Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất tăng tần suất quan trắc thông số bụi mịn tại TP.HCM

07/12/2019 - 07:56

PNO - Thay vì quan trắc không khí 2 lần/ngày và 10 ngày/tháng như hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đề xuất quan trắc không khí hàng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và chính quyền.

Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất tăng cường công tác quan trắc và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. 

Cụ thể, tăng cường tần suất quan trắc chất lượng môi trường không khí tại 30 vị trí quan trắc hiện hữu từ 10 ngày/tháng vào 2 thời điểm lên 3 thời điểm/ngày.

Ngoài ra, quan trắc hằng ngày để có thể công bố số liệu hiện trạng môi trường không khí vào những thời điểm người dân tham gia giao thông nhiều. Thời gian triển khai tăng cường quan trắc từ năm 2020 - 2022.

So Tai nguyen va Moi truong de xuat tang tan suat quan trac thong so bui min tai TP.HCM
Trong tháng 9 và 10 vừa qua, tại TP.HCM, liên tục xuất hiện tình trạng mù quang hóa khiến người dân rất lo lắng. Ảnh: Phương Nguyên

Thời điểm quan trắc cụ thể như sau:

Từ 7g30 - 8g30 (thời điểm đi làm); từ 15g - 16g (thời điểm giao thông bình quân trong ngày).

Từ 20g - 21g (thời điểm bắt đầu cho phép xe tải vào trung tâm thành phố và người dân tham gia các hoạt động vui chơi vào ban đêm).

Đặc biệt, sẽ tăng cường quan trắc thông số bụi PM10 và PM2,5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả các vị trí quan trắc nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng bụi mịn trong không khí của thành phố.

Kết quả quan trắc sẽ được cung cấp thông tin đến người dân trên web và ứng dụng trên điện thoại thông minh với tần suất cung cấp hằng ngày (3 thời điểm quan trắc). Độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày (thời gian thực hiện lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường không khí).

Các thông số công bố cụ thể như sau:

NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng: Nồng độ các chất ô nhiễm tại 3 thời điểm quan trắc.

Mức ồn: Nồng độ ô nhiễm tại thời điểm 7h30 - 8h30 (thời điểm mật độ giao thông cao nhất trong ngày).

Bụi PM10, PM2,5: Nồng độ trung bình 24 giờ liên tục.

Đây là giải pháp đặc biệt tạm thời được Sở TNMT đề xuất trong thời gian chờ đầu tư trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo Luật Đầu tư công. Theo kế hoạch, năm 2022 các trạm này mới có thể đi vào vận hành chính thức. 

TP.HCM đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí giao thông; 3 vị trí môi trường nền, 4 vị trí ở khu dân cư, 4 vị trí ở khu công nghiệp).

Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn ra khá phức tạp, chuyển biến nhanh và chịu tác động từ một số yếu tố bất lợi của thời tiết, làm tích tụ ô nhiễm. Điều này gây nên hiện tượng mù quang hóa, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân thành phố.

T.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI