn phải nuôi hai con chứ bỏ cho ai? Giờ anh còn sống, anh phụ em mỗi tháng một triệu là đã tốt gấp mấy lần thằng chồng trước của em rồi!”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI