So sánh, khen chê - liều thuốc độc cho tâm hồn trẻ thơ

02/08/2024 - 13:55

PNO - Cậu bé Việt kiều 10 tuổi K.V. tuyên bố “không về quê nữa” vì gặp người lớn nào, cậu cũng nghe hỏi: “Con bao nhiêu ký?”. K.V. nghĩ mọi người chê mình mập, “body shaming” mình. Những so sánh, khen chê vô tình của người lớn dễ làm trẻ ức chế, tổn thương, thậm chí thành liều thuốc độc với tâm hồn trẻ thơ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những câu nói tưởng chừng vô hại…

Chị Liên Nguyễn - mẹ của bé K.V. - kể: “K.V. sinh ra ở Úc và bé chưa từng bị “body shaming” (chê bai, bình phẩm tiêu cực về ngoại hình) nên rất thoải mái với ngoại hình cao 1m54, nặng 78kg. Khi tôi đưa con về quê ăn tết, họ hàng ở quê cứ gặp thằng bé là thản nhiên bình phẩm: “Sao mập dữ vậy?”, “Thức ăn nước ngoài có khác heng!”. Nhiều người còn gọi con bằng “thằng mập”. Dù không quá rành tiếng Việt, nhưng bé V. vẫn hiểu, cậu nói với mẹ: “Người lớn kỳ cục quá!”.

Sự hồn nhiên, vô tình của người lớn làm con trẻ lo sợ, tổn thương là điều khá phổ biến, từ nông thôn đến thành thị. Suốt thời ấu thơ, chị T.D. đã tin mình được “lượm trong bụi chuối” như lời hàng xóm. Mỗi khi chị mê chơi bị má đánh đòn thì y như rằng, hết bà Ba đến chú Sáu lại nói: “Thấy chưa, lượm mày ở bụi chuối nên đâu có thương” khiến chị càng tin mình là con nuôi của gia đình. Năm học lớp Ba, sau khi bị đòn, chị D. gom mấy bộ quần áo bỏ vào túi ni lông định trốn đi tìm ba mẹ ruột. Sau đó dù được giải thích ngọn ngành, nhưng ký ức và sự nghi ngờ xuất thân “lượm bụi chuối” vẫn theo chị đến khi trưởng thành.

Đừng nghĩ trẻ không tổn thương

Những câu nói như "mẹ có em, con ra rìa", "con bé này đen quá", "sao không học giỏi như con người ta"… tuy không xuất phát từ ác ý, nhưng có thể gieo vào lòng trẻ những mầm mống tự ti, mặc cảm. Hơn nữa, theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em có khả năng tiếp thu và ghi nhớ thông tin rất tốt, nhưng lại chưa có khả năng phân biệt đúng sai. Do vậy, những lời nói của người lớn, dù là khen ngợi hay chê bai, đều có thể được trẻ ghi nhớ và coi là sự thật.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cặp song sinh Ánh Loan - Ánh Nga, con của chị Hiền Trang - nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM - đã nhiều lần khóc tức tưởi vì bị so sánh “đứa nào nặng hơn, đứa nào đẹp hơn, đứa nào lanh lợi, thông minh hơn?". Đến tuổi đi học, sự so sánh càng nhiều. Chị Hiền Trang kể: "Tôi chăm con, hiểu được ưu khuyết của từng bé, nên trong mọi hành xử của 2 con, tôi chỉ quan sát và khuyến khích nếu có bé nào chưa làm tốt. Nhưng khi con đi học, chẳng biết vô tình hay cố ý mà con luôn bị thầy cô, bạn bè đặt lên bàn cân. Một bé thuộc bài, còn một bé không thuộc là bị nói: “Ủa, sinh đôi mà sao không giống nhau, đứa chăm học, đứa thì lười vậy?”. Những so sánh đó khiến 2 con rất áp lực, thậm chí đã biến một bé trở nên tự ti, mang nhiều nỗi sợ: sợ phát biểu, sợ lên bảng làm bài.

Chị Trang đã có cuộc trò chuyện với 2 con. 2 đứa trẻ đã vỡ òa những bức xúc chất chồng bấy lâu. “Hóa ra, những câu trêu chọc, so sánh của hàng xóm từ hồi 4-5 tuổi vẫn hằn in trong tâm trí con. Đừng nghĩ trẻ nhỏ mà không nhớ, không tổn thương” - chị Trang nói.

Chị Nguyễn Như Quỳnh - chuyên viên tham vấn tâm lý tại TPHCM, Hội tâm lý trị liệu Việt Nam - cho biết: Bất kỳ sự đánh giá nào liên quan đến trẻ đều có tác động tới nhận thức trong giai đoạn trẻ tiếp thu, phản chiếu để chuẩn bị cho quá trình trưởng thành sau này. Nếu trẻ bị chê hay chỉ trích, đánh giá về vẻ ngoài, thành tích học tập hay bất cứ thể hiện bề nổi nào thì sẽ gây nên những cảm xúc thất vọng vì tin rằng mình không được chấp nhận.

Từ thất vọng bị dồn nén lâu ngày, trẻ có khuynh hướng có những cơn giận gây hấn ra bên ngoài hoặc cơn giận thụ động gây hấn với chính bản thân mình. Nếu không được giải tỏa, trẻ sẽ rất khó xây dựng cho mình một hệ giá trị cốt lõi vững vàng cho sự phát triển trong quá trình lớn lên.

Cũng theo chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Như Quỳnh, khi trẻ phải nghe những lời chê, câu đùa hay chỉ trích ngoại hình, việc học hay thể hiện nào đó của con…, điều mà cha mẹ, người lớn bên cạnh có thể làm để giúp con là xác thực cảm xúc trẻ đang có. Bất kể cảm xúc gì ở trẻ: vui, buồn, giận, thất vọng… đều cần được nhìn thấy, thay vì chúng ta “dẫn” con lướt qua với những câu quen thuộc như “đâu có gì để buồn”, “kệ đi con”, “nói chơi mà”…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Việc xác thực cảm xúc giúp trẻ có cảm giác được lắng nghe, được hiểu và quan trọng là được chấp nhận. Từ đó, con lấy lại sự cân bằng. Ở giai đoạn tiểu học, cảm giác được yêu thương, được ghi nhận từ cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè đồng trang lứa sẽ giúp trẻ có được cảm giác an toàn.

Sự an toàn này giúp trẻ tự tin, tự hào về những điều mình làm được và có những cảm nhận rõ hơn về năng lực bản thân. Nhờ vậy sẽ giúp gia tăng sự độc lập, chủ động của trẻ ở giai đoạn dậy thì và giai đoạn trưởng thành sau đó.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI