Số trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng dạng nặng tăng mạnh

01/04/2013 - 10:05

PNO - PN - Tuần qua, có nhiều trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) đến khám tại các bệnh viện (BV). TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng đang có dấu hiệu tăng mạnh.

BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị bệnh TCM cho hai chị em L.Th.C.Nh., năm tuổi và em trai L.T.Kh., 5,5 tháng tuổi (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Trước đó, bé Nh. bị nổi bóng nước ở tay chân kèm sốt, khó thở và nhanh chóng chuyển sang độ III (độ nặng): cao huyết áp, suy hô hấp. Sau một ngày nhập viện, bé Kh. cũng rơi vào tình trạng nguy kịch khi bệnh chuyển nhanh từ độ III sang độ IV (độ nặng nhất), khiến bệnh nhi ngưng tim ngưng thở. BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, BV Bệnh Nhiệt đới TP - cho biết, tình trạng chuyển từ độ nhẹ sang nặng của bệnh TCM diễn ra rất nhanh, nếu bệnh nhi không được nhập viện kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Hiện sức khỏe của bé Nh. đã tạm ổn, riêng bé Kh. vẫn còn co giật nhẹ và đang được lọc máu liên tục, cho uống thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy.

So tre mac benh tay-chan-mieng dang nang tang manh

Bệnh viện quá tải, bệnh nhi phải nằm tràn hành lang

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới, trong tháng Ba có hơn 1.100 bệnh nhi đến điều trị TCM, trong đó có gần 200 trẻ điều trị nội trú vì bệnh nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc bệnh TCM chỉ tăng mạnh trong hai tuần trở lại đây, trong đó có nhiều trẻ phải nằm ở Khoa Cấp cứu. Tương tự, tại BV Nhi Đồng 1, hiện mỗi ngày có gần 40 trẻ điều trị nội trú và BV Nhi Đồng 2 có gần 50 trẻ. Số bệnh nhi nhập viện điều trị hầu hết là trong tình trạng nặng và chiếm 5-10% tổng số trẻ đến khám.

Các bác sĩ cho biết, thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm 2013, số ca bệnh TCM chỉ ở mức vài chục thì từ đầu tháng Ba đến nay, bệnh TCM miệng đã bắt đầu tăng cao; riêng số bệnh nặng có chiều hướng tăng mạnh.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, chu kỳ bệnh TCM vào đỉnh dịch từ tháng 3-5 và từ tháng 9-11 hàng năm. Hiện nay, thời tiết nắng nóng bất thường, nếu vệ sinh không đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho dịch TCM phát triển mạnh. Khó khăn lớn nhất đối với bệnh TCM là chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiếp xúc với các dịch tiết từ vùng miệng, phân, nước bọt của trẻ bệnh, mầm bệnh có thể phát tán qua đường hô hấp của trẻ bệnh khi trẻ ho hay hắt hơi. Khi thấy trẻ có các biểu hiện: sốt, đau họng, chảy nước bọt liên tục; biếng ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; nổi bóng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, loét đỏ ở miệng,… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Hoàng Sa - Ngô Đồng

Trẻ ồ ạt nhập viện vì nắng nóng

Trung bình mỗi ngày, BV Nhi Ðồng 1 tiếp nhận khoảng 4.500 - 5.000 trẻ đến khám, trong đó có khoảng 1.000 trẻ phải nằm điều trị. Lượng bệnh nhi đến khám khá đông dẫn đến các phòng khám quá tải, bệnh nhi nằm tràn hành lang.

Tình cảnh trên cũng diễn ra tại BV Nhi Ðồng 2. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, từ cuối tháng Hai đến nay, số lượng trẻ em đến khám và điều trị tại BV tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 bệnh nhi đến khám, thậm chí có ngày lên đến 4.500. Số lượng bệnh nhân tới khám bệnh trong những ngày tháng Ba cũng cao hơn tháng Hai khoảng 100 - 200 bệnh nhân/ngày; so với cùng kỳ và thời điểm trước Tết thì lượng bệnh nhân nhập viện tăng gần gấp đôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI