Số trẻ em tử vong vì COVID-19 ở Indonesia tăng lên mức báo động

08/08/2021 - 15:26

PNO - Nhiều trẻ em ở Indonesia đã tử vong trong đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây do suy dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc sức khỏe thiếu thốn...

Khoảng một tháng nay, Erwin (tên nhân vật đã được thay đổi) cảm thấy cả thế giới của mình như bị sụp đổ. Mỗi ngày, người đàn ông Indonesia 58 tuổi này phải đạp xe trên những con phố ở Bandung, thuộc Tây Java, để bán cà phê gói rang sẵn mưu sinh. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này, dẫn đến việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, cuộc sống của gia đình Erwin đã lâm vào cảnh khó khăn.

Một lớp học ở Jakarta
Một lớp học ở Jakarta, Indonesia

Áp lực càng nặng khi đứa con trai út 11 tuổi của ông bị nhiễm COVID-19. “Con tôi bị sốt, không thể ăn được vì bị đau họng. Nếu có ăn vào, cháu cũng sẽ bị nôn ra. Tôi chỉ cho cháu uống một ít thuốc và không dám đưa đến bệnh viện do cháu có vấn đề về thể chất”, Erwin kể lại.

Sau 3 ngày, bé trai bắt đầu khó thở và Erwin quyết định đưa con đến một trạm y tế địa phương.

“Tôi đưa con đến một trạm y tế và họ đã truyền dịch vào tĩnh mạch (IV), đồng thời thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo phương thức PCR. Kết quả dương tính. Và chỉ sau một đêm nằm lại tại trạm y tế này thì cháu qua đời.

Tôi rất tiếc vì đã không đưa con đến thẳng bệnh viện. Tôi không biết cháu bị nhiễm COVID-19. Lúc đó tôi rất bối rối không biết có nên đưa con đến bệnh viện hay không, vì tôi không có tiền. Tôi thực sự hối hận về điều này cho đến tận bây giờ”, Erwin đau buồn kể lại.

Nhưng nỗi đau vì mất đứa con trai út chưa nguôi, thì sau đó Erwin lại phải đối mặt với khó khăn mới khi vợ ông cũng bị nhiễm COVID-19 và phải tự cách ly.

Câu chuyện của gia đình Erwin cũng là một hoàn cảnh điển hình mà hàng ngàn gia đình nghèo khó ở Indonesia đã lâm phải khi dịch COVID-19 hoành hành ở nước này.

Trẻ em ở Kawal, Bintan, Indonesia
Trẻ em ở Kawal, Bintan, Indonesia

Theo giáo sư Aman Pulungan - người đứng đầu Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI), đồng thời là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhi khoa quốc tế (IPA) - có ít nhất 1.065 trẻ em ở nước này đã tử vong do COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Giáo sư Pulungan cho biết thêm, từ tháng 7, khi Indonesia phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 2, số ca tử vong ở nước này đã tăng lên hơn 100 ca mỗi tuần. Trong đó, tỷ lệ trẻ em tử vong vì COVID-19 có thể đang ở mức cao nhất trên thế giới.

Tính đến nay, có ít nhất 207.000 trẻ em ở Indonesia đã bị nhiễm COVID-19, chiếm 12,5% tổng số ca nhiễm tại nước này. Chỉ tính trong 4 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới là trẻ em ở Indonesia đã tăng thêm đến 90.000.

Tuy nhiên, giáo sư Pulungan cũng cảnh báo rằng, số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao hơn nhiều so với con số báo cáo, vì nước này chỉ mới thực hiện xét nghiệm cho 100.000 đến 200.000 người mỗi ngày, trong khi tổng dân số là 270 triệu người.

Với hơn 3,6 triệu ca nhiễm và 104.000 trường hợp tử vong cho đến nay, các chuyên gia Indonesia lo ngại sẽ có thêm nhiều trẻ em thiệt mạng vì COVID-19 ở nước này, và đã kêu gọi các nhà chức trách hành động ngay lập tức để cải thiện tình hình.

Theo giáo sư Pulungan, một điều đáng báo động nữa là khoảng 42% trẻ em tử vong do COVID-19 ở Indonesia có độ tuổi dưới 1, tức là các bé này đã được sinh ra trong thời đại dịch. “Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của đất nước không ổn”, giáo sư nhận định.

Giáo sư Pulungan nói thêm rằng các bệnh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh, và việc trẻ sơ sinh không thể đeo khẩu trang cũng góp phần làm tăng nguy cơ tử vong khi trẻ bị nhiễm COVID-19.

Ông Tata Sudrajatn - Phó giám đốc phụ trách tạo tác động từ các chương trình và chính sách của tổ chức phi chính phủ Save The Children ở Jakarta - cũng cho rằng có ít nhất 3 lý do chính khiến nhiều trẻ em ở Indonesia tử vong vì COVID-19. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, và không được điều trị y tế theo các quy trình chuẩn mực.

“Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái, trẻ em Indonesia là một trong những đối tượng ít được tiêm chủng định kỳ nhất. Bên cạnh đó, các em cũng không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế và các nguồn dinh dưỡng quan trọng. Những điều này khiến các em có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và tử vong cao hơn”, ông Sudrajat lên tiếng.

Giáo sư Pulungan cảnh báo rằng, trước tốc độ lây nhiễm nhanh chóng do biến thể Delta trong thời gian gần đây, hệ thống chăm sóc y tế tại Indonesia đang trên đứng trên bờ vực, khiến cho nhiều trẻ em bị nhiễm hoặc trẻ sơ sinh không có đủ giường bệnh. Trong khi đó, mỗi tuần nước này có khoảng 18.000 ca nhiễm mới là trẻ em.

Vì vậy, giáo sư Pulungan kêu gọi chính phủ Indonesia bổ sung thêm giường bệnh cho trẻ em, tăng cường xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc cũng như tăng tốc độ tiêm chủng cho thanh thiếu niên, đối tượng chiếm khoảng 30% dân số cả nước.

Trong khi đó, ông Sudrajat, một mặt cho rằng cộng đồng trong nước cần nâng cao nhận thức về dịch COVID-19, mặt khác kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. "Nếu không có sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế thông qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX, cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Indonesia sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát", ông nói.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI